Dự án Happyland Đông Anh: “Hô biến” 7,4ha đất công thành “đất ông”

Phong Vân| 14/10/2021 10:34

Hơn 7,4ha đất công tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty TNHH MTV Ô tô 1-5, sau “vài đường cơ bản” đã về tay Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh với giá rẻ mạt.

Hành trình biến đất công thành “đất ông”

Trước năm 2011, hơn 7,4ha đất thuộc ô quy hoạch ký hiệu V3.2, Phân khu đô thị N5 (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) được Nhà nước giao cho Công ty TNHH MTV Ô tô 1-5 (100% vốn Nhà nước) quản lý, sử dụng để đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất ô tô. Thời gian thuê là 30 năm.

Được sự đồng ý của cơ quan chủ quản, ngày 21/9/2011, Công ty TNHH MTV Ô tô 1-5 (Ô tô 1-5) ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines (Vinalines) để thành lập Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh, mục đích triển khai dự án bất động sản tại khu đất nói trên.

Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, trong đó Ô tô 1-5 góp 69,3 tỷ đồng, tương ứng 27,72%; Vinalines góp 177,5 tỷ đồng, tương ứng 71%; đối tác do Vinalines chỉ định là Công ty Cổ phần tập đoàn thương mại và đầu tư phát triển Việt Nam góp 3,2 tỷ đồng, tương ứng 1,28%.

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Vinalines và Ô tô 1-5, thửa đất trên gồm tài sản trên đất và lợi thế thương mại được các bên định giá tại thời điểm đó là 213 tỷ đồng. Phần vốn góp 69,3 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh sẽ được khấu trừ vào số tiền 213 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty TNHH MTV Ô tô 1-5 tiến hành cổ phần hóa vào cuối năm 2014, đổi thành Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 và vẫn tiếp tục hợp tác với Vinalines triển khai thực hiện dự án trên.

du-an-happy-land-dong-anh2.jpg
Dự án Happyland Đông Anh

Tới tháng 10/2015, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4941/QĐ-UBND, chấp thuận đầu tư Dự án Thương mại – Dịch vụ - Nhà ở 1-5 (Happy Land Đông Anh) cho Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh tại vị trí trên, với tổng mức đầu tư hơn 872,7 tỷ đồng. Quyết định do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký.

Thông qua chính quyền huyện Đông Anh, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh đã bồi thường cho Ô tô 1-5 số tiền 72,15 tỷ đồng vào tháng 12/2016. Ngoài ra, Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh còn chuyển cho Ô tô 1-5 một số tiền khác khoảng 10 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh bồi thường, hỗ trợ Ô tô -15 khoảng 82/213 tỷ đồng đã thỏa thuận.

Hà Nội bị chủ đầu tư qua mặt?

Sau khi hoàn thiện cơ bản các thủ tục pháp lý dự án, ngày 3/4/2019, Ô tô 1-5 chuyển nhượng lại toàn bộ 27,72% cổ phần tại Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh cho Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh, với giá 69,3 tỷ đồng, bằng với vốn góp ban đầu.

Một điểm lạ là số tiền chuyển nhượng cổ phần lại được trừ vào số nợ 69,3 tỷ đồng Ô tô 1-5 nợ tiền góp vốn vào Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh, đúng ra Ô tô 1-5 sẽ được đối trừ vào số tiền 213 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác đầu tư. Tới tháng 11/2019, Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh bất ngờ giảm vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng xuống còn 180.7 tỷ đồng, đúng bằng số tiền 69,3 tỷ đồng; cổ đông sáng lập chỉ còn 2 công ty là Vinalines và Công ty Cổ phần tập đoàn thương mại và đầu tư phát triển Việt Nam.

Như vậy, có thể hiểu Ô tô 1-5 chưa góp vốn vào Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh, Vinalines cũng không thực hiện góp vốn cho Ô tô 1-5 vào Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh như hợp đồng thỏa thuận. 69,3 tỷ đồng Ô tô 1-5 góp vào Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh thể hiện trên hồ sơ chỉ là ảo để hợp thức cho việc UBND TP Hà Nội chỉ định Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh làm chủ đầu tư Dự án Happyland Đông Anh!?

Bởi theo Điều 8 Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị: Trường hợp doanh nghiệp phải di dời liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng đất, thì doanh nghiệp di dời phải có phần vốn góp không thấp hơn 26% trong vốn điều lệ của pháp nhân mới.

du-an-happy-land-dong-anh.jpg
Một góc Dự án Happyland Đông Anh

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, đại diện Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 xác nhận chưa góp vốn vào Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh, Vinalines cũng không thực hiện góp vốn cho Ô tô 1-5 vào Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh như hợp đồng thỏa thuận.

“Vinalines và Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh đã không thực hiện đúng như hợp đồng hợp tác, không thanh toán cho Ô tô 1/5 số tiền như thỏa thuận. Hiện Ô tô 1-5 đang khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Đông Anh”, đại diện Ô tô 1-5 cho biết.

Nói về lý do thoái vốn, đại diện Ô tô 1/5 cho biết, “mặc dù là cổ đông sáng lập chiếm tới 27,72% cổ phần (số tiền này được trừ vào 213 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác), nhưng toàn bộ hoạt động của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Anh đều bị ém nhẹm, chúng tôi không được báo cáo. Tới tháng 4/2019, do tình hình hết sức khó khăn, nên chúng tôi quyết định thoái vốn để tập trung sản xuất, song Công ty Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh cũng không thanh toán tiền như cam kết”.

Về phía Công ty Đông Anh, ông Vũ Mạnh Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinalines cũng xác nhận Ô tô 1-5 không góp vốn vào Công ty Đông Anh. Ông Vũ Mạnh Dương còn cho rằng hợp đồng hợp tác năm 2011 “không có giá trị”.

Nếu hợp đồng hợp tác giữa Ô tô 1-5 và Vinalines “không có giá trị” như lời ông Vũ Mạnh Dương, có thể thấy bằng “vài đường cơ bản”, 7,4ha đất công của Công ty TNHH MTV Ô tô 1-5 (100% vốn nhà nước) đã biến thành “đất ông” mà chỉ phải bồi thường tài sản còn lại trên đất với giá rẻ mạt.

UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng cần xem lại việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chỉ định cho Cổ phần phát triển đô thị Đông Anh thực hiện Dự án Happyland Đông Anh.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Happyland Đông Anh: “Hô biến” 7,4ha đất công thành “đất ông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO