Đối tượng hành hung nữ sinh sau va chạm giao thông cần phải xử lý nghiêm

N. Loan | 09/12/2020 18:14

BVCL - Theo luật sư, hành vi của đối tượng hành hung nữ sinh sau va chạm giao thông ở Bình Dương có dấu hiệu phạm tội với trẻ em là người dưới 16 tuổi nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe phòng ngừa tội phạm sử dụng bạo lực trong xã hội hiện nay.

Liên quan đến việc nữ sinh bị nam thanh niên hành hung dã man sau tai nạn xảy ra tại đường Bùi Ngọc Thu, thuộc khu phố 5, phường Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vào chiều ngày 7/12, Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết đã bắt khẩn cấp Lê Tấn Thành (29 tuổi, ngụ Bình Dương) để làm rõ về hành vi cố ý gây thương tích.

nu-sinh-bi-danh.png
Nữ sinh bị nam thanh niên hành hung sau va chạm giao thông

Tại cơ quan công an, bước đầu Thành khai nhận thời điểm gây tai nạn, anh ta đang quay đầu xe về nhà thì va chạm với hai nữ sinh đi xe đạp điện và một phụ nữ chạy xe máy. Do ăn nhậu với bạn bè trước đó, sẵn có hơi men trong người nên Thành không kìm chế được, dùng chân đá 2 cái vào mặt nữ sinh và dùng gậy ba khúc đánh vào đầu em này.

Được biết, đối tượng Lê Tấn Thành từng có tiền án về tội cố ý gây thương tích và cưỡng đoạt tài sản.

Cơ quan công an cũng làm rõ danh tính nữ sinh được xác định là em V.N.K.V. (15 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Thủ Dầu Một). Hiện tại, gia đình đã làm đơn xin nhà trường tạm thời cho V. nghỉ học để ổn định tâm lý và sức khỏe.

photo-1-16074789087111507484494.jpg
Lê Tấn Thành tại cơ quan công an

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Hành vi của đối tượng thể hiện sự côn đồ, hung hãn, phi giáo dục, không những xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người khác mà còn xâm phạm đến trật tự an toàn nơi công cộng.

Xét hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 và Điều 318 Bộ luật hình sự.

Hành vi sử dụng chân đạp liên tiếp vào đầu cháu gái, tuỳ theo tính chất, mức độ hậu quả, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tỷ lệ thương tích gây ra theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự. Trường hợp nếu cháu bé bị chấn thương sọ não nặng, nguy hiểm đến tính mạng thì đối tượng còn phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp tỷ lệ thương tích của cháu học sinh dưới 11% thì đối tượng vẫn phải chịu chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c, i Khoản 1 Điều 134 BLHS với tình tiết định khung đối với người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.

Ngoài ra, đối tượng còn phải chịu xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ công cụ hỗ trợ cây gậy ba khúc theo Điểm c, Khoản 5 và Điểm a, Khoản 8 , Điều 10 của Nghị định 167/2013/nđ-cp quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đối với hành vi tàng trừ công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm.

Đối với hành vi điều khiển xe mô tô quay đầu xe không quan sát gây tai nạn giao thông, đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm b, khoản 7, Điều 6 Nghị đinh 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

“Hành vi phạm tội của đối tượng đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội và gây ảnh hưởng xấu đến tình tình an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là có dấu hiệu phạm tội với trẻ em là người dưới 16 tuổi nên cần thiết phải xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe phòng ngựa tội phạm sử dụng bạo lực trong xã hội hiện nay”, luật sư Thơm nhấn mạnh.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối tượng hành hung nữ sinh sau va chạm giao thông cần phải xử lý nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO