Đề xuất kéo dài thời gian giảm phí đường bộ

05/09/2020 07:16

(BVCL) Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đề xuất kéo dài thời gian giảm phí đường bộ để phần nào giảm bớt khó khăn.

Cảnh bến xe đìu hiu, nhà xe đồng loạt đói khách ngay cả trong dịp lễ 2/9 (Chụp tại bến xe Giáp Bát chiều 1/9)

Lượng khách sụt giảm nghiêm trọng sau 2 lần dịch Covid-19 bùng phát, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách đề xuất kéo dài thời gian giảm phí đường bộ để phần nào giảm bớt khó khăn.

Ế khách cả trong dịp lễ

Một ngày cuối tháng 8, có mặt tại khu vực xếp khách của Bến xe Mỹ Đình, PV Báo Giao thông chứng kiến hàng loạt các xe chạy tuyến cố định BKS 98B - 007.36 (Nhã Nam - Mỹ Đình), 22B - 008.03 (Tuyên Quang - Mỹ Đình), 21B - 007.96 (Yên Bái - Mỹ Đình), 19B - 008.10 (Việt Trì - Mỹ Đình)… cùng chung cảnh “đói khách” khi giờ xuất bến cận kề. Số khách trên xe chỉ lác đác 2 - 4 người.

Thẫn thờ trên chiếc chiếc xe khách BKS 29LD - 031.56 chạy tuyến Cẩm Phả - Quảng Ninh, anh Phan Hồng Sơn, lái xe Công ty Kumho Việt Thanh tỏ ra lo lắng khi 11h50 xe xuất bến nhưng 11h40 mới chỉ có 2 khách.

Theo anh Sơn, trước thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát, tổng số xe chạy tuyến Mỹ Đình của công ty là 50 xe/ngày, tần suất 15 phút/chuyến. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 15 xe/ngày và 1 tiếng mới có 1 chuyến. “Tần suất điều chỉnh, thời gian xe nằm bến dài hơn 3 lần, song từ cuối tháng 7 đến nay, xe nào đông mới được 7 - 10 khách, trong khi trước kia các xe xuất bến đều có khoảng 30 khách”, anh Sơn nói.

Đồng cảnh ngộ, chị Thoa, chủ xe Liên Minh BKS 29B - 118.85 chạy tuyến Mỹ Đình - Hòa Bình cho biết: “Trước kia, mỗi lần xe xuất bến được khoảng 15 khách nhưng giờ chỉ từ 6 - 8 khách. Bình thường, trừ tất cả chi phí, nhà xe có thể “bỏ túi” 500.000 - 700.000 đồng sau mỗi chuyến thì giờ đây, mỗi chuyến thu được khoảng 400.000 đồng, trong khi chi phí thuê lái xe là 300.000/ngày, xăng dầu hết khoảng 600.000 đồng/chuyến, chưa kể phí bến bãi, cầu đường. Nhà xe lỗ nặng nhưng vẫn phải chấp nhận để duy trì tuyến”, chị Thoa than thở.

Theo tìm hiểu của PV, HTX Dịch vụ vận tải Hồng Vân chạy tuyến Cẩm Phả - Mỹ Đình cũng phải cắt giảm từ 8 chuyến/ngày còn 1 chuyến/ngày; xe Sao Việt từ xuất bến 15 - 20 khách/lượt, hiện chỉ còn 4 - 5 khách/lượt. Doanh thu từ hơn 5 triệu đồng/chuyến, giảm chỉ còn hơn 1 triệu đồng/chuyến.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, doanh nghiệp sở hữu lượng xe lớn chạy tuyến Yên Nghĩa - Hải Phòng, Giáp Bát - Hải Phòng cho biết, nếu tháng 5, tháng 6, lượng khách trên mỗi xe được khoảng 70% tổng số ghế thì hiện nay chỉ còn khoảng 20%, dịp lễ 2/9 khoảng 30%.

Với giá vé 100.000 đồng/khách, hầu như chuyến nào doanh nghiệp cũng phải bù lỗ. Doanh thu chưa được một nửa trong khi tổng chi phí cho một chuyến xe Yên Nghĩa - Hải Phòng khoảng 2,5 triệu đồng.

Đề xuất miễn phí đường bộ xe không hoạt động

Nhiều chuyến xe xuất bến chỉ lác đác vài hành khách

Ông Khúc Hữu Thanh Hải cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2020 quy định mức thu, nộp phí đường bộ. Trong đó, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%, xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo được giảm 10% so với mức phí sử dụng đường bộ. Thời gian giảm phí từ ngày 10/8 đến hết ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên, theo ông Hải, mức hỗ trợ này chỉ mang tính chất động viên, chưa thực sự giúp doanh nghiệp vận tải bớt khó khăn.

“Đơn cử, Công ty Đất Cảng hiện có khoảng 300 xe taxi và 65 xe chạy tuyến cố định. Theo quy định, mức phí doanh nghiệp phải đóng cho tổng số xe là hơn 1 tỷ đồng/năm. Với mức hỗ trợ 30% theo Thông tư 74, số tiền được giảm chỉ khoảng 100 triệu đồng. Con số này không thấm gì so với việc 60% lượng xe đang nằm tại bãi”, ông Hải nói và cho rằng, đối với những xe không hoạt động, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục để miễn phí sử dụng đường bộ tính theo tháng cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, theo ông Hải, có thể dựa trên thiết bị giám sát hành trình, phân tích xe nào không hoạt động và thời gian dừng hoạt động liên tục trong bao lâu (chu kỳ 15 ngày hoặc 1 tháng) để miễn phí sử dụng đường bộ cho xe đó trong thời gian nhất định. “Đồng thời, bến xe cũng phải có những phương án hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, giảm phí bến bãi xuống 30 - 50% so với hiện tại”, ông Hải đề xuất.

Cũng đề cập đến Thông tư 74 của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, theo dự kiến ban đầu, thông tư này sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020 và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ phí sử dụng đường bộ 5 - 6 tháng. Song, thời gian ban hành bị lùi lại đến tháng 8, đồng nghĩa, sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị rút ngắn lại.

“Đặc biệt, thông tư này được ban hành dựa trên tình hình đợt dịch lần thứ nhất (được kiểm soát hết tháng 4). Tuy nhiên, hiện tại, dịch lại tái phát lần thứ 2 và chưa biết lúc nào kiểm soát được. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải mong muốn cơ quan chức năng căn cứ diễn biến của dịch bệnh, từ đó kéo dài thời hạn được hưởng chính sách giảm phí sử dụng đường bộ sang năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp”, ông Quyền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất kéo dài thời gian giảm phí đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO