Đăng tin thất thiệt về Covid-19 có thể bị xử phạt 7 năm tù

Thu Trang | 02/06/2021 10:33

BVCL - Đợt dịch thứ 4 bùng phát với sức mạnh siêu lây nhiễm của chủng virut mới khiến chúng ta phải nỗ lực 200-300% để chống dịch. Nhưng ở đâu đó vẫn còn không ít đối tượng quay lưng lại với nỗ lực của cộng đồng, lan truyền thông tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 làm hoang mang dư luận, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Vô tình hay cố ý đăng tin thất thiệt về Covid-19 đều phạm luật

Dù chưa có thống kê chính thức nhưng không dưới 100 vụ đăng tin thất thiệt về Covid-19 đã bị phát hiện xử lý trong đợt dịch thứ 4 này. Chỉ hơn một tháng từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã có cả trăm đối tượng vô tình hay cố ý đăng tin giả về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên tin giả về dịch Covid-19 xuất hiện tràn lan. Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam.

anh-1.jpg
Hàng 100 trường hợp đăng tin thất thiệt về Covid-19 đã bị phát hiện xử lý trong đợt dịch thứ 4

Theo thống kê, Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube. Với số lượng lớn người sử dụng mạng xã hội như vậy, ngoài những đối tượng cố tình tung tin giả để gây nhiễu loạn xã hội, có không ít những người vô tình chia sẻ thông tin giả, tin sai sự thật.

Gần đây nhất tại Hà Nội, mạng xã hội lan truyền thông tin người Ấn Độ nôn ra máu, chết tại Big C Thăng Long do mắc Covid-19 làm người dân hoang mang lo sợ. Rồi tại Nghệ An, hai đối tượng L. và H. đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân hình ảnh phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An đã bị chỉnh sửa. Thông tin thất thiệt này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Hay tại tỉnh Hải Dương, mạng xã hội lan truyền thông tin một ca mắc Covid-19, là một nam thanh niên (sinh năm 1961, công nhân một công ty ximăng ở thị xã Kinh Môn) tử vong do Covid-19… Những thông tin vô lý, không căn cứ, thậm chí là bịa đặt về tình hình dịch bệnh này, liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của địa phương và các tỉnh lân cận.

Tất cả những vụ đăng thông tin thất thiệt, thậm chí là bịa đặt liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 dù là vô tình hay cố ý cũng đáng lên án và phải xử lý thật nghiêm. Nếu đã không góp sức cho nỗ lực phòng chống dịch của cộng đồng thì cũng đừng quay lưng lại với sự an toàn của chính bản thân, gia đình và cả xã hội. Việc đăng tin sai sự thật về Covid-19 không trực tiếp dẫn đến “cháy nhà chết người” nhưng với sức lan tỏa mạnh mẽ của nó trên mạng xã hội đã “bóp nghẹt” nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch.

anh-2(1).jpg
Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Đào Tơ, Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc đưa tin về tình hình dịch được quy định tại Điều 41 Luật phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2007. Theo đó, chỉ có các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch theo đúng nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp. Đối với những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tạo ra hoài nghi, hoang mang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, cơ quan chức năng tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra để xử lý người vi phạm bằng chế tài xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mức xử phạt hành chính, luật sư Nguyễn Đào Tơ cho biết, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật .

Bên cạnh đó, người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.

Có thể bị xử phạt 7 năm tù, phạt tiền 200 triệu đồng

Về truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự, luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế phân tích, theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

anh-3.jpg
Hành vi đăng thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 có thể chịu mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng

Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì có thể áp dụng theo quy định Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Cụ thể, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông có thể chịu mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó tại Điểm d Khoản 1 Luật an ninh mạng 2018 cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Luật sư Nguyễn Văn Hoàng nhận định, hiện nay Việt Nam đã có Luật an ninh mạng, các nghị định về việc quản lý, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí đã bổ sung nhiều chế tài hình sự vào Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn ra theo cấp số nhân, khó kiểm soát, khó xử lý gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy, ngoài công tác tuyên truyền, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bằng các chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự là cần thiết. Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hành vi đăng thông tin thất thiệt liên quan đến dịch bệnh cần phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.

Thiết nghĩ, mỗi người dân là một phần quan trọng để một lần nữa khống chế thành công đại dịch Covid-19. Mỗi người cần nói "không" với tin giả, tin sai sự thật, trở thành một phần của "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại, chung sức, đồng lòng cùng các cơ quan chức năng sớm đẩy lùi dịch bệnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đăng tin thất thiệt về Covid-19 có thể bị xử phạt 7 năm tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO