Chuyển từ phòng ngự sang tấn công Covid-19 bằng "5K+vaccine+công nghệ"

Thu Trang | 31/05/2021 12:47

BVCL - Đợt dịch thứ 4 bùng phát hơn 1 tháng đã có hơn 4000 người mắc Covid-19 tại 30 tỉnh thành trên nước. Trước tình hình này chúng ta phải đẩy nhanh quá trình chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” Covid-19 bằng "5K + vaccine + công nghệ"để phòng chống dịch từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nước ta, với số người nhiễm bệnh tăng cao trong cộng đồng, nhất là tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29/5 đã đưa ra phương châm chống dịch trong tình hình hiện nay, không chỉ là “5K+ vaccine” mà cần phải có thêm “công nghệ” để chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công”. Không đi theo dập dịch mà phải phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch, chặn đứng mọi nguy cơ bùng phát dịch.

Với 5K “Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế” là quy định của Bộ y tế đưa ra ngay từ đợt đầu dịch bùng phát tại nước ta. Cho đến nay, 5K vẫn luôn là yếu tố then chốt, quan trọng trong phòng chống dịch. Cũng chính nhờ 5K mà Việt Nam đã vượt qua được 3 đợt dịch bùng phát trước đó. Trong bối cảnh hiện nay có thể có những “ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn”, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.

anh-1(1).jpg
Thực hiện tốt thông điệp 5K sẽ tạo ra tuyến phòng ngự vững chắc để chúng ta tấn công dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã nhiều lần khẳng định: “Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng”. Và khi tất cả người dân ý thức được vai trò của 5K quan trọng như thế nào trong phòng chống dịch, lúc đó Việt Nam sẽ có tuyến phòng ngự quan trọng tránh dịch lây lan nhanh và bùng phát diện rộng, từ đó chủ động tấn công dập dịch.

Cùng với 5K, vaccine là yếu tố quan trọng khác để tạo được miễn dịch cộng đồng, hướng tới “chung sống hòa bình” với dịch Covid-19. Thực hiện chiến lược vaccine, mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, tuy nhiên nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Trong đó, ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho công nhân, người dân tại hai địa phương này nhanh nhất có thể.

anh-2.jpg
Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vaccine tiêm phòng cho người dân tạo được miễn dịch cộng đồng

Trước tình hình đó, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các chỉ đạo và giải pháp phòng, chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế... Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy “5K + vaccine” là chưa đủ mà cần phải có giải pháp phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch, có như vậy chúng ta mới chủ động trong công tác chống dịch, không bị động chạy theo dập dịch.

Để chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” Covid-19 các cấp, các ngành cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó lấy tấn công là chính, mang tính đột phá, phòng ngừa là quan trọng, quyết định; Muốn làm được điều này thì phải thực hiện phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, với phương châm "5K + vaccine + công nghệ."

Vậy làm thế nào để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phòng, chống dịch Covid-19? Ngoài việc tuyên truyền, vận động, thậm chí là yêu cầu bắt buộc triển khai các ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị và trong nhân dân thì cần phải đảm bảo 4 điều kiện tiên quyết:

Thứ nhất, một số công nghệ chủ chốt thì phải bắt buộc; Thứ hai, dữ liệu và xử lý dữ liệu phải tập trung và liên thông giữa các ứng dụng, vì càng nhiều dữ liệu, càng nhiều nguồn dữ liệu thì truy vết càng nhanh và càng chính xác, càng phát hiện sớm các nguy cơ; Thứ ba, phần mềm phải viết dưới dạng nền tảng để 63 tỉnh có thể dùng chung, 700 huyện có thể dùng chung, hàng chục ngàn các xã, các tổ dân phố có thể dùng chung, dễ sử dụng để nhân viên nhân viên truy vết ở các địa phương có thể dùng; Thứ tư, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ thì xoá để người dân yên tâm tuân thủ.

Trên cơ sở 4 điều kiện tiên quyết đó, chúng ta cũng cần áp dụng các công nghệ trong từng công đoạn chống dịch sao cho phù hợp. Cụ thể:

- Về nhập cảnh, chúng ta có phần mềm khai báo y tế bắt buộc, phần mềm phát hiện người nhập cảnh trái phép. Có thể kể đến phần mềm Vietnam Health Declarations hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 nắm bắt lịch trình của khách du lịch trong nước và quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam. Hay phần mềm NCOVI hỗ trợ khai báo y tế bắt buộc.

- Về xét nghiệm, chúng ta có phần mềm thu thập số liệu xét nghiệm, kết hợp với phần mềm thu thập số liệu người đến bệnh viện, từ 2 dữ liệu này có thể phát hiện ra bệnh viện có bệnh nhân F0 đến khám mà không cho làm xét nghiệm.

anh-3.jpg
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào phòng, chống Covid-19 giúp phát hiện từ xa, từ sớm để nhanh chóng dập dịch

- Về truy vết, chúng ta có phần mềm khai báo y tế, phần mềm khai báo khi đến một cơ quan bằng QR code, phần mềm Bluezone phát hiện tiếp xúc gần. Hiện Việt Nam có khoảng 75-80 triệu người trưởng thành đang dùng điện thoại di động nếu con số này đạt được 100% người dân cài đặt phần mềm Bluezone và check mã QR code theo quy định thì việc phát hiện từ xa, phát hiện sớm người nhiễm Covid-19 sẽ được thực hiện hiệu quả. Từ đó giúp truy vết dễ dàng và ngăn chặn kịp thời các nguồn lây nhiễm ra cộng đồng.

- Về cách ly, chúng ta có phần mềm giám sát bằng camera tại khu cách ly tập trung, có vòng đeo để giám sách cách ly tại nhà, do Cty Việt Nam sản xuất. Cụ thể, tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc đã được lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát. Giúp các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ. Và vòng tay điện tử được sản xuất tại Việt Nam, dùng định vị để hỗ trợ giám sát người cách ly đang được Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất thử nghiệm, giúp truy vết nhanh và đảm bảo quản lý tốt những người cách ly tại nhà.

- Về đánh giá an toàn, chúng ta có bản đồ an toàn Covid-19, chuẩn bị có hộ chiếu vacxin, có thể dùng cả trong và ngoài nước. Trong đó, bản đồ an toàn Covid-19 cung cấp thông tin công khai được cập nhật liên tục hàng ngày từ các địa điểm công cộng. Các địa phương, lãnh đạo đơn vị có thể kiểm soát, chỉ đạo việc thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trên phạm vi từng khu vực, từng cơ sở của mình dựa trên thông tin bản đồ cung cấp.

Thực hiện tốt 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng; Thực hiện tốt vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng hướng tới “chung sống hòa bình” cùng với dịch; Và tuyệt đối không quên chiến lược “phát hiện từ xa, từ sớm” để nhanh chóng, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch bằng các giải pháp “công nghệ” trong từng công đoạn chống dịch. Làm tốt phương châm “5K + vaccine + công nghệ” này cùng với sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, Việt Nam chắc chắn sẽ đánh bại Covid-19.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển từ phòng ngự sang tấn công Covid-19 bằng "5K+vaccine+công nghệ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO