Chuyện trọng tài tại V.League 2022 và công nghệ VAR

Thanh Phương| 28/07/2022 12:40

Trọng tài cũng là một con người bình thường nên có thể nhận định, đánh giá những tình huống chưa chính xác, toàn diện dẫn tới quyết định có lợi hoặc bất lợi cho 1 bên. Trong thời buổi bóng đá diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn và háo thắng hơn càng làm cho bên bị xử bất lợi phản ứng kịch liệt. Chính vì vậy mà công nghệ VAR được xem là giải pháp tối ưu để đưa bóng đá tới công bằng, minh bạch và chuyên nghiệp.

Không ít các đội bóng tham dự V.League 2022 đã phải kêu trời vì các sai sót của các trọng tài trên sân. Đơn cử như việc CLB Đông Á Thanh Hóa đã có văn bản gửi Ban Trọng tài Quốc gia về việc kiến nghị chấn chỉnh công tác trọng tài ngay sau khi trận đấu giữa CLB này với Nam Định kết thúc (9/7/2022).

CLB Đông Á Thanh Hóa cho rằng, tổ trọng tài “có nhiều sai sót” gây bất lợi cho mình. Điển hình là tình huống diễn ra ở phút 45 khi cầu thủ Hoàng Xuân Tân (số 9) của đội Nam Định phạm lỗi với cầu thủ Lê Văn Thắng (số 10) của đội Đông Á Thanh Hóa. Lỗi đẩy người từ phía sau rất rõ ràng nhưng trọng tài không thổi phạt, tình huống này đã tạo lợi thế cho đội Nam Định tiếp tục phản công.

a1var.jpg
Pha bóng gây tranh cãi tại vòng 6 giữa Đông Á Thanh Hóa và Nam Định

Đặc biệt, phút thứ 47 của trận đấu, cầu thủ Victor Kamhuka (số 42) đội Đông Á Thanh Hóa phạm lỗi với cầu thủ Nguyễn Đình Sơn (số 8) của Đội Nam Định. Điểm phạm lỗi bên ngoài vòng 16m50, trọng tài chính ban đầu đã xác định quả đá phạt trực tiếp nhưng sau khi trao đổi với trọng tài biên thì “bẻ còi” chỉ tay vào chấm phạt đền. Quyết định của trọng tài đã gây ức chế rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của các cầu thủ đội bóng xứ Thanh. Ngoài ra, một số tình huống cắt còi khi Đông Á Thanh Hóa có cơ hội phản công không cho đội hưởng lợi thế là bất hợp lý.

Trao đổi với PV, Chủ tịch CLB Bóng đá Đông Á Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho hay: “Trong bóng đá muốn tiến về phía trước thì phải minh bạch và chuyện nghiệp. Nếu không minh bạch, công bằng thì không thể đến chuyên nghiệp được”.

Ông Cao Tiến Đoan nhấn mạnh: “Trong một trận bóng ai cũng muốn thắng nhưng phụ thuộc nhiều thứ. Trong đó có yếu tố may mắn, cơ hội và trọng tài. Nếu trọng tài có sai sót ảnh hưởng tới kết quả trận đấu thì sẽ gây ấm ức cho bên bị thua, người hâm mộ. Vì vậy cần phải có công nghệ VAR vào cuộc. Trọng tài sẽ được hỗ trợ, làm nhiệm vụ tốt hơn. Có kiểm tra, giám sát, có công nghệ hỗ trợ thì khám giả, trọng tài, VFF sẽ thoải mái, công bằng hơn cho tất cả mọi người. Về kinh phí thì các CLB có thể góp để cùng với Liên đoàn bBóng đá Việt Nam, nhà tài trợ triển khai thực hiện. Bởi để duy trì một đội bóng tại V.League trong một mùa phải chi trên dưới 100 tỷ đồng mà không tạo được sân chơi sòng phẳng, công bằng thì thật khó chấp nhận. Người hâm mộ chân chính cũng không thỏa mãn cái đam mê môn thể thao vua khi bị xử ép bởi các trọng tài”.

a2var.jpg
Bầu Đoan động viên Giám đốc điều hành Cao Hoàng Đức trên sân Pleiku

Muốn đưa VAR vào V.League không phải chuyện đơn giản bởi ngoài tiền còn phải có con người để tổ chức, vận hành. Chi phí để đầu tư, lắp đặt và vận hành VAR cho 1 trận đấu ngốn hết 16-17 tỷ đồng. Hiện V.Luegue có 13 đội bóng, 26 trận thì thì số tiền để VAR hoạt động quả là rất lớn. Khi lo được kinh phí thì phải có người để vận hành. Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn. Số lượng trọng tài tại Đông Nam Á đáp ứng đủ điều kiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nên nhớ VPF từng lên kế hoạch sẽ đưa công nghệ VAR vào V.League từ mùa giải 2019. Phương án được đưa ra là VPF sẽ mua thiết bị công nghệ từ nhà cung cấp do FIFA chỉ định. Sau đó, đơn vị thi công sẽ lắp đặt lên xe 16 chỗ với 8 màn hình, tương đương 8 máy quay. Xe sẽ di chuyển đến từng sân khi có trận đấu. Nhưng đến nay, VAR chưa thể sử dụng ở V.League do phải được sự khảo sát thực tế sau đó được FIFA cấp phép.

Tại vòng 9 V.League Đông Á Thanh Hóa để thua 0-2 trên sân của Hoàng Anh Gia Lai, một số quyết định của trọng tài chính như quả thổi phạt đền cho đội chủ nhà cũng khiến CLB này không phục. Sau trận thua, bầu Đoan đi vào sân động viên con trai Cao Hoàng Đức (Giám đốc điều hành CLB bóng đá Đông Á Thanh Hóa) hãy kiên cường, đừng nhụt chí. Trên máy bay trở về, ông còn làm hẳn một bài thơ có tiêu đề: “Nói với con” để động viên mình, con trai và cả những người hâm mộ. Xin được trích ra đây như đang chờ đợi làn gió mới, chẳng khác bóng đá chờ công nghệ VAR.

"Chẳng có gì phải cay cú con ơi
Mùa giải còn dài, thắng thua thường nhật
Nghĩ gì nhiều những điều được mất
Hãy bằng lòng với kết quả vừa xong
Cho dù không được như mình đã chờ mong
Nhưng cầu thủ đội mình đã hết lòng cống hiến
Trái bóng lăn ở trong trận chiến
Thất bại rồi tới lúc sẽ thành công
Lời Bố nhắc chiều qua con nhớ không!
Như thông điệp muốn thắng, đừng để mình thua trước
Vững thủ thành phản công không lùi bước
Sẽ thật buồn nếu chân sút chẳng thành công
 Cơ hội ghi bàn không mang về chiến thắng
 Để khán giả buồn, người hâm mộ xuýt xoa!
Con có biết không….
Bố sẽ là người buồn nhất trong tất cả chúng ta
Nào chuyện chấn thương, thẻ vàng thẻ đỏ
Trận đấu khép rồi với những điều còn bỏ ngỏ
Chuyện trọng tài và những lỗi oan sai!
Hy vọng người cầm cân chuẩn mực ở ngày mai
Vì trong bóng đá còn nhiều điều bất cập
Mình hôm nay thất bại cũng không buồn
Thắng lợi nào không trả giá hỡi con
Hãy quyết không sờn lòng trước khó
Mong trận tiếp theo thuận buồm xuôi gió
Hạnh phúc nào không gian khổ đầy vơi
Vì mầu cờ sắc áo con ơi
Hãy tràn đầy niềm tin vào V.League
Cùng cất vang lời quê choa tha thiết
Về quê hương Thanh Hóa anh hùng
Bởi niềm vui chiến thắng, trong bóng đá là của chung…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện trọng tài tại V.League 2022 và công nghệ VAR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO