Chuyện “chia tay… đòi lại quà”…

Trần Sỹ| 14/10/2022 14:00

BVCL - Bịa chuyện vợ đã chết nên hiện tại chưa có vợ, ông Đinh Văn Nhật (Pleiku-Gia Lai), đã tiếp cận chị Nguyễn Thị Mai (Phú Thiện-Gia Lai) và nhanh chóng chiếm được tình cảm từ người phụ nữ này. Khi đường ai nấy đi, Nhất kiện chị Mai ra Tòa để đòi lại số tiền đã đưa trước đó.

Tan tình, tiền đòi lại…

Đây là vụ kiện được coi là hy hữu nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bởi, nguyên đơn và bị đơn từng là người tình của nhau. Số tiền, mà ông Nhật “nhờ” Tòa phân xử chỉ gần 60 triệu đồng, được người đàn ông này trình bày là cho chị Mai vay trong thời gian chung sống.

Theo đó, ông Đinh Văn Nhật, là nguyên đơn trong vụ án. Đơn khởi kiện của người đàn ông này thể hiện, vào các năm 2017 và 2018, ông đã chuyển cho chị Mai vay tổng số tiền gần 60 triệu đồng. Nên ông kiện chị Mai ra Tòa để lấy lại toàn bộ số tiền trên.

Về phía chị Mai cho biết, có nhận được số tiền trên từ ông Nhật. Vậy nhưng, theo người phụ nữ này, đây là ông Nhật tự nguyện đưa, chị không vay mượn. Bởi thời điểm đó, hai bên có quan hệ tình cảm, sống chung với nhau trong thời gian chị Mai ở và làm việc tại Pleiku. Số tiền này, chị Mai cho rằng một phần dùng để phục vụ trang trải cuộc sống hàng ngày giữa hai người. Số còn lại dùng để mua sắm giường, tủ lạnh, đệm… vì ông Nhật nói bản thân chưa có vợ và hứa hẹn về chuyện hai người sẽ lập gia đình với nhau.

chia-tay-doi-tien.-hinh-minh-hoa.jpeg
Ảnh minh họa

Thực sự mà nói, có nằm mơ, chị Mai cũng không thể ngờ được, bản thân mình lại bị “lừa dối”, đến mức trắng trợn như vậy. Khi biết, ông Nhật đã có gia đình, vợ con thì chị đã hạ quyết tâm dứt tình, chia tay để tránh việc mình bị người đời phán xét là con giáp thứ 13 chen chân vào phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác.

Cứ nghĩ, mọi việc đã xong đâu vào đó, bất ngờ có một ngày, chị nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân huyện về việc ông Nhật khởi kiện chị. Mẹ và em gái của chị Mai, sau khi biết chuyện cũng cho rằng, ông Nhật mấy lần đến nhà mình nói là vợ đã chết nên muốn tìm hiểu con gái của bà. Chị Mai nghỉ việc ở nhà, chấp nhận lùi về làm hậu phương, nấu cơm nước cho ông Nhật.

Đến nay, vụ việc đã được Tòa án đưa ra xét xử. Tòa nhận định, việc ông Nhật và vợ ông Nhật, cho rằng chuyển tiền cho chị Mai vay là hoàn toàn không đúng thực tế, không khách quan và có nhiều lời khai bất nhất, mâu thuẫn. Bản thân ông Nhật cũng không đưa ra được các chứng cứ, để chứng minh việc bản thân chuyển tiền cho người tình có nội dung, mục đích phù hợp với hợp đồng cho vay tài sản.

Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy, việc ông Nhật chuyển tiền cho chị Mai là hành vi tự nguyện cho, không kèm bất cứ điều kiện gì. Cùng với đó, việc làm này còn xuất phát từ mối quan hệ tình cảm giữa hai người. Từ đó, HĐXX đã không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Nhật…

Lời ru buồn đọng lại!

“Thanh xuân em còn nữa đâu anh, mất nửa đời em đợi chờ duyên...”, chưa bao giờ chị Mai lại thấy câu hát ấy ray rứt, rớt vào đáy tim mình một cách khẽ khàng nhưng buốt nhói đến thế. Chị đã vì lời ngon ngọt, hứa hẹn của người đàn ông ấy để rồi mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” nhưng đến cùng chị trở thành người đàn bà tay trắng.

Trong cuộc sống và hôn nhân gia đình, ai chẳng mong muốn bản thân tìm được “một nửa” phù hợp, để cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Vậy nhưng, cuộc sống ai hay đâu chữ “ngờ”. Khi yêu, để tạo niềm tin từ người mình yêu, những khuyết điểm hay thậm chí là sự thật đều được che giấu. Trên thực tế, tình yêu của chị Mai đã được ông Nhật tô vẽ bởi màu hồng, đong đầy hạnh phúc, nhưng thực tế lại quá đỗi phũ phàng.

Chị Mai đã từng tin tưởng, từng hy vọng để cuối cùng tràn đầy thất vọng. Khi phát hiện bị người đàn ông ấy lừa dối trêu đùa chị đã không muốn dây dưa với anh ta. Bằng chứng, chị đã quyết tâm dừng lại, buông bỏ những thứ không thuộc về mình, thậm chí ngữ đàn ông như thế chị không muốn buộc vào mình. Bởi rằng chị biết rõ, nếu còn “dung túng” cho bản than, chị sẽ tiếp tục lầm lạc trên con đường của mình, càng đi càng xa và chị sẽ mất đi tất cả, bao gồm cả liêm sỉ.

Dừng lại cuộc tình “ương ương dở dở” bởi sự dối lừa này không phải là dừng lại tất cả mà chính là mở ra cho chị Mai một cuộc sống mới, người biết buông bỏ, biết dừng lại đúng lúc mới là người sáng suốt, bản lĩnh. Nhìn lại đoạn tình cảm với người đàn ông chị từng thương, từng yêu cuối cùng chút buồn ấy cũng tan đi, ít nhất niềm vui của chị chính là không bị “che mắt” đến điểm cuối. Có yêu ắt có đau, nhưng là đau để… giác ngộ.

Xã hội hiện nay, việc chia tay rồi đòi lại quà không phải là hiếm, nhất là ở giới trẻ, các bên chưa lập gia đình. Đề tài tuy không cũ nhưng để đưa nhau ra tòa như trường hợp người đàn ông trong câu chuyện này đúng là nằm trong số ít. Đôi khi “tiền bạc” đứng đối đầu với “dứt tình” không tự nguyện của một bên nào đó lại vô tình khiến cho một đoạn tình cảm vốn đẹp đẽ cũng trở nên nhếch nhác. Cho nên mới nói, cuộc sống đôi khi đơn giản với người này nhưng phức tạp với người khác, tất cả cũng chỉ xuất phát từ cách nhìn và bản lĩnh sống của mỗi người. Dẫu sao, người viết cũng hy vọng người đàn ông “lừa tình, đòi tiền” trong câu chuyện này chỉ là một hát cát xấu xí vô tình rớt xuống giữa dòng đời mà thôi.

Nốt nhạc dù trầm, lời ru dù buồn đến mấy đi chăng nữa cũng sẽ tới lúc nhường chỗ cho những nốt bổng, hoan hỉ. Sau cơn mưa trời lại sáng, chẳng có ai buồn mãi một đời, cũng chẳng có ai bị lừa mãi bởi một chữ tình. Cho nên đến cuối, hãy sống với niềm tin ngày mai tươi sáng, hãy buông bỏ những thứ mà bản thân cho rằng đã trở nên thừa thãi…

(Tên các nhân vật đã được thay đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện “chia tay… đòi lại quà”…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO