Bảo hiểm bắt buộc xe máy: Bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội

Lâm Thanh| 08/11/2022 22:36

BVCL - Xét về mặt pháp lý hay tính nhân văn, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy là điều hết sức cần thiết cho người dân. Thông lệ trên thế giới cũng chỉ ra rằng việc mua bảo hiềm này là bắt buộc và đem lại nhiều lợi ích.

5.jpg

Trên thế giới, Nhật Bản được cho là một quốc gia an toàn, nhưng theo thống kê mỗi năm nước này cũng có tới hơn 43.000 vụ tai nạn giao thông gây thương tích cho người (năm 2018). Vì vậy hiện nay, tham gia giao thông tại Nhật Bản, người dân phải có bảo hiểm xe cơ giới, về cơ bản bao gồm hai loại là “Bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới bắt buộc (CALI)” và “Bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện”. Bất cứ ai bị phát hiện lái xe mà không có CALI đều bị phạt nặng.Tất cả các loại xe bắt buộc phải có CALI, vì vậy người dân sẽ cần nó khi mua xe. Trong khi đó khi mua thêm bảo hiểm ô tô tự nguyện, người dân sẽ được bảo hiểm cho bất kỳ thiệt hại nào vượt quá số tiền tối đa mà CALI bảo hiểm.

Trong khi đó, ở Thái Lan, người dân phải mua bảo hiểm ở mức tối thiểu nếu muốn lái xe ô tô hoặc xe máy một cách hợp pháp, Bảo hiểm này được gọi chung là CTPL (Trách nhiệm pháp lý bắt buộc của bên thứ ba). Luật pháp không yêu cầu người dân phải mua bảo hiểm toàn diện để bảo hiểm tất cả các thiệt hại cho ô tô hoặc xe máy, tuy nhiên, nếu một khi có một chiếc xe mới, họ sẽ muốn bảo vệ khoản đầu tư của mình và cân nhắc mua bảo hiểm toàn diện.

Còn tại Úc, nếu người dân sở hữu một chiếc mô tô và lưu thông trên các con đường, họ phải mua bảo hiểm TNDS bắt buộc cho tử vong hoặc thương tật khi xảy ra tai nạn. Ở Úc, bảo hiểm phổ biến nhất gọi là CTP (Bảo hiểm bên thứ ba bắt buộc). Đây là điều bắt buộc đối với tất cả các lái xe, được đính kèm với đăng ký xe máy. Quyền lợi của CTP là đưa ra sự bảo vệ nếu chủ xe, hoặc bất kỳ người nào lái xe mô tô của họ, có lỗi trong một vụ tai nạn hoặc đại diện cho họ khi có các yêu cầu bồi thường của những người bị thương trong một vụ tai nạn.

Tại Hoa Kỳ, hầu hết các bang đều yêu cầu một số hình thức “chịu trách nhiệm tài chính” đối với người lái xe máy trên đường. Điều này có nghĩa là mọi người có thể phải trả tiền nếu họ gây ra tai nạn và gây ra thiệt hại tài sản hoặc thương tích. Ở Hoa Kỳ, có nhiều loại bảo hiểm xe máy khác nhau, trong đó có bảo hiểm phổ biến nhất là bảo hiểm TNDS bắt buộc cho xe cơ giới chi trả cho các thương tích và thiệt hại mà bạn gây ra cho người khác và được yêu cầu ở hầu hết các tiểu bang. Chi phí bảo hiểm xe máy trung bình tại Hoa Kỳ là 178 USD một tháng.

Từ những ví dụ trên cho thấy nhiều nước trên thế giới xem bảo hiểm cho xe cơ giới nói chung và xe máy nói riêng khi tham gia giao thông là điều bắt buộc với những quyền lợi kèm theo.

Còn tại Việt Nam, ngày 16/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Nghị định được sửa đổi, bổ sung năm 2013. Qua hơn 10 năm thực hiện, có nhiều trường hợp đã được nhận hỗ trợ của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Chính sách này được đánh giá là một trong số các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Để chính sách phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay và giúp người dân thuận tiện hơn trong việc bảo hiểm, ngày 15/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.

Một trong những điểm mới của Nghị định số 03/2021/NÐ-CP được người dân đồng tình ủng hộ, là quy định đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới. Nghị định quy định thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy được căn cứ vào quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2023), bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, bao gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định mua bảo hiểm TNDS bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ tất cả mọi người đang tham gia giao thông, phù hợp với xu thế trên thế giới.

Về mặt nhân văn, trong nhiều trường hợp, người gây tai nạn không có khả năng bồi thường thiệt hại cho nạn nhân dẫn đến bế tắc, một bên không còn tâm trí để làm việc, một bên bị mất sức lao động, gia đình không còn chỗ dựa, làm nảy sinh nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng lớn đến công bằng, an sinh xã hội.

Vì vậy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy có thể xem không phải là loại hình bảo hiểm thương mại mà được xem là chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Ý nghĩa nhân đạo của chính sách này là bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không.

Bảo vệ tài chính cho tất cả các chủ xe

Với số tiền 60.500 đồng cho xe máy điện và xe dưới 50cc hoặc 66.000 đồng cho loại xe máy trên 50cc là người dân có thể tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới. Đây là số tiền khiêm tốn hàng năm nhưng lại giúp người dân vừa không lo bị xử phạt, vừa yên tâm có công ty bảo hiểm đồng hành nếu chẳng may gây tai nạn.

Mức bồi thường đối với thiệt hại về người là 150 triệu đồng/người/vụ, đối với thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/vụ. Nếu xe gây tai nạn là ô tô, mức bồi thường đối với thiệt hại về tài sản lên đến 100 triệu đồng/vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm bắt buộc xe máy: Bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO