Bạc Liêu: Vụ thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công - Nhân chứng khẳng định liệt sĩ hy sinh khi đang tham gia kháng chiến

Thành Nhớ| 19/04/2022 18:17

BVCL - Như Báo Công lý đã phản ánh về việc một liệt sĩ bị thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công, tiếp tục tìm hiểu vụ việc, phóng viên được biết đến nay, đã có nhân chứng khẳng định rằng, liệt sỹ đã hy sinh khi tham gia kháng chiến.

anh-tam-tao-va-ba-cam-.jpg
Ông Huỳnh Văn Tào và bà Nguyễn Hồng Cẩm khẳng định ông Mừng hy sinh khi đang tham gia kháng chiến với công việc kinh tài, thu gom đảm phụ

Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, những người cùng tham gia kháng chiến với liệt sĩ Hồng Văn Mừng vẫn nhớ như in và khẳng định ông Mừng khi hy sinh vẫn còn đang tham gia kháng chiến, không đầu hàng hay bị bắt tù đày như những gì mà người ta tố cáo.

Ông Lê Phước Lộc (sinh 1950, thường trú ấp Mỹ Phước Tây, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông là du kích mật của xã Vĩnh Hưng (công tác nội tiến) và ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng của địa phương như Xã Đội phó, Xã Đội trưởng của 2 xã Vĩnh Hưng và Vĩnh Mỹ B,…ông nắm rất rõ về quá trình hoạt động cách mạng của ông Mừng cũng như lúc ông Mừng hy sinh.

Ông Lộc cho biết: “Thời điểm ông Mừng bị bắn chết tôi là du kích mật của xã Vĩnh Hưng, hôm đó tôi đi đám ma nhà người quen thì địch càn vào tôi mới giả làm con cháu đội tang cải trang nên không bị lộ thân phận. Trận đó ông Mừng bị bắn chết sau nhà của ông Trương Văn Xê, thi thể của ông Mừng địch được kéo vô sân nhà ông Xê bỏ đó, tôi nghe nó trả lời báo cáo trên máy điện PRC25 nó nói đã bắn chết một Việt Cộng. Sau khi đất nước thống nhất tôi là Xã Đội trưởng xã Vĩnh Mỹ B, cũng chính tôi là người trực tiếp quản giáo hàng ngày cho ngụy quân, ngụy quyền và kể cả bọn gián điệp thì trong danh sách không có tên ông Mừng. Vì đây là quê hương của tôi, tôi nắm rất rõ danh sách của những thành phần tham gia bên nào. Sau này có người tố cáo ông Mừng “Đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đày” thì liệu có đúng, khách quan không? Thậm chí lá đơn tố cáo 18 người thì có đến 1/3 là gián điệp của địch ngày xưa và số còn lại đa phần là người thân trong một gia đình của người đứng đơn tố cáo. Với tư cách là người từng tham gia kháng chiến tại phương thì những gì tôi chứng minh có đủ cơ sở để yêu cầu xem xét công nhận lại liệt sĩ cho ông Mừng hay không? Hay là chỉ dựa vào những lá đơn, người tố cáo thiếu căn cứ rồi lại rút Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng? Vấn đề này các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại”.

Nói về sự hy sinh của ông Hồng Văn Mừng, ông Huỳnh Văn Tào (sinh năm 1950 ngụ ấp 15 xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) trong giai đoạn từ năm 1968-1975, ông trải qua nhiều chức vụ tham gia du kích tại phương như: Trung Đội trưởng du kích ấp, Xã Đội phó, Xã Đội trưởng xã Vĩnh Mỹ B khẳng định ông lúc ông Mừng bị địch bắn chết vẫn còn tham gia kháng chiến. Ông Tào cho biết thêm nhiều lần ông có kiến nghị với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu phục hồi lại Bằng Tổ quốc ghi công cũng như xác lập lại liệt sĩ cho ông Mừng, tuy nhiên những ý kiến của ông đều bị Sở ngó lơ.

Những người từng tham gia du kích tại phương nơi ông Mừng hy sinh như; bà Nguyễn Thị Nuôi, Nguyễn Hồng Cẩm, cùng ngụ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đều khẳng định ông Mừng hy sinh khi đang tham kháng chiến tại phương (du kích) với công việc được cách mạng phân công là kinh tài, thu gom đảm phụ và nhiều lần đã kiến nghị phải công nhận lại Bằng Tổ quốc ghi công cũng như danh hiệu liệt sĩ cho ông Mừng.

Ngoài những nhân chứng khẳng định ông Mừng khi hy sinh vẫn còn tham gia kháng chiến thì những người có tên trong đơn tố cáo ông cho rằng họ không đứng đơn tố cáo.

Cụ thể như trường hợp của ông Trần Văn Hòa (sinh năm 1938, ngụ ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) người có tên trong đơn tố cáo khẳng định ông không hề đứng tên trong đơn tố cáo ông Mừng do ông Triệu lập ra: “Vụ đó ai ký tên chứ tôi không biết, ai đứng đơn tố cáo làm gì làm tôi không biết, họ muốn làm gì, ghi gì làm sao tôi biết được, việc tố cáo ông Mừng tôi không có làm chuyện đó”.

Riêng bà Phan Thị Bông (78 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, bà không nhớ rõ là có ký đơn tố cáo ông Mừng về vấn đề liệt sĩ của ông hay không, do thời gian quá lâu bà không nhớ rõ. Tuy nhiên bà khẳng định thời điểm ông Mừng chết bà không có mặt tại địa phương chỉ nghe kể lại cái chết của ông. “Vào thời điểm ông Mừng bị bắn chết tôi không có mặt ở đây, tôi có chồng về bên Châu Thới (Đền thờ Bác hiện nay) nên không rõ cái chết như thế nào mà chỉ nghe kể lại thôi” bà Bông nhấn mạnh.

Ông Lê Phước Lộc chia sẻ thêm cuộc đời ông đã hơn 50 năm theo Đảng theo cách mạng cái gì có thì nói không thêm bớt cho ai. Người dân sống với pháp luật thì phải tôn trọng pháp luật, còn pháp luật thì bảo vệ người dân, huống chi người đã đi làm cách mạng người ta bị phủ nhận thế này thì ông không bằng lòng. Do vậy ông chỉ nhờ cấp trên xem xét lại trường hợp của ông Mừng. Ông không bằng lòng với cách làm việc của Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu vì chưa mấy khách quan chưa tạo điều kiện cho người có công mà làm việc theo kiểu “làm cho có làm” những vấn đề cần làm rõ để biết đúng sai thì không làm rõ…Ông Lộc cũng kiến nghị với các cấp lãnh đạo nên xem xét cẩn thận lại vì cả một đời làm cách mạng phục vụ Tổ quốc họ không ngại hy sinh vì xương máu để mang lại sự bình yên cho nhân dân thì danh dự uy tín cả cuộc đời của cả dòng họ, truyền thống yêu nước mà nếu để người ta mất đi cái đó thì không khác nào họ bị bôi xóa đi công lao của người làm cách mạng thì thấy đau lòng lắm.

Ngày 5/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thống nhất thành lập Tổ công tác liên ngành gồm: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, Công an tỉnh Bạc Liêu, Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, UBND huyện Hòa Bình, UBND xã Vĩnh Bình để xác minh làm rõ vụ việc.

Ngày 18/4, tại buổi trao đổi thông tin với phóng viên Báo Công lý, Công an tỉnh Bạc Liêu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đề nghị Cơ quan Báo Công lý, Phóng viên phụ trách hỗ trợ thêm thông tin, chứng cứ có liên quan để sớm làm sáng tỏ chính sách người có công đối với ông Hồng Văn Mừng.

Như Công lý phản ánh: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hồng Văn Mừng (sinh năm 1919, ngụ ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải, nay là ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), tham gia cách mạng ở địa phương với vai trò phụ trách kinh tài, thu đảm phụ.

Ngày 19/9/1970, trong cuộc họp của tổ chức cách mạng của xã Vĩnh Mỹ B và ấp Mỹ Phú Nam tại nhà ông Năm Tốt, trong lúc họp bị giặc phát hiện và bao vây, ông Mừng chạy qua sông ra phía sau ruộng, nhà ông Tám Lung (nay là nhà của ông Trương Văn Đương, ở ấp Mỹ Phú Nam) thì bị lính đơn vị 915 Phước Long bắn chết. Sau khi bị bắn chết, giặc lấy của ông Mừng 01 chiếc Radio và một thùng sắt đựng tài liệu và tiền thu gom đảm phụ cho cách mạng.

Sau khi đất nước độc lập, năm 1976 ông Mừng được Đảng và Nhà nước công nhận là liệt sĩ, có cấp Bằng Tổ Quốc ghi công, đồng thời tỉnh Minh Hải, cấp cho mẹ và vợ ông Mừng sổ gia đình liệt sĩ.

Năm 1979, ông Bùi Văn Triệu, Trưởng Ban Thương binh và xã hội xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lợi đứng đơn cùng 18 người tố cáo ông Hồng Văn Mừng, “Đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đầy”.

Bất ngờ đến năm 1983, ông Triệu vừa là người tố cáo cũng là người làm tham mưu cho UBND xã Minh Tân đứng ra họp dân và đề nghị UBND huyện Vĩnh Lợi và Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải (nay tách ra thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) ra Quyết định rút Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Vụ thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công - Nhân chứng khẳng định liệt sĩ hy sinh khi đang tham gia kháng chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO