Áp dụng Luật Phá sản: Cơ hội “hồi sinh” của doanh nghiệp

Lâm Thanh| 02/07/2020 08:23

(BVCL)Luật Phá sản là một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng lay lắt kéo dài. Vì thế, nên có một cái nhìn toàn diện hơn về việc phá sản doanh nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền cần tạo điều kiện để Luật Phá sản đi vào cuộc sống.

Lợi ích khi áp dụng thủ tục phá sản

Doanh nghiệp (DN) được coi là lâm vào tình trạng phá sản nếu không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Theo các chuyên gia, Luật Phá sản Việt Nam được ban hành và có hiệu lực từ rất sớm nhưng vẫn chưa được áp dụng nhiều trong thực tiễn, một phần là do thủ tục chưa linh hoạt, ngoài ra còn do sự nhìn nhận chưa toàn diện từ phía DN và các chủ thể khác. Phá sản hoàn toàn không xấu, ngược lại đôi khi còn là một công cụ để bảo vệ “con nợ”, giúp DN rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự.

Phá sản theo luật được là một cơ hội để DN “hồi sinh”. Sau khi mở thủ tục phá sản, DN không bị bắt buộc phải thanh lý tài sản ngay mà được áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh. Bất kỳ chủ nợ hoặc cá nhân nào nhận nghĩa vụ phục hồi hoạt động kinh doanh của DN đều có quyền xây dựng dự thảo phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và nộp cho Toà án.

Kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, tất cả các quyền đòi nợ đều được đình chỉ và giải quyết theo một thủ tục chung nhất cho Tòa án tiến hành. Điều này giúp giảm áp lực trả nợ cho DN.

Áp dụng thủ tục phá sản sẽ làm giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN. Ngoại trừ DN tư nhân và thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, DN được giới hạn trách nhiệm trong phần tài sản hiện có. Các khoản nợ được thanh toán theo thứ tự: phí phá sản; các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; các khoản nợ không có bảo đảm. Đối với các khoản nợ chưa đến hạn thanh toán vào thời điểm mở thủ tục thanh lý được xử lý như các khoản nợ đến hạn, nhưng không tính lãi đối với thời gian chưa đến hạn.

Áp dụng Luật Phá sản: Cơ hội “hồi sinh” của doanh nghiệp

Áp dụng tố tụng phá sản giúp DN có cơ hội để phục hồi

Lợi ích nữa là áp dụng thủ tục phá sản sẽ giúp DN thoát khỏi các khoản nợ một cách hợp pháp. Đối với thủ tục giải thể, muốn tuyên bố giải thể các DN phải thanh toán toàn bộ các khoản nợ. Còn với thủ tục phá sản, DN chỉ trả nợ trong giới hạn tài sản của mình. Trừ DN tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh, sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố DN phá sản, các khoản nợ chưa được thanh toán đầy đủ cũng được coi như là đã thanh toán và chủ nợ không có quyền đòi nợ.

Thay đổi nhận thức về phá sản

Trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Phá sản DN trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế” do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng: Luật Phá sản đã thể hiện được tư tưởng tiến bộ trong việc hỗ trợ và thúc đẩy DN lâm vào tình trạng phá sản phải đưa ra một trong hai quyết định: hoặc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động kinh doanh bằng việc tái cơ cấu nợ, tổ chức xây dựng phương án kinh doanh mới. 

Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố DN phá sản, không có nhiều DN thực hiện phục hồi theo tố tụng phá sản mà chủ yếu là bị áp dụng thủ tục thanh lý tài sản hoặc bị tuyên bố phá sản luôn vì không còn tài sản. Đây không phải là do quy định của Luật Phá sản hiện hành tạo ra, mà chủ yếu là xuất phát từ tâm lý của DN với các chủ nợ. 

Trong trường hợp này, yếu tố tâm lý về việc bị mất uy tín (mang tiếng là doanh nghiệp sắp phá sản) đã hạn chế DN sử dụng tố tụng phá sản để cứu hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, yêu cầu bức thiết là phải có các giải pháp cũng như các điều khoản hỗ trợ, giúp DN giải tỏa được tâm lý này. 

Điều quan trọng là, cần phải có nhận thức đúng đắn về pháp luật phá sản. Phải coi phá sản là một trong những biện pháp để lưu thông dòng vốn, không nặng nề chuyện phá sản là việc chấm dứt hoạt động của một DN, mà mục đích cao hơn là phải tạo điều kiện để DN có cơ hội tổ chức lại hoạt động kinh doanh. Chấm dứt sự tồn tại của DN chỉ là biện pháp cuối cùng, khi DN thực sự không còn khả năng trả nợ, phục hồi hoạt động. 

Chỉ khi nào cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ quản lý, sở hữu DN, các chủ nợ và người lao động có nhận thức được như vậy, đồng thời sử dụng Luật Phá sản như là một công cụ hữu hiệu để “hồi sinh” cho doanh nghiệp thì pháp luật về phá sản mới phát huy được tác dụng tái cơ cấu DN, tái cơ cấu nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng Luật Phá sản: Cơ hội “hồi sinh” của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO