Vướng tranh chấp, Nam Á bank vẫn “vô tư” dịch chuyển cổ phiếu

Thái Bình| 10/12/2020 17:44

BVCL - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan tới chiếm đoạt cổ phần, cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Nam Á. Tuy nhiên bỏ qua ý kiến dừng dịch chuyển cổ phần, vốn góp của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ngân hàng này vẫn đang có nhiều dấu hiệu bất tuân quy định.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an yêu cầu tạm dừng vẫn lên sàn giao dịch

Ngày 9/10/2020, tại sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) có địa chỉ tại Quận 3.TP.HCM đã đưa hơn 389 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán NAB chính thức lên sàn UPCoM. Giá tham chiếu cổ phiếu NAB trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch hơn 3.890 tỷ đồng.

a1.jpg
Trụ sở Nam A Bank nơi đang xảy ra tranh chấp với khối tài sản lớn

Việc niêm yết trên tưởng chừng là bình thường nhưng lại gây “dậy sóng” thị trường bởi cổ phiếu Nam A Bank đang trong vòng xoáy tranh chấp liên quan đến các cổ đông. Bởi ngày 5/12/2020 vừa qua, đại diện gia đình ông Nguyễn Chấn (chồng cố doanh nhân Tư Hường-người nắm giữ số lượng lớn cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank) đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi cơ quan chức năng đề nghị ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của thành viên HĐQT Nam A Bank. Theo ông Chấn, ông Nguyễn Quốc Toàn Chủ tịch HĐQT Nam A Bank cùng một số cá nhân, tổ chức khác có liên quan đã chiếm đoạt cổ phần của ông và gia đình tại Nam A Bank và các công ty thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu với tổng giá trị lên tới 30.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy, ông Chấn đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn Đại hội cổ đông, các hoạt động dịch chuyển cổ phiếu của Nam A Bank khi C01 Bộ Công an đã khởi tố vụ án, đang điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Đề nghị của gia đình ông Nguyễn Chấn diễn ra khi Nam A Bank có nhiều động thái dịch chuyển cổ phần, phát hành bổ sung cổ phiếu, thay đổi nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát...Cùng với việc đưa toàn bộ cổ phiếu lên sàn UPCoM, ngày 01/09/2020, Nam A Bank thông báo thay đổi vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên 4.564 tỷ đồng, tương ứng với tăng thêm 67,4 triệu cổ phiếu thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động và chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Ngoài ra, Nam A Bank còn có kế hoạch trong năm 2020 thực hiện phương án tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức và chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Được biết, ngày 20/06/2019, cùng với quyết định khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục ban hành văn bản số 2833/CQĐT gửi Nam A Bank cho biết đang tiến hành điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank và một số công ty thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Vì vậy, C01 đề nghị tạm dừng chuyển nhượng cổ phần của Nam A Bank đứng tên cá nhân, tổ chức liên quan. Ngoài ra, C01 còn đề nghị khóa chiều ghi nợ (rút tiền, chuyển khoản) đối với các tài khoản mang tên cá nhân, tổ chức mà cơ quan điều tra cung cấp.

Căn cứ vào công văn này cho thấy, C01 Bộ Công an đang phong tỏa để làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới hàng chục nghìn tỷ đồng giá trị cổ phần tại Nam A Bank bị chiếm đoạt theo đơn tố cáo của ông Chấn. Việc Nam A Bank niêm yết toàn bộ 389 triệu cổ phiếu để đưa lên sàn giao dịch có dấu hiệu hoàn toàn “đi ngược” lại yêu cầu của C01 Bộ Công an.

Kéo theo nhiều hệ lụy

Theo phản ánh, Nam A Bank đã đưa toàn bộ 389 triệu cổ phiếu NAB đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, trong đó chỉ có hơn 49,3 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định. Cụ thể là số cổ phiếu của các thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc của Nam A Bank. Số cổ phiếu bị tạm dừng giao dịch theo yêu cầu của C01 Bộ Công an được cho không nằm trong số bị hạn chế này.

Trước động thái niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán khi vụ án đang trong quá trình điều tra, các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ càng làm cổ phiếu Nam A Bank bị chuyển dịch nghiêm trọng và hạ thấp giá trị sở hữu của các cổ đông liên quan đến vụ tranh chấp. Trong giai đoạn cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, phong tỏa cổ phiếu của các cổ đông liên quan, lẽ ra, Nam A Bank cần phân tách số cổ phiếu có giá trị bị phong tỏa, tạm dừng giao dịch để chờ xử lý theo pháp luật và đưa niêm yết phần còn lại.

a2.jpg
Văn bản của C01 Bộ Công an yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cổ phần tại Nam A Bank

“Nam A Bank đã cho niêm yết toàn bộ 389 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch là một động thái mạo hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và quyền lợi của các cổ đông khác. Điều này còn khiến cho việc xác định giá trị tranh chấp của cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan trở nên khó khăn”- một số chuyên gia nhận định.

Đồng thời đầu tháng 12/2020, trong đơn kêu cứu mới nhất gửi cơ quan chức năng, đại diện của ông Nguyễn Chấn cho rằng, việc đưa toàn bộ cổ phiếu giao dịch trên sàn và phát hành cổ phiếu là thủ đoạn của một số cá nhân ở Nam A Bank nhằm xóa dấu vết thông tin chủ sở hữu ban đầu và hướng đến mục đích hợp pháp hóa việc chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Quốc Anh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng việc đưa toàn bộ cổ phiếu lên sàn chứng khoán để giao dịch là hành vi có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật. Điều này đã đi ngược lại yêu cầu ngăn chặn của Cơ quan CSĐT Bộ Công an gây nên nhiều hệ lụy, khó khăn cho việc xử lý vụ án, tranh chấp sau này.

Một vấn đề phức tạp hơn là khi toàn bộ 389 triệu cổ phiếu của Nam A Bank được giao dịch sẽ xóa vết sở hữu cổ phần của các thành viên gia đình ông Nguyễn Chấn và người ủy quyền đứng tên. “Để gỡ nút thắt cho việc tranh chấp này, trong trường hợp các bên tranh chấp có đơn yêu cầu ngăn chặn giao dịch cổ phiếu, hủy niêm yết thì Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Hà Nội phải xem xét”- Luật sư Anh phân tích.

Bên cạnh đó, luật sư Quốc Anh còn nêu quan điểm khi Sở GDCK Hà Nội cho phép cổ phiếu Nam A Bank lên sàn giao dịch thì sẽ gây biến động nên trong trường hợp đã có văn bản của cơ quan điều tra và đơn yêu cầu của các bên tranh chấp thì cơ quan này phải hủy niêm yết cổ phiếu. Mặt khác, trong trường hợp sự việc tranh chấp được giải quyết thì Sở GDCK Hà Nội phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên sở hữu số cổ phiếu được pháp luật công nhận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vướng tranh chấp, Nam Á bank vẫn “vô tư” dịch chuyển cổ phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO