Vụ người chồng đòi vợ chi trả phí sinh hoạt sau ly hôn liệu có vi phạm pháp luật?

05/03/2021 16:59

BVCL - Vì muốn ly hôn giải thoát cho bản thân, người vợ đã bị chồng đòi chi trả mức phí sinh hoạt trong 1 năm qua khiến dân cư mạng bức xúc.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện câu chuyện "dở khóc, dở cười" về việc người vợ muốn ly hôn bị chồng đòi chi trả chi phí sinh hoạt trong vòng 1 năm kể từ khi cưới thì mới được trả giấy tờ tùy thân.

Nội dung được đăng tải về người phụ nữ đi lấy chồng không có tiền bạc của cải mang về nhà chồng. Quá trình kết hôn sinh sống với chồng được 1 năm vì mâu thuẫn cô vợ không thể tiếp tục sống với anh chồng kia được nữa nên chọn cách ly hôn.

Tuy nhiên, không dừng lại ở việc giải quyết thuận tình, người chồng bắt vợ phải trả tiền ăn hàng ngày thì mới cho mang đồ dùng cá nhân của mình đi ( mỗi tháng 1 triệu đồng vậy là khi ra đi cô ấy phải trả 12 triệu đồng). Và rất nhiều những khoản tiền khác...

Chủ tài khoản cũng chia sẻ hình ảnh chụp “biên bản bàn giao” viết tay, có đầy đủ chữ ký được cho là của người chồng (bên nhận) và chữ ký của người vợ (bên giao) trước sự làm chứng của đại diện ban thôn, chi hội phụ nữ thôn, công an viên xã phụ trách thôn.

chong-doi-boi-thuong-sau-chia-tay.jpg
Nội dung giấy tờ yêu cầu chi trả chi phí sinh hoạt được đăng tải lên mạng xã hội

Theo tìm hiểu, người phụ nữ trong câu chuyện là P.T.T (SN 1990, quê xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là giáo viên mầm non, kết hôn với chồng là Đ.N.H (SN 1989, trú tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) từ tháng 12/2019.

Quá trình chung sống, 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên đến tháng 2/2021 chị T. yêu cầu hai người chia tay. Anh H. đồng ý với điều kiện chị phải trả lại cho gia đình anh tổng cộng số tiền là 42.600.000 đồng mới cho mang theo giấy tờ tùy thân, đồ đạc cá nhân đi.

Trong đó, có các khoản như tiền ăn hàng tháng (mỗi tháng 1 triệu đồng), tiền khám chữa bệnh phục vụ việc sinh sản, tiền đóng học, tiền mừng cưới hai vợ chồng, tiền 1 chỉ vàng cưới mẹ chồng trao cho con dâu.

Ngay sau khi câu chuyện được đưa lên mạng xã hội facebook đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng với hàng ngàn lượt quan tâm, bình luận và chia sẻ với nhiều ý kiến bức xúc cho rằng người chồng hành xử ích kỉ, không có tình nghĩa.

Dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (đoàn luật sư TP.HCM), trong câu chuyện này nếu cách hành xử của người chồng là đúng theo chia sẻ thì không chỉ thiếu tính nhân văn và còn không đúng quy định của pháp luật.

60285391_10219264072571759_7706645507828875264_o.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

Khoản 3, điều 2, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

Pháp luật cũng quy định vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.

Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Chính vì vậy, người chồng đòi tiền vợ khi đưa vợ đi khám chữa bệnh là không đúng về thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật.

Việc người chồng giữ lại giấy tờ tùy thân như bằng đại học, sổ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động… của người vợ và yêu cầu người vợ phải đưa số tiền (hơn 42 triệu đồng) như đã nói ở trên thì mới trả giấy tờ cho người vợ. Điều này có thể có dấu hiệu việc vi phạm pháp luật.

Việc người chồng chiếm giữ giấy tờ tùy thân của vợ để yêu cầu vợ phải đưa tiền mới trả những giấy tờ tùy thân cho người vợ thì hoàn toàn có thể bị điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ người chồng đòi vợ chi trả phí sinh hoạt sau ly hôn liệu có vi phạm pháp luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO