Vụ cấp thêm 2 sổ đỏ trên cùng một thửa đất ở: Chiếm đất công sang nhượng bằng giấy viết tay

Văn Hà| 30/09/2021 15:16

BVCL - Cơ quan chức năng xác định thửa đất của ông Nguyễn Thành Tin sang nhượng bằng giấy viết tay cho hai hộ ông Yến, bà Truyền là thửa đất công mà ông đã “bao” chiếm. Đáng nói, nó lại là phần đất của ông Nguyễn Hữu Dũng đã được UBND thị xã Kon Tum giao theo QĐ 687/QĐ-UB ngày 5/6/1987 với mục đích xây dựng nhà ở.

anh-1-vu-dat.jpeg
Quyết định số 687/QĐ-UB ngày 5/6/1987 do ông Hoàng Văn Lâm – Phó chủ tịch UBND thị xã Kon Tum cấp cho ông Dũng.

Đất không có nguồn gốc vẫn được cấp sổ đỏ?

Như Báo Công lý đã có bài viết “Kon Tum: Có hay không việc cấp thêm 2 sổ đỏ trên cùng một thửa đất ở?” phản ánh về việc trên thửa đất của ông Nguyễn Hữu Dũng được UBND thị xã Kon Tum (tỉnh Gia Lai-Kon Tum) cấp theo QĐ 687/QĐ-UB ngày 5/6/1987 bị người khác lấn chiếm và đã được cấp thêm 2 sổ đỏ.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, đất của ông đã được nhà nước công nhận với tổng diện tích là 512m2 (lô đất nay thuộc số nhà 552, 554 đường Duy Tân, phường Duy Tân, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum- PV). Vì phải đi công tác xa, không có mặt ở địa phương nên mảnh đất của ông đã bị ông Nguyễn Thành Tin (hộ bên cạnh) tự ý lấy toàn bộ và sang nhượng lại bằng giấy tờ viết tay cho ông Hoàng Văn Yến và vợ là bà Huỳnh Thị Thanh. Sau đó, trên thửa đất của ông Dũng, ông Tin tiếp tục viết giấy tay sang nhượng cho ông Lâm Văn Mai vào năm 1993 và ông Mai viết giấy tay sang lại cho ông Nguyễn Minh Cảnh năm 1994.

Qua kiểm tra, xác minh thực tế từ phía UBND phường Duy Tân thì thửa đất của ông Hoàng Văn Yến và bà Võ Thị Truyền đã được UBND thị xã Kon Tum cấp giấy CNQSDĐ.

anh-2-vu-dat.jpg
Ông Dũng cho rằng lô đất của ông đã bị ông Tin lấn chiếm trái phép và bán bằng giấy tay cho nhiều người.

Điều đáng nói, trong hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất của ông Hoàng Văn Yến có đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương là “thiếu nguồn gốc đất” nhưng vẫn được ông Phan Văn Thế - Phó chủ tịch UBND thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đồng ý cấp giấy CNQSDĐ vào ngày 18/11/2003 (thửa đất số 152 tờ bản đồ số 31 diện tích 162,6m2 mục đích sử dụng đất ở).

Cũng tương tự, trong hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của hộ ông Nguyễn Minh Cảnh vợ là Võ Thị Truyền “thiếu nguồn gốc đất, đất nhận chuyển nhượng” nhưng vẫn được cấp giấy CNQSDĐ vào ngày 9/9/2008 (thửa đất số 217 tờ bản đồ số 31 diện tích 147,9m2, mục đích sử dụng đất ở).

Chiếm đất công bán sang tay…

Để làm rõ về nguồn gốc các thửa đất trên cũng như các vấn đề liên quan đến sự việc, phóng viên Báo Công lý đã có buổi làm việc với phòng TN&MT thành phố Kon Tum.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Bích Phượng- Phó phòng TN&MT thành phố Kon Tum cho biết, ông Nguyễn Hữu Dũng mới bắt đầu kiến nghị lên phòng TN&MT từ năm 2019. Thời điểm trước đó, cơ quan chức năng đi làm chỉ xác định vị trí đất ông Tin bán cho 2 người kia là đất lấn chiếm, đất công. Thời điểm đó, cơ quan chức năng không biết được việc ông Dũng có quyết định giao đất trên phần đất trống này. “Trong thời điểm 2019, ông Dũng chỉ làm đơn đề nghị cho ông biết rõ việc cấp giấy CNQSDĐ cho ông Tin bà Truyền, ông Yến. Ngay sau đó, phòng TN&MT có làm báo cáo tham mưu UBND thành phố trả lời đơn của ông Dũng là 3 trường hợp trên được cấp GCN năm nào, hồ sơ gồm những giấy tờ gì”, bà Phượng nói.

Trước câu hỏi, qua kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ thì trên thửa đất của hộ ông Yến và bà Truyền sử dụng có hồ sơ gốc chứng minh nguồn gốc đất hay không? Nếu không sao vẫn được cấp sổ đỏ?

Bà Phượng cho biết: “Cơ quan chức năng đã xác định 2 thửa đất trên là đất lấn chiếm. Ban đầu, trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của các hộ trên thể hiện toàn bộ nguyên thủy khu đất đó là của hộ gia đình ông Tin ngày xưa khai hoang. Đến năm 1987, nhà nước mới đưa vào quản lý và giao lại cho gia đình ông Tin hơn 500m2. Khi giao thì vẫn còn phần đất trống phía bên cạnh là đất công và ông Tin đã bao chiếm thêm phần này. Trong quá trình sử dụng phần đất bao chiếm này, ông Tin chuyển nhượng cho 2 hộ trên. Nguồn gốc đất của hai hộ trên có nguồn gốc từ ông Tin bán. Khoảng trống đất công mà ông Tin lấn chiếm là không có giấy tờ, ông cho rằng ông khai hoang hồi xưa”.

anh-3-vu-dat.jpg
Quyết định số 485/QĐ-UB ngày 28/3/1987 cấp cho ông Nguyễn Thành Tin thể hiện đất ông giáp đất công. Lô đất công này sau đó đã được cấp cho ông Dũng theo QĐ 687/QĐ-UB ngày 5/6/1987.

Câu hỏi đặt ra ở đây, dưới góc độ chuyên môn, cơ quan tham mưu cấp giấy CNQSDĐ khi phát hiện đã có quyết định giao đất của ông Dũng trước đó thì việc cấp mới 2 sổ đỏ kia liệu có đúng với quy định và vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?.

Bà Phượng cho biết: “Theo quan điểm của tôi là sự việc này có phát sinh thêm trong giao dịch dân sự nên tòa án mới có thể giải quyết được bởi nó liên quan đến nhiều cái hậu quả pháp lý kéo theo. Về việc này thì Phòng TN&MT không có thẩm quyền để giải quyết. Thời điểm cấp giấy chứng nhận, cơ quan chức năng đã niêm yết công khai, lấy ý kiến khu dân cư… trên cơ sở đó thì Phòng TN&MT đề xuất cấp tại thời điểm đó. Thời điểm cấp, ông Dũng không xuất hiện. Giờ ông Dũng trở về và có chứng cứ chứng minh đất đó là của ông thì ông có quyền khởi kiện theo thẩm quyền”.

“Phần đất ông Tin viết giấy bán tay cho hai hộ trên là lấn chiếm đất công và không nằm trong quyết định giao đất của ông Tin. Sau khi ông Dũng cung cấp quyết định tôi mới biết đất của ông Dũng giáp với đất của ông Tin”, bà Phượng cho biết thêm.

Việc cơ quan chức năng đã xác định đất ông Tin sang nhượng bằng giấy viết tay cho 02 hộ ông Yến, bà Truyền là đất lấn chiếm đất công, không có nguồn gốc đất nhưng vẫn được cấp giấy CNQSDĐ thì có đúng với quy định của pháp luật?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ cấp thêm 2 sổ đỏ trên cùng một thửa đất ở: Chiếm đất công sang nhượng bằng giấy viết tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO