Vụ án KDC Hòa Lân: Thiên Phú rút yêu cầu khởi kiện, hủy toàn bộ ủy quyền

PV| 18/08/2020 12:04

(BVCL) Ngày 13/8 vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) quận 7, TP. HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là đất dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là Dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty đấu giá Nam Sài Gòn) và các đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Chợ Lớn (AgriBank Chợ Lớn); Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) và Văn phòng Công chứng Thành Phố Mới, tỉnh Bình Dương.

Phiên tòa “lạ đời”  xét xử dự án khu dân cư Hòa Lân
Phiên tòa “lạ đời” xét xử dự án khu dân cư Hòa Lân

Giám đốc Thiên Phú tự nguyện rút đơn khởi kiện, luật sư đề nghị đình chỉ vụ án

Theo lời khai của Giám đốc Bùi Thế Sơn, sau quá trình thực hiện việc đấu giá ông này đã từng “tiết lộ” cho Công ty Kim Oanh biết, khi trúng đấu giá Dự án Hòa Lân muốn yên ổn làm ăn thì phải “chia miếng bánh Hòa Lân” cho “người cầm cán cuộc chơi” đã bỏ tiền mua Công ty Thiên Phú. Nhưng lúc này nhân vật “cầm cán” chưa lộ diện. Sau thời điểm đó, ông Sơn bị CQĐT Bộ Công an bắt tạm giam cùng 2 Phó Giám đốc Thiên Phú về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 30 tỷ của Kim Oanh trong quá trình chuyển giao dự án Hòa Lân.

Sau gần 20 tháng, khi đã hoàn thành việc đấu giá bà Hường và bà Châu (con dâu bà Hường) xuất hiện và bỏ tiền mua toàn bộ vốn của Công ty Thiên Phú từ tay ông Sơn và ông Phú. Theo “tiết lộ” của ông Sơn, đây chính là người “cầm cán cuộc chơi”. Trước đó, ông Trọng, Kế toán Thiên Phú có đơn tố cáo bị giang hồ đe dọa ép phải chuyển nhượng phần vốn của mình tại Thiên Phú có liên quan đến ông Tuấn, người được ông Sơn bổ nhiệm Phó Giám đốc, được ủy quyền đại diện tham gia vụ kiện.

Sau đó, ông Tuấn làm hồ sơ đề nghị thay đổi thành viên và người đại diện mới của Thiên Phú. Trong quá trình làm thủ tục, do Bộ Công an có văn bản yêu cầu, Sở KH&ĐT Bình Dương chưa công nhận tư cách 2 mẹ con bà Hường, có nghĩa thương vụ mua bán vốn chưa hoàn thành.

Khi vụ án được thụ lý và đưa ra xét xự sơ thẩm, thời điểm này từ trong trại tạm giam, ông Sơn có đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Thiên Phú, hủy toàn bộ ủy quyền đối với ông Tuấn. Yêu cầu này của ông Sơn được khẳng định khi Thẩm phán Lê Thị Phơ vào tận trại giam để xác minh thông tin.

Căn cứ vào đơn đề nghị rút toàn bộ yêu của khởi kiện của ông Sơn, các luật sư đại diện cho bị đơn và các bên liên quan đều lên tiếng đề nghị thẩm phán cho đình chỉ vụ án. Tuy nhiên Thẩm phán Lê Thị Phơ vẫn cho tiến hành xét xử và luật sư của Công ty Thiên Phú tiếp tục câu giờ và đưa ra những yêu cầu vô lý .

Đơn xin rút đơn kiện và hủy toàn bộ của quyền của ông Bùi Thế Sơn, giám đốc Thiên Phú
Đơn xin rút đơn kiện và hủy toàn bộ của quyền của ông Bùi Thế Sơn, giám đốc Thiên Phú

Thiên phú đã tự nguyện bàn giao toàn bộ dự án thì không có quyền khởi kiện

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, đại diện phía Công ty Thiên Phú bất ngờ nộp đơn yêu cầu HĐXX trưng cầu giám định tiền gốc, lãi, số tiền đã trả và hiện nay chính xác Thiên Phú còn nợ Agribank bao nhiêu tiền. Lý do Công ty Thiên Phú đưa ra là bảng tính tiền gốc lãi của Agribank không đúng với bản của chính Công ty Thiên Phú tính toán.

Yêu cầu này của Công ty Thiên Phú bị các bên đánh giá là không cần thiết. Theo Báo cáo số 2568/NHNo-PC ngày 28/3/2019 của Agribank gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, từ 2003-2007 Công ty Thiên Phú đã vay của Agribank 305 tỷ và gần 19 ngàn lượng vàng. Tổng dư nợ sau quy đổi của Công ty Thiên Phú tính đến 2007 là gần 1118 tỷ đồng.

“Xưa nay các con số này Agribank đã nhiều lần công khai, đại diện Công ty Thiên Phú cũng đã xác nhận, vậy mà bây giờ yêu cầu tính toán lại thì không hiểu để làm gì? Từ đó đến nay, nếu tính toán lãi suất đúng theo quy định, dù bây giờ Công ty Thiên Phú có vài dự án như Hòa Lân thì bán hết cũng không đủ trả ngân hàng”, một ý kiến cho biết.  

Theo đại diện của bị đơn là Công ty Nam Sài Gòn và các bên liên quan như Ngân hàng Agribank, Công ty Kim Oanh thì Công ty Thiên Phú cũng không có quyền đưa ra yêu cầu trên trong vụ án này. Agribank cho biết việc hợp đồng tín dụng, thế chấp, Công ty Thiên Phú còn nợ Ngân hàng Agribank bao nhiêu không thuộc thẩm quyền của TAND quận 7. Hơn nữa, TAND quận 7 thụ lý các yêu cầu của Thiên Phú về hợp đồng tín dụng, thế chấp; nhưng chưa xác định được tư cách tố tụng của Agribank nên Tòa không thể tiếp tục chấp nhận những yêu cầu vô lý của Công ty Thiên Phú nêu trên.

Ngay tại phiên tòa, đại diện Công ty Thiên Phú đã thừa nhận: “Quá trình ký kết các văn bản, Công ty Thiên Phú vi phạm pháp luật do không biết luật. Vì nợ ngàn tỉ nên ngân hàng bảo đưa tài sản nào thế chấp thì phải đưa. Ngân hàng yêu cầu ký thì phải ký. Đến đầu năm 2019, rà soát lại hồ sơ mới biết mình vi phạm nên khởi kiện”.

Trước sự vô lý này, phía bị đơn là Công ty Nam Sài Gòn, Ngân hàng Agribank và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Công ty Kim Oanh, văn phòng công chứng đã đề nghị đình chỉ vụ kiện vì Công ty Thiên Phú không có tư cách khởi kiện, ông Sơn là người duy nhất có quyền và lợi ích hợp pháp đã rút đơn khởi kiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, Công ty Thiên Phú đã tự nguyện bàn giao toàn bộ dự án gồm hồ sơ, tài sản cho ngân hàng để thu hồi nợ theo biên bản thỏa thuận. Biên bản này không có sự tham gia của Công ty Nam Sài Gòn, nên Công ty Thiên Phú kiện Nam Sài Gòn là vô lý.

Chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (HĐĐG) chỉ có Ngân hàng Agribank, Công ty Kim Oanh và Công ty Nam Sài Gòn; Công ty Thiên Phú có mặt với tư cách chứng kiến và theo thỏa thuận không có quyền lợi, nghĩa vụ trong HĐ; nên Công ty Thiên Phú không có quyền khởi kiện.

Theo Điều 385 BLDS: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Thiên Phú không phải chủ thể giao kết HĐĐG nên không có quyền khởi kiện đòi hủy hợp đồng.

Trong HĐĐG, Thiên Phú chỉ phát sinh yêu cầu về dân sự nếu có căn cứ cho rằng văn phòng công chứng có vi phạm khi công chứng. Nhưng nếu khởi kiện thì Thiên Phú phải kiện văn phòng công chứng và thẩm quyền giải quyết không thuộc Tòa quận 7.

Từ căn cứ trên, đại diện Công ty Nam Sài Gòn nhận định: “Tòa quận 7 thụ lý xét xử sai thẩm quyền; thụ lý vụ án sai; không đúng đơn khởi kiện; xác định sai tư cách tố tụng đối với Công ty Nam Sài Gòn. Chúng tôi phản đối, bác bỏ toàn bộ những yêu cầu của Công ty Thiên Phú đối với Công ty Nam Sài Gòn”.

Đại diện Cty Kim Oanh cho rằng, biên bản thỏa thuận giữa Công ty Thiên Phú và Ngân hàng về bàn giao tài sản để tiến hành thủ tục đấu giá năm 2015 và hợp đồng bán đấu giá giữa Công ty Nam Sài Gòn và Ngân hàng Agribank năm 2015 đã hết hiệu lực khởi kiện nên đề nghị tòa bác đơn.

Sau khi các đương sự không còn tranh luận về vụ án, Thẩm phán Lê Thị Phơ tuyên bố HĐXX vào phòng hội ý. HĐXX sau đó vẫn quay lại phần hỏi với yêu cầu tranh chấp hợp đồng tín dụng, thế chấp, tính toán số tiền gốc lãi và yêu cầu giám định của Công ty Thiên Phú.

Thẩm phán Phơ yêu cầu cung cấp bảng tính lãi mà Công ty Thiên Phú thực hiện và hỏi về cách tính, thời điểm tính. Sau đó Chủ tọa hỏi: “Khi thực hiện các hợp đồng tín dụng, thế chấp, nguyên đơn đã giao hồ sơ thế chấp thì giao những gì, liệt kê từng hồ sơ gì?”. Đại diện Công ty Thiên Phú trả lời: “Chúng tôi… không giao gì cả”.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, thẩm phán đề nghị các bên chuyển qua phần tranh luận. Các bên đương sự cho biết không tranh luận thêm gì vì đã thực hiện tranh luận đầy đủ trong gần 3 ngày.

Đây là một vụ xét xử mà được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng luật sư và báo chí- truyền thông. Dự kiến phiên tòa sẽ được tiếp tục xét xử vào ngày 20/8 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án KDC Hòa Lân: Thiên Phú rút yêu cầu khởi kiện, hủy toàn bộ ủy quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO