Vì sao phải ứng dụng công nghệ phù hợp trong từng công đoạn chống dịch?

Thu Trang | 29/05/2021 15:56

BVCL - Việc áp dụng công nghệ nhiều hơn chính là cách tiếp cận mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công" trong phòng chống dịch Covid-19... Muốn làm được điều đó, chúng ta cần phải ứng dụng công nghệ phù hợp trong từng công đoạn chống dịch.

Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh diễn ra ngày 26/5, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua 4 lần bùng phát dịch. Đáng lưu ý là lần sau lớn hơn lần trước nhưng cách làm về cơ bản ít thay đổi, vẫn dựa vào hệ thống chính trị và sức người là chính, tỷ lệ người phải cách ly so với số người nhiễm vào loại cao trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cách làm này chỉ hiệu quả khi số ca nhiễm ít, bệnh dịch lây lan chậm. Trong khi đó, nếu lây lan nhanh như chủng mới, lại có hàng chục nghìn ca F0, số ca F1 cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà sẽ lên đến hàng trăm nghìn, hàng triệu ca thì không còn khả thi. Vì vậy nên có những cách tiếp cận mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, áp dụng công nghệ nhiều hơn, xét nghiệm chủ động và nhanh hơn, vaccine thần tốc hơn.

fa88d242c5002c5e7511.jpg
Đợt dịch thứ 4 có diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chúng ta hãy tận dụng lần bùng phát dịch lần này để huy động trí tuệ và nguồn lực xã hội, ra những quyết sách mạnh mẽ hơn, để tìm ra cách kiểm soát tốt hơn và căn cơ trong tương lai. Điều cần đẩy mạnh triển khai chính là ứng dụng công nghệ phù hợp trong từng công đoạn chống dịch.Trên cơ sở các công nghệ được ứng dụng cho từng công đoạn chúng ta hoàn toàn có thể đồng bộ các dữ liệu, phân tích dự liệu lớn… Từ đó, kiểm soát được được các hoạt động từ khâu nhập cảnh, cách ly có giám sát rồi truy vết để tránh phải cách ly diện rộng".

Trong vấn đề nhập cảnh, chúng ta có phần mềm khai báo y tế bắt buộc, phần mềm phát hiện người nhập cảnh trái phép. Ví dụ như phần mềm Vietnam Health Declarations hỗ trợ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nắm bắt lịch trình của khách du lịch trong nước và quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam. Không chỉ ở các địa điểm nhập cảnh, Vietnam Health Declarations còn được áp dụng tại các địa điểm ăn uống (nhà hàng, khách sạn, quán ăn…); địa điểm lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ); các hãng vận tải hành khách trên cả nước, giúp các cơ quan chức năng liên lạc khi cần thiết và kịp thời có biện pháp xử lý khi có trường hợp nhiễm bệnh, giảm thiểu các nguy cơ lây truyền bệnh dịch.

Về xét nghiệm, chúng ta có phần mềm thu thập số liệu xét nghiệm, kết hợp với phần mềm thu thập số liệu người đến bệnh viện, từ 2 dữ liệu này có thể phát hiện ra bệnh viện có bệnh nhân F0 đến khám mà không cho làm xét nghiệm.

anh-2.jpg
Việc xét nghiệm Covid-19 đang được triển khai hiệu quả khi ứng dụng phần mềm thu thập số liệu xét nghiệm

Về truy vết, chúng ta có phần mềm khai báo y tế NCOVI, phần mềm khai báo khi đến một cơ quan bằng QR code, phần mềm Bluezone phát hiện tiếp xúc gần. Việt Nam có khoảng 75-80 triệu người trưởng thành đang dùng điện thoại di động, hiện nay theo số liệu thống kê có khoảng gần 50% số người (tương đương 35-40 triệu người) đã cài đặt Bluezone. Nếu con số này đạt được 100% thì việc truy vết sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Từ đó có thể ngăn chặn kịp thời các nguồn lây nhiễm khi bị phát hiện.

Ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân (NCOVI) để người dân có thể chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 với cơ quan y tế. Đây cũng là ứng dụng khai báo chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, NCOVI còn có chức năng phản ánh thông tin, cho phép người dùng phản ánh đến cơ quan chức năng các trường hợp khả nghi, cần theo dõi bệnh nhằm phát hiện những trường hợp trốn tránh cách ly… NCOVI còn cung cấp cho người dùng thông tin “cảnh báo khu vực có dịch” để có phương án di chuyển, chủ động phòng tránh và sắp xếp công việc phù hợp. Từ đó, các cơ quan chức năng có thể tìm ra các trường hợp cần chú ý, xác định nguy cơ lây nhiễm, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh một cách chủ động và hiệu quả hơn.

Đối với phần mềm khai báo khi đến một cơ quan bằng QR code cũng đang được triển khai tại nhiều địa phương và cần phải được đẩy mạnh hơn việc ứng dụng khai báo y tế qua check mã QR này. Vì thực tế đã có những ca bệnh phát hiện tại công sở, văn phòng, và nguy hiểm hơn là các khu công nghiệp. Nếu chúng ta áp dụng tốt phần mềm khai báo khi đến một cơ quan bằng QR code thì việc truy vết khi phát hiện F0 đối với địa điểm cụ thể sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Về cách ly, chúng ta có phần mềm giám sát bằng camera tại khu cách ly tập trung, có vòng đeo để giám sách cách ly tại nhà, do công ty Việt Nam sản xuất. Cụ thể, tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc đã được lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát. Hệ thống ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, cho phép Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo tại tỉnh và bộ phận quản lý tại khu vực cách ly giám sát hình ảnh 24/7 theo phân cấp.

Bằng việc triển khai camera, các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ, hạn chế tối đa các diễn biến có thể làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh trong điều kiện nhân lực, vật lực dành cho việc giám sát của tỉnh đã được huy động tối đa khả năng.

anh-3.jpg
Sớm áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly (Ảnh minh họa)

Và vòng tay điện tử được sản xuất tại Việt Nam, dùng định vị để hỗ trợ giám sát người cách ly đang được Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất thử nghiệm. Vòng tay này được phát triển hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận địa điểm, pin có thời gian 30 ngày, có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện phá hoại hoặc ra khỏi vùng cách ly. Khi có yêu cầu truy vết kết quả lộ trình (điểm đi và điểm đến) của chủ vòng cũng sẽ được cập nhật nhanh chóng phục lực lượng phòng chống dịch. Việc sử dụng vòng tay điện tử này không chỉ giúp truy vết nhanh mà còn đảm bảo hỗ trợ tối ưu cho phương án phải cách ly các F1 tại nhà mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu tỉnh Bắc Ninh thí điểm áp dụng trước đó.

Về đánh giá an toàn, chúng ta có bản đồ an toàn covid, chuẩn bị có hộ chiếu vacxin, có thể dùng cả trong và ngoài nước. Trong đó, bản đồ an toàn Covid-19 cung cấp thông tin công khai được cập nhật liên tục hàng ngày từ các địa điểm công cộng. Mức độ an toàn tại từng cơ sở, khu vực (quận huyện, tỉnh, thành phố) được phân biệt bằng màu sắc để cung cấp hình ảnh khách quan, nhanh chóng, sinh động tới từng người dân, cán bộ, lãnh đạo theo dõi trên bản đồ. Các địa phương, lãnh đạo đơn vị có thể kiểm soát, chỉ đạo việc thực hiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trên phạm vi từng khu vực, từng cơ sở của mình dựa trên thông tin bản đồ cung cấp.

Việc áp dụng công nghệ nhiều hơn chính là cách để chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công" trong phòng chống dịch Covid-19. Trên cơ sở các công nghệ được ứng dụng cho từng công đoạn chúng ta hoàn toàn có thể đồng bộ các dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn… Từ đó, kiểm soát được các hoạt động từ khâu nhập cảnh, cách ly có giám sát rồi truy vết để tránh phải cách ly diện rộng. Khi làm tốt việc này, chúng ta sẽ chặn đứng được Covid-19 và tiến tới tấn công đánh bại giặc dịch.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao phải ứng dụng công nghệ phù hợp trong từng công đoạn chống dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO