Tuy Phong ̣(Bình Thuận): Ngang nhiên lấy đất canh tác của dân cho thuê làm du lịch

T.Đ - Nguyễn Phương| 27/04/2022 10:33

BVCL - UBND huyện Tuy Phong đã cho một cá nhân ở TP.HCM lấy gần 6.500 m2 đất nông nghiệp đang canh tác của gia đình bà Đào Thị Ba để làm khu sinh thái nghỉ dưỡng mà không có quyết định thu hồi đất, không đền bù tài sản trên đất.

2-tuy-phong.jpg
Con đường bê tông, ông Hòa làm ban đêm năm 2017 xẻ ngang khu đất của gia đình bà Ba

Hơn chục năm nay (từ tháng 5/2011), kể từ khi bị xã lấy gần 6.500 m2 đất nông nghiệp đang canh tác để giao cho một cá nhân ở TP.HCM thuê 49 năm làm khu sinh thái nghỉ dưỡng (thuộc xóm 6, thôn Lâm Lộc 2, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), gia đình bà Đào Thị Ba (SN 1954) bỏ hết công việc để đi khiếu kiện đòi lại đất.

Theo đơn trình bày của bà Ba, trước năm 1972, cha chồng bà là ông Huỳnh Hữu Bá đã khai hoang mảnh đất này. Ngày 22/3/1972, mãnh đất của ông Bá được cấp “Chứng thư cấp quyền sở hữu” thuộc chính sách “Người cày có công” (ký hiệu thửa đất số 0238M, tờ bản đồ số 109, diện tích 00.HA 07.00). Năm 1975, ông Bá đã cho lại phần đất này để vợ chồng bà Ba canh tác, thu lợi tức nuôi gia đình. Đến năm 2001, vợ chồng bà Ba đến xã Hòa Minh xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chính quyền xã hẹn khi nào có chính sách kê khai, cấp đổi sẽ thông báo. Là nông dân, nên gia đình bà đinh ninh khi nào có thông báo sẽ đến lượt mình và vẫn tiếp tục canh tác, thu hoa lợi từ mãnh đất này. Suốt 49 năm qua, khu đất của gia đình bà Ba không có bất kỳ tranh chấp nào.

3-tuy-phong.jpg
Ngày 22/3/1972, mảnh đất của ông Bá được cấp “Chứng thư cấp quyền sở hữu” thuộc chính sách “Người cày có công” (Ký hiệu thửa đất số 0238M, tờ bản đồ số 109, diện tích 00.HA 07.00)

Bất ngờ, ngày 11/5/2011, UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 1056, cho ông Nguyễn Đức Hòa (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) thuê hơn 30.000 m2 đất tại khu du lịch Đồi Dương (xã Minh Hòa, huyện Tuy Phong) để sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Trong số đất mà huyện Tuy Phong cho ông Hòa thuê có một phần đất của gia đình bà Ba. Quyết định cho thuê đất của UBND huyện Tuy Phong không hề xem xét đến nguồn gốc đất của bà Ba nói riêng và nhiều hộ dân ở đây nói chung.

Nghịch lý hơn, dù UBND huyện lấy đất đang canh tác của gia đình bà Ba cho cá nhân thuê để làm du lịch nhưng UBND huyện Tuy Phong không hề có Quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất, hoa màu trên đất.

Theo bà Ba trình bày, khi dự án được vẽ ra, người dân phản đối vì không đúng trình tự thủ tục của pháp luật. Trong thời bà Ba đang khiếu nại thì bất ngờ, năm 2017, giữa đêm ông Hòa ngang ngược cho làm một con đường bê tông chạy xẻ ngang phần đất còn lại gia đình bà. Đơn khiếu nại của gia đình bà gửi các cấp chính quyền được chuyển lòng vòng từ huyện, thanh tra, tất cả đều trở về xã Hòa Minh mà không có sự trả lời rõ ràng, thỏa đáng.

Ngày 22/4/2021, trong buổi làm việc với chính quyền xã Hòa Minh, ông Lê Châu, cán bộ địa chính xã cho rằng diện tích khu đất này thuộc quyền sử dụng của xã. Sau buổi làm việc này, bà Bà có làm đơn yêu cầu xã Hòa Minh cung cấp chứng từ gốc khu đất nói trên.

Ngày 10/3/2022 bằng văn bản số 39/UBND do Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trường Nhân ký xác nhận: ‘‘Hồ sơ gốc khu đất (Ký hiệu thửa đất số 0238M, tờ bản đồ số 109, diện tích 00.HA 07.00) xã Hòa Minh không có’’!?

1-tuy-phong.jpg
Con đường bê tông, ông Hòa làm ban đêm năm 2017 xẻ ngang khu đất của gia đình bà Ba

Lo sợ mất nốt phần đất còn lại của khu đất canh tác, gia đình bà Ba dọn ra sống giữa căn chòi tạm để giữ đất. “Gia đình tôi là nông dân, chỉ có mảnh đất này để canh tác, sinh sống. Từ việc giao đất không xem xét nguồn gốc đã khiến gia đình tôi chịu thiệt thòi, khiếu kiện khắp nơi”, bà Ba buồn bã trình bày.

Để có thông tin hai chiều, phóng viên đã liên hệ nhưng ông Nguyễn Trung Trực (Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong) từ chối với lý do bận họp, yêu cầu phóng viên xuống gặp lãnh đạo xã Minh Hòa. “Đây là đất thuộc địa bàn xã Minh Hòa nên dưới đó sẽ giải quyết. Khi nào xã không giải quyết được, chuyển đơn thư lên huyện chúng tôi mới giải quyết”, ông Trực trả lời.

Khi phóng viên tới UBND xã Minh Hòa gặp ông Huỳnh Đoàn Thanh Trí, Chủ tịch UBND xã thì ông Trí vội gom hồ sơ nói: “Chúng tôi đang giải quyết, khi nào có kết quả tôi sẽ báo” rồi vội vàng rời phòng làm việc cũng với lý do bận đi họp.

Dự án du lịch nửa vời, không hiệu quả, trong khi đất nông nghiệp đang canh tác của người dân chính quyền lấy ngang không tuân thủ đúng quy định của pháp luật đất đai hiện hành đã gây bức xúc trong nhân dân suốt thời gian dài và nhiều hệ lụy liên tiếp, phải chăng UBND huyện đã quá tắc trách, đứng trên pháp luật và quyền lợi chính đáng của người dân?

UBND huyện đã qua mặt UBND tỉnh trong việc cho thuê đất nông nghiệp.

Tại Khoản 2 Điều 59 Luật đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định;

b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.

3. UBND cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này không được ủy quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Phong ̣(Bình Thuận): Ngang nhiên lấy đất canh tác của dân cho thuê làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO