Trai châu Phi khiến hàng loạt nạn nhân nữ sập bẫy tình tiền

Văn Kỳ | 12/07/2021 21:58

BVCL - Không nghề nghiệp, bị cáo rời châu Phi sang Việt Nam hành nghề lừa đảo. Tại đây, bị cáo làm quen rồi có tình cảm với nhiều phụ nữ. Với chiêu bài tặng quà, nhờ rút tiền “khủng” để đầu tư, bị cáo cùng đồng phạm đã khiến hàng loạt nạn nhân sập bẫy.

Bà Nguyễn Thị Tình (Sinh năm: 1975, ngụ tại Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã ly dị chồng, sống một mình có điều kiện kinh tế. Khoảng tháng 4/2018, bà lên mạng facebook giải trí thì nhận được lời mời kết bạn một tài khoản có tên DH, tự giới thiệu là người Mỹ sinh sống tại Anh Quốc. Sau thời gian trò chuyện, tài khoản DH hứa hẹn giao cho bà Tình số tiền 1.500.000USD để đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

Sau đó, có một người xưng là nhân viên Hải quan sân bay, sử dụng điện thoại số 01629392xxx và gửi email yêu cầu bà Tình đóng phí để nhận số tiền 1.500.000USD từ nước ngoài gửi về. Người này cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng số 5710205032102 mang tên Đặng Thị Sa mở tại Ngân hàng Agribank để bà Tình chuyển tiền. Do tin tưởng nên bà Tình đã 04 lần chuyển tiền, tổng cộng 959.229.700 đồng vào các tài khoản do người này cung cấp.

Cụ thể: Ngày 23/4/2018, bà Tình chuyển 159.000.000đ vào tài khoản 5710205032102 mang tên Đặng Thị Sa mở tại Ngân hàng Agribank; Ngày 27/4/2018, bà Tình chuyển 516.518.750 đồng vào tài khoản số 117624633 có tên Trần Trịnh Huyền Em mở tại Ngân hàng VPBank; Ngày 03/5/2018, bà Tình chuyển 283.710.950 đồng vào tài khoản 14710000302680 của Nguyễn Thị Vinh mở tại Ngân hàng BIDV. Sau khi nộp gần 1 tỷ đồng vào tài khoản chỉ định, bà Tình liên lạc lại tài khoản DH để lấy 1,5 triệu USD thì người này mất hút. Bà Tình đã làm đơn tố cáo vụ việc tới cơ quan công an.

Bà Nguyễn Thị Vinh là người được bà Tình gửi tiền vào tài khoản mở tại Ngân hàng BIDV được công an triệu tập khai nhận: khoảng tháng 8/2017, qua ứng dụng Zalo bà quen biết người đàn ông tên Okorie Christian U, tự giới thiệu buôn bán giày dép và sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Hai người đã gặp mặt và nảy sinh quan hệ tình cảm yêu đương. Đến tháng 02/2018, Okorie nói không thể đứng tên tài khoản ngân hàng Việt Nam nên nhờ bà Tình đứng tên mở dùm tài khoản ngân để “khách hàng” chuyển tiền vào. Tin cẩn nên bà Vinh làm theo.

1-w500-h375.jpg

Ảnh minh họa

Ngày 08/5/2018, theo chỉ dẫn của bị cáo Okorie nhờ bà Vinh đến Ngân hàng BIDV (tại TP.HCM) rút 499.000.000 đồng, bà Vinh làm theo. Khi bà Vinh rút xong đưa tiền cho Okorie thì bị công an bắt quả tang, thu giữ tiền và điện thoại di động. Cơ quan công an kiểm tra điện thoại của Okorie thì phát hiện, bị cáo có liên lạc với đối tượng tên “Oboy Cambodia” (sống tại Campuchia). Oboy có gửi các tin nhắn và phiếu chuyển tiền của 3 người chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Thị Vinh trong đó: Có số tiền bà Nguyễn Thị Tình nêu trên; Bà Nguyễn Thị R. nộp số tiền 150.900.000 đồng; Bà Lô Thị Ph. nô 63.726.000 đồng.

Theo lời khai của Okorie tên đầy đủ Okorie Christian U, bản thân quốc tịch Nigeria, không có nghề nghiệp nên sang Việt Nam “kiếm ăn”. Khoảng tháng 5/2017, Okorie quen biết đối tuợng tên Oboy tại một quán bar trên đường Bùi Viện (Quận 1). Khoảng tháng 02/2018, Oboy gặp lại Okorie và đề nghị Okorie mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam để Oboy sử dụng; Theo bàn bạc, Oboy sẽ kết bạn với những phụ nữ Việt Nam để lừa đảo dưới hình thức gửi quà, chuyển tiền, đóng phí chuyển tiền vào tài khoản Okorie cung cấp. Khi rút được tiền, Okorie sẽ chuyển lại cho Oboy, tiền công Okorie được hưởng từ 20 - 40% trên tổng số tiền rút.

Trên cơ sở đó, Okorie đã sử dụng mạng xã hội Zalo tím kiếm các phụ nữ trung niên Việt Nam là người có điều kiện kinh tế như: bà Nguyễn Thị V, bà Hồ Thị Mai I, bà Nguyễn Thị Thu G và bà Trịnh Thị Y… Okorie đều tán tỉnh và nảy sinh quan hệ tình cảm với những người phụ nữ này. Sau đó, Okorie nói rằng có kinh doanh buôn bán tại Việt Nam nhưng không thể mở tài khoản ngân hàng nên nhờ những phụ nữ này đi mở tài khoản ngân hàng thay, sau đó gửi thông tin lại cho người đàn ông châu Phi này sử dụng.

Cơ quan điều tra xác định, trợ giúp cho hành vi phạm tội của Okorie có các đối tượng khác hiện nay chưa xác định được danh tính. Khi nào xác định được sẽ truy tố sau theo quy định pháp luật. Những người mở tài khoản ngân hàng và nhận tiền thay cho Okorie đều không biết hành vi và số tiền phạm tội mà có, nên cơ quan công an xét thấy không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Với số tiền thu giữ của Okorie, cáo trạng số 23/CT-VKS-P3 ngày 11/01/2019, VKSND TP HCM đã truy tố bị cáo Okorie Christian U về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a Khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

HĐXX TAND TP.HCM nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Okorie Christian U cùng đồng phạm là rất nguy hiểm cho xã hội; không những xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác được pháp luật hình sự bảo vệ mà còn gây mất trật tự trị an xã hội. Trên cơ sở đó, HĐXX quyết định tuyên bố bị cáo Okorie Christian U phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải chịu mức án 07 năm tù.

Trong vụ án trên có thể thấy, bị cáo nhắm đến các nạn nhân là phụ nữ đơn thân, nhẹ dạ, cả tin, có điều kiện và “sính” trai ngoại quốc. Những nạn nhân đều sập bẫy trên không gian mạng xã hội, sau đó kết bạn tình ở đời thực. Ban đầu đối tượng chiều chuộng, chịu chơi và khoe mẻ kinh doanh để lấy lòng tin. Sau khi biết chắc nạn nhân sập bẫy tình, bị cáo mới giăng bẫy lừa tiền. Khi cơ quan điều tra chỉ ra hành vi phạm tội của bị cáo và các đồng phạm, thì các nạn nhân mới ngã ngửa lâu nay đều “xài” chung trai Tây. Và trai Tây cũng chả phải cao sang gì chỉ là kẻ “khố rách” được ngụy trang bằng “mác” Tây. Suy cho cùng, các nạn nhân sập bẫy cũng vì bản tính sính ngoại, nhẹ dạ cả tin mà ra.

Tên các nạn nhân thay đổi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trai châu Phi khiến hàng loạt nạn nhân nữ sập bẫy tình tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO