TP HCM quyết ‘không để bệnh viện thành ổ dịch’

Lâm Thanh (T/h)| 01/08/2020 11:07

(BVCL)-Rút kinh nghiệm từ vùng dịch Đà Nẵng, TP HCM siết chặt khâu sàng lọc nCoV tại tất cả bệnh viện trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Y tế, ông Tăng Chí Thượng, cho biết: "Rút kinh nghiệm từ một số bệnh viện tại Đà Nẵng, ngành y tế thành phố đặt mục tiêu 'Không để một bệnh viện nào trở thành ổ dịch'". Ông nói điều này trong buổi họp Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, tối 31/7.

Ngoài khai báo y tế và buồng khám sàng lọc tại khoa Khám bệnh đang hoạt động hết công suất, Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện triển khai thêm buồng cấp cứu sàng lọc Covid-19 ngay tại khoa Cấp cứu.

Buồng cấp cứu sàng lọc sẽ giúp phát hiện và cách ly sớm bệnh nhân nghi mắc Covid-19, hạn chế thấp nhất rủi lo lây nhiễm tại khoa Cấp cứu. Buồng số 1 tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu không nghiêm trọng. Ảnh Bệnh viện cung cấp

Buồng cấp cứu sàng lọc giúp phát hiện và cách ly sớm bệnh nhân nghi mắc Covid-19, hạn chế thấp nhất rủi lo lây nhiễm tại khoa Cấp cứu. Trong ảnh, buồng số 1 tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu không nghiêm trọng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nơi được phân công tiếp nhận người xác định nhiễm nCoV, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng, vẫn tiếp tục duy trì mô hình này từ đợt dịch trước. Hai buồng sàng lọc nCoV thuộc khoa Cấp cứu, song nằm tách biệt hẳn không gian. Nhân viên y tế phòng hộ cá nhân đầy đủ, túc trực 24/24h.

"Tất cả người bệnh đến cấp cứu đều phải qua buồng cấp cứu sàng lọc trước tiên, chỉ chuyển vào khoa Cấp cứu sau khi sơ, cấp cứu và khai thác kỹ dịch tễ. Nếu nghi ngờ nhiễm, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly", ông Thượng nhấn mạnh.

Buồng cấp cứu sàng lọc 2 sẽ tiếp cận các trường hợp cấp cứu nghiêm trọng. Ảnh Bệnh viện cung cấp

Buồng cấp cứu sàng lọc 2 tiếp nhận các trường hợp cấp cứu nghiêm trọng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Song song, ai đến bệnh viện cũng phải được tầm soát, sàng lọc, khai thác kỹ yếu tố dịch tễ. Người bệnh có triệu chứng liên quan đến Covid-19, thì chuyển vào khu cách ly của bệnh viện, hoặc phòng cách ly tạm trước khi chuyển viện (nếu chưa có khu cách ly).

Đặc biệt, khi chuyển bệnh, Sở Y tế TP HCM bắt buộc phải vận chuyển người bệnh bằng xe cấp cứu của bệnh viện, hoặc Trung tâm Cấp cứu 115. "Tuyệt đối không được để người bệnh tự đi", theo ông Thượng.

Các cơ sở y tế phải chủ động tìm tác nhân nCoV, đối với nhóm bệnh nhân đang điều trị mà cùng có các triệu chứng cảm cúm, ho, sốt, và liên quan nhau về yếu tố dịch tễ, hoặc những trường hợp viêm phổi nặng, hoặc người bệnh có dấu hiệu trở nặng bất thường mà không lý giải được nguyên nhân. Viện hội chẩn ngay với các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 để được tư vấn về chuyên môn và chỉ định lấy mẫu xét nghiệm.

9h sáng 1/8, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ hoạt động trở lại, công suất tăng lên 500 giường. Cùng với Bệnh viện dã chiến Củ Chi, bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ tiếp tục sứ mạng cách ly, điều trị người nhiễm và nghi nhiễm nCoV, nhất là bệnh nhân nặng tại TP HCM.

TP HCM đang điều trị năm ca Covid-19, gồm các bệnh nhân 449, 450, 510, 517, 518, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tất cả đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Tính đến ngày 31/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xác định được 354 người tiếp xúc với năm bệnh nhân. 342 người được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 253 trường hợp âm tính, còn 89 người đang chờ kết quả.

Tổng số trường hợp nghi nhiễm 500. Trong số này, 455 có kết quả xét nghiệm âm tính, 45 trường hợp khác đang đợi kết quả xét nghiệm. Thành phố ghi nhận 26.609 người rời khỏi Đà Nẵng từ ngày 1/7 khai báo y tế. 16.473 người đã được lấy mẫu xét nghiệm. 2.388 mẫu có kết quả âm tính, 3 mẫu dương tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP HCM quyết ‘không để bệnh viện thành ổ dịch’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO