TP. HCM: Đưa thuốc kháng virus mới và đưa robot điều trị cho bệnh nhân Covid - 19

Lê Đại| 25/08/2021 11:01

BVCL - Bộ Y tế cho biết, dự kiến từ hôm nay 25/8, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai chương trình thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị có kiểm soát trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng đưa robot vào hỗ trợ quá trình điều trị bệnh nhân.

robot.jpg
Robot nói chuyện, thông tin thời sự cho bệnh nhân, vận chuyển đồ ăn uống... tại Trung tâm hồi sức do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách tại TP.HCM.

Theo đó, thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ được đưa vào túi thuốc an sinh, sẽ có khoảng 200.000 túi thuốc được cấp cho F0 tại TP.HCM điều trị tại nhà. Đây là lô thuốc Molnupiravir 300.000 viên loại 200mg (tương đương trên 7.500 liều) đầu tiên vừa về đến TP.HCM ngày 23/8. Dự kiến ngày 28/8 sẽ có thêm 1.700.000 viên 200mg (tương đương khoảng 50.000 liều). Các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu sử dụng trong đầu tháng 9/2021. Hiện doanh nghiệp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước cũng đã sẵn sàng tài trợ lô thuốc đầu tiên với 16.000 liều, đến ngày 5-9 sẽ cung cấp thêm 100.000 liều (tổng cộng 116.000 liều, tương ứng 2.320.000 viên Molnupiravir 400mg).

Theo Bộ Y tế, đã có 360 bệnh nhân sử dụng thuốc trong 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 với 160 người tham gia vừa được đánh giá chiều tối 24/8, bước đầu cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt làm sạch hoặc giảm tải lượng virus ở bệnh nhân mắc Covid -19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, kéo theo giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong. Tuy nhiên, cần dùng thuốc càng sớm càng tốt.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến nay toàn thành phố đã thiết lập gần 300 trạm y tế lưu động trong tổng số mục tiêu đề ra là 400 trạm khắp thành phố để hỗ trợ chăm sóc điều trị F0 tại nhà. Ở nhiều trạm, theo ghi nhận, lực lượng bác sĩ, sinh viên của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã có mặt trực chiến.

Tại Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid -1 9 tại TP.HCM do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách vừa đi vào hoạt động, ngoài các y bác sĩ, các chuyên gia, lần đầu tiên có 3 robot do ThS. Huỳnh Phúc Minh (Bệnh viện Trung ương Huế) nghiên cứu, sản xuất tại Huế và đưa tới trung tâm. Các robot này sẽ nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình bên ngoài. Robot cũng giúp đưa đồ ăn, nước uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh, giúp giảm tiếp xúc bệnh nhân - y bác sĩ và giảm nguy cơ lây nhiễm trong khi lượng bệnh nhân sẽ được chuyển đến nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Đưa thuốc kháng virus mới và đưa robot điều trị cho bệnh nhân Covid - 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO