Tòa án các cấp xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng

Trần Minh Giang| 07/09/2020 16:49

(BVCL) Xác định chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, lâu dài, lãnh đạo TANDTC thường xuyên chỉ đạo TAND và Tòa án quân sự các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên tất cả các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Qua đó, đã nâng cao niềm tin của người dân vào nền tư pháp, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng

Nạn tham nhũng đã được Đảng chỉ rõ là “nội xâm”, một trong những nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước. Phòng, chống tham nhũng luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng.

Về mặt thể chế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc đã đi vào cuộc sống, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa có hiệu quả. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cán bộ chủ chốt TANDTC về công tác phòng, chống tham nhũng

Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 2-2013), đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước đã thể hiện quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Với tinh thần: Không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào; làm từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó; lấy phòng ngừa là chính; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, công tác phòng chống tham nhũng đã thu hút nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Trong những năm qua, công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kể cả cán bộ cao cấp, khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; công khai các cán bộ vi phạm, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực tiễn nâng cao chất lượng công tác xét xử 

Đặc biệt, có vụ án xử lý cả những người từng là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, những người là Bộ trưởng… Tiêu biểu là vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN vào Ngân hàng Đại Dương Oceanbank. Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land. Vụ án Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (nguyên là Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông) cùng 12 bị cáo xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Không để sót lọt tội phạm tham nhũng

Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/5/2020, trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, các Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 13.599 vụ án với 26.621 bị can; xét xử 10.917 vụ án đối với 19.406 bị cáo về các tội phạm kinh tế, tham nhũng. Tất cả các vụ án kinh tế, tham nhũng được xét xử kịp thời; công tác chuẩn bị các phiên tòa được tổ chức chu đáo, an ninh trật tự được đảm bảo.

Xét xử vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN vào Ngân hàng Đại Dương Oceanbank

Đối với các vụ án tham nhũng lớn, lãnh đạo các Tòa án đã lựa chọn Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng để phối hợp cùng Điều tra viên và Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, kịp thời yêu cầu thu thập bổ sung những tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Mỗi cơ quan tố tụng theo chức trách, nhiệm vụ được giao đều làm tốt vai trò của mình, giúp việc xây dựng hồ sơ được chặt chẽ, hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án và đảm bảo nguyên tắc Hiến định “Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực”.

Trong quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đều xây dựng chi tiết kế hoạch xét xử, thực hiện các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản. Kiến nghị với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản tham nhũng của các bị cáo; thực hiện kịp thời các biện pháp để thu hồi tối đa tài sản Nhà nước bị thất thoát và bị các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt.

Xét xử vụ án Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone

Trong suốt quá trình tổ chức xét xử, Hội đồng xét xử đều bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, không hạn chế thời gian tranh tụng, không bó hẹp trong phạm vi Cáo trạng truy tố. Hầu hết vụ án tham nhũng, Hội đồng xét xử đã chủ động kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi khác nếu có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Tại Bản án xét xử vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm, Hội đồng xét xử đã kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ các hành vi cấp đất trái thẩm quyền của các cơ quan chức năng tại Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Đà Nẵng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm xảy ra tại Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng

Đồng thời, trên cơ sở tăng cường tranh tụng, các Hội đồng xét xử đã phát hiện tình tiết, dấu hiệu tội phạm mới, đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngay tại phiên tòa, không để sót lọt tội phạm, nhằm giải quyết triệt để vụ án. Bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với các bị cáo ăn năn hối lỗi, tự nguyện nộp lại toàn bộ hoặc một phần tài sản đã chiếm đoạt. Phán quyết của Hội đồng xét xử dựa trên kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Việc xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã có tác dụng răn đe, góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Thông qua việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đã giúp các cấp, các ngành phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, từ đó bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý cán bộ, quản lý kinh tế.

Công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương. Nạn tham nhũng từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, đã đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án các cấp xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO