Tin vắn thế giới ngày 25/2: Nga đã phá hủy 74 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine

Bạch Dương | 25/02/2022 09:04

BVCL - Thái Lan sẽ tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 4 tháng; Nga đã phá hủy 74 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine; Ukraine hạn chế rút tiền mặt, cấm mua ngoại tệ… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Thái Lan sẽ tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 4 tháng

Bộ Y tế Thái Lan đặt mục tiêu sớm hạ cấp COVID-19 từ đại dịch xuống thành một bệnh đặc hữu.

Thư ký Thường trực Bộ Y tế Kiartiphum Wongrachit ngày 24/2 cho biết bộ này sẽ công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là bệnh đặc hữu, với mục tiêu là đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng.

covid19_thai_lan.jpg
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok (Thái Lan).

WHO khuyến khích Indonesia trở thành trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19

Trong phát biểu ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia Erick Thohir cho biết WHO đã chỉ định Indonesia là một trong những nước thụ hưởng việc chuyển giao công nghệ bào chế vaccine dựa trên mRNA.

Theo kế hoạch, công ty quốc doanh PT Bio Farma (Persero) của Indonesia là đơn vị được giao sản xuất vaccine mRNA. Bio Farma hiện là nhà sản xuất vacicne lớn nhất Đông Nam Á, với 14 loại vaccine đã được xuất khẩu sang trên 150 quốc gia.

Canada phê duyệt loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được sản xuất trong nước

Bộ Y tế Canada ngày 24/2 đã cấp phép sử dụng đối với Covifenz - một loại vaccine phòng COVID-19 do hãng công nghệ sinh học Medicago sản xuất tại Canada.

Loại vaccine hai liều này có nguồn gốc từ thực vật, được phép sử dụng cho những người từ 18 đến 64 tuổi. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy Covifenz đạt hiệu quả 71% trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 một tuần sau liều tiêm thứ hai. Hai mũi tiêm phải cách nhau 21 ngày.

Moderna nâng dự báo doanh thu từ vaccine ngừa COVID-19

Hãng dược phẩm Moderna Inc ngày 24/2 đã nâng dự báo doanh thu của họ từ việc bán vaccine ngừa COVID-19 trong cả năm 2022 thêm 2,7%, lên 19 tỷ USD, giữa bối cảnh công ty của Mỹ này đang tìm cách tăng cường sản xuất sau các vấn đề sản lượng vào năm ngoái.

Australia xem xét tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4

Ngày 24/2, Cơ quan quản lý sản phẩm trị liệu Australia (TGA) thông báo nước này đang xem xét việc triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 trước khi mùa cúm bắt đầu cùng với nguy cơ bùng phát một đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp theo.

FDA Mỹ: Không sử dụng Sotrovimab điều trị người nhiễm 'Omicron tàng hình'

Ngày 23/2, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng loại thuốc kháng thể điều trị COVID-19 Sotrovimab do các hãng dược phẩm GlaxoSmithKline – GSK (Anh) và Vir Biotechnology (Mỹ) phát triển đối với những trường hợp nhiễm các biến thể có khả năng chống lại tác dụng của thuốc.

Đức: Phát triển ứng dụng xác minh chứng nhận tiêm phòng COVID-19 trên toàn cầu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ký thỏa thuận với công ty T-Systems để phát triển giải pháp công nghệ giúp tự động xác minh chứng nhận tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu. T-Systems là chi nhánh của Công ty viễn thông Deutsche Telekom (Đức).

Dòng phụ của biến thể Omicron không gây bệnh nặng cho người dân tại Nam Phi

Trong báo cáo vừa được đăng tải trên trang web medRxiv, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron (dễ lây lan hơn so với dòng phụ trước đó BA.1) không gây ra nhiều ca nhập viện hoặc bệnh nặng hơn tại Nam Phi.

Ba Lan dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch COVID-19 từ tháng 3

Chính phủ Ba Lan ngày 23/2 thông báo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ tháng 3 tới, ngoại trừ các quy định về cách ly và đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín.

Nhật Bản ban hành quy định mới cho người nhập cảnh từ tháng 3

Theo đó, từ ngày 1/3, người nhập cảnh từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trong diện chỉ định mà chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi tăng cường, sẽ bắt buộc phải cách ly trong 3 ngày tại một cơ sở do cơ quan kiểm dịch chỉ định. Hết thời gian cách ly, nếu kết quả xét nghiệm PCR âm tính sẽ không phải tiếp tục cách ly tại nhà.

Người đến từ các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên đã tiêm mũi tăng cường sẽ chỉ phải tự cách ly trong 7 ngày tại nhà. Nếu đến ngày thứ 3 kể từ khi nhập cảnh, kết quả tự xét nghiệm PCR là âm tính sẽ không phải tiếp tục cách ly số ngày còn lại.

Nga đã phá hủy 74 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine

Theo đài Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc không kích của quân đội nước này đã phá hủy 74 mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine. Trong số đó, có 11 sân bay, 3 trung tâm chỉ huy, 1 căn cứ hải quân, 18 radar S-300 và hệ thống phòng không Buk của quân đội Ukraine.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, các lực lượng Nga đã bắn rơi một máy bay trực thăng tấn công của Ukraine và 4 máy bay không người lái tấn công Bayraktar ở khu vực Donbass.

2402-khong-kich.jpg
Nga tiến hành tập trận với Belarus. Ảnh: Sputnik

Mỹ sẽ sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine

Trong phản ứng mới nhất trước tình hình căng thẳng tại Ukraine, một quan chức Mỹ ngày 24/2 cho biết nước này sẽ sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao của mình khỏi Ukraine, đồng thời đình chỉ sự hiện diện ngoại giao và các hoạt động lãnh sự ở nước này.

Ngân hàng trung ương Nga bắt đầu can thiệp để bình ổn thị trường

Ngân hàng trung ương Nga ngày 24/2 cho biết sẽ có biện pháp can thiệp thị trường để hỗ trợ đồng nội tệ ruble, trong bối cảnh đồng tiền này mất giá nghiêm trọng sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Nhà Trắng công bố các bước mới để phục hồi chuỗi cung ứng dài hạn

Nhà Trắng đã công bố các bước tập trung vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng dài hạn, một động thái đánh dấu một năm kể từ khi Tổng thống Biden ký sắc lệnh điều hành nhằm tăng cường chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Sắc lệnh hành pháp trên được ký một năm trước liên quan đến cách tiếp cận của chính phủ nhằm đánh giá các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, trong đó các quan chức chính quyền cấp cao cho biết xử lý vấn đề chuỗi cung ứng là ưu tiên chính sách của Tổng thống Biden.

Đức kêu gọi đảm bảo không để xung đột lan rộng ở châu Âu

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tối 24/2 đã có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia sau cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó nhấn mạnh phương Tây sẽ phải đảm bảo để xung đột không lan rộng ở châu Âu.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Scholz đánh giá tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, cảnh báo Nga không nên nhắm tới các nước khác sau hành động quân sự ở Ukraine.

Ukraine hạn chế rút tiền mặt, cấm mua ngoại tệ

Ngân hàng trung ương Ukraine ngày 24/2 đã đình chỉ hoạt động rút tiền mặt bằng ngoại tệ và giới hạn số lượng nội tệ mà người dân có thể rút từ các máy ATM, khi căng thẳng leo thang với Nga khiến thị trường tài chính của nước này bị xáo trộn.

Trong một động thái nhằm ngăn chặn sự bất ổn của khu vực ngân hàng, Ngân hàng trung ương Ukraine cũng cấm các giao dịch ngoại hối xuyên biên giới và rút tiền mặt bằng ngoại tệ, đồng thời đình chỉ hoạt động mua ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng.

Belarus khẳng định quân đội không tham gia chiến dịch của Nga

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhấn mạnh, binh sĩ nước này không tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine.

Tổng thống Belarus nhấn mạnh, điều quan trọng là phải ngăn được một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraine. Ông đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai bên tại thủ đô Minsk.

Đức bổ nhiệm Ủy viên chính phủ chống phân biệt chủng tộc

Ngày 24/2, nội các Chính phủ Đức đã bổ nhiệm nghị sĩ Reem Alabali-Radovan, 31 tuổi thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) làm Ủy viên quốc gia phụ trách Cơ quan chống phân biệt chủng tộc, vừa được thành lập để chống phân biệt và thúc đẩy sự đa dạng chủng tộc trong các lĩnh vực nhà nước.

Đây là lần đầu tiên một vị trí ủy viên chống phân biệt chủng tộc được chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz bầu ra theo thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền năm ngoái.

duc-250222-2.jpg
Bà Reem Alabali-Radovan. Ảnh: DPA

Thái Lan chuẩn bị kế hoạch sơ tán công dân khỏi Ukraine

Bộ trưởng Lao động Thái Lan Suchart Chomklin cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ lo ngại về tình trạng của của người dân Thái Lan ở Ukraine trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga.

Truyền thông sở tại cho biết Bộ Ngoại giao Thái Lan đã có các kế hoạch sơ tán 250 công dân sống ở Ukraine về nước. Vụ trưởng Vụ Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Tanee Sangrat nói rằng sân bay quốc tế ở Lviv sẽ là lựa chọn đầu tiên để thực hiện sơ tán.

Ba cựu cảnh sát Mỹ bị cáo buộc vi phạm quyền công dân của George Floyd

Ngày 24/2, Bồi thẩm đoàn liên bang ở St Paul, bang Minnesota, Mỹ, đã kết tội ba cảnh sát Tou Thao, J.Alexander Kueng và Thomas Lane vi phạm quyền công dân của George Floyd, người đàn ông Mỹ gốc Phi từng bị một cảnh sát thành phố Minneapolis ghì cổ đến chết trong một vụ việc gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới hồi tháng 5/2020.

Quốc hội Libya sẽ thảo luận việc thành lập chính phủ mới vào cuối tháng này

Chủ tịch Quốc hội Libya Aqila Saleh ngày 24/2 đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp vào ngày 28/2 tại Tobruk để thảo luận việc thành lập chính phủ mới do ông Fathi Bashagha đứng đầu, nhằm thay thế Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) của Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah.

Mỹ: Mạng 5G có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn của dòng máy bay Boeing 737

Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ngày 23/2 cảnh báo công nghệ băng thông rộng di động tốc độ cao 5G có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy đo độ cao dùng sóng vô tuyến của dòng máy bay Boeing 737, theo đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong thao tác cất cánh và hạ cánh của máy bay.

Theo
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 25/2: Nga đã phá hủy 74 cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO