Tiêm vaccine phòng COVID-19 không phải là miễn nhiễm

Nhật Minh| 25/05/2021 09:20

BVCL - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cần tích cực thực hiện những biện pháp y tế cộng đồng như sử dụng khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn . Việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống bình thường mới kể cả khi người dân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

tiem-phong-vaccine-phong-covid-19-tai-ha-noi.jpg
Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hà Nội

Theo TS, BS Phạm Quang Thái, chuyên gia về tiêm chủng - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, người được tiêm vaccine COVID-19 không thể bảo đảm phòng nhiễm virrus 100%, mà vẫn có khả năng nhiễm bệnh và lây cho những người khác. Do đó, kể cả sau khi đã được tiêm mũi đầu tiên hoặc đủ hai mũi vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Chủ trương 5K+vaccine của Bộ Y tế nhấn mạnh việc người dân nên đề cao cảnh giác và tuân thủ theo các quy định phòng dịch kể cả khi đã có vaccine. Người dân cần đeo Khẩu trang, Khử khuẩn, giữ Khoảng cách, Không tụ tập đông người, và Khai báo y tế.

Cho đến nay đã có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Các nguồn vaccine khác của Moderna, Johnson&Johnson và của các quốc gia như Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) vẫn đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vaccine để phục vụ người dân.

Từ ngày 8/3/2021, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng Công an, Quân đội… theo Nghị quyết số 21 ngày 26/2/2021 của Chính phủ. Tính đến 16 giờ ngày 22/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/thành phố với hơn 1 triệu liều cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 28.961 người.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh việc tiêm chủng phải đạt trên 70% dân số Việt Nam để hình thành miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh. Biện pháp 5K sẽ đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus trong cộng đồng cho tới khi số người được tiêm vaccine đạt được ngưỡng này.

tiem-chung.jpg
Việc tiêm chủng vaccine sẽ giúp Việt Nam hình thành trạng thái miễn dịch cộng đồng.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%. “Vẫn có nguy cơ sau tiêm vaccine, người tiêm vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu tiêm vaccine rồi mà mắc Covid-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều”, ông Cường nói.

WHO kêu gọi các nước tiếp tục thực hiện những biện pháp chống dịch kể cả khi người dân đã được tiêm vaccine. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữ quan điểm rằng người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cần tích cực thực hiện những biện pháp y tế cộng đồng có hiệu quả cao như giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang, hay tích cực rửa tay. Sự tuân thủ theo các biện pháp này có thể tiếp tục bảo vệ người dân và cộng đồng khi chưa có kết luận về độ hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

WHO cho rằng vaccine COVID-19 có thể không đạt được 100% hiệu quả, kháng thể có thể không hình thành ở một số người được tiêm và những yếu tố như tuổi tác hay bệnh lý nền có thể ảnh hưởng tới tính hiệu quả của vaccine. Hơn nữa, WHO chưa đi đến kết luận về khả năng bảo vệ lâu dài của vaccine. Những mối lo ngại này là lý do WHO kêu gọi các nước tiếp tục thực hiện những biện pháp chống dịch kể cả khi người dân đã được tiêm vaccine.

Ngoài ra, WHO còn bày tỏ sự nghi ngại về khả năng biến thể của virus SARS-CoV-2, khi khả năng truyền nhiễm của virus qua những người đã tiêm vaccine vẫn chưa được kiểm chứng. Để bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan và chuyển biến của dịch bệnh, những biện pháp phòng chống COVID-19, đặc biệt là việc đeo khẩu trang, nên được tiêu chuẩn hoá trong công cuộc thiết lập trạng thái bình thường mới.

Theo Hiệp hội y học Hoa Kỳ (AMA), người dân không nên coi vaccine là liều thuốc thần kỳ trong quá trình phức tạp chống lại đại dịch COVID-19. AMA coi việc tiêm vaccine chỉ là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó với dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, biện pháp này cần được kết hợp với các phương thức phòng ngừa dịch bệnh như đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người.

TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine chỉ là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó với dịch bệnh. Tiêm vaccine chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, vaccine được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong. Tuy nhiên dù đã tiêm vaccine thì vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như Bộ Y tế đã khuyến cáo.

khong-deo-khau-trang.jpg
Người được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn cần tích cực thực hiện những biện pháp y tế cộng đồng.

“Việc thực hiện tốt biện pháp 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Ngoài ra phải duy trì sự chính xác và ổn định của các quá trình phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng và điều trị cho người bị nhiễm”. Đây là nhận định của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng. Ông Trần Đắc Phu cho rằng biện pháp 5K đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình đối phó với những ổ bệnh đang lẩn khuất, chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Ngoài công tác tuyên truyền về 5K, các tỉnh thành trên toàn quốc hiện nay đang tích cực thắt chặt những quy định phòng chống dịch. Từ đầu tháng 5 tới nay, thành phố Hà Nội đã xử phạt hơn 4.000 trường hợp không tuân thủ quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. Thành phố Đà Nẵng tiếp tục xử phạt những hành vi như tụ tập đông người, không thực hiện cam kết ngừng kinh doanh trong đợt dịch, phát tán thông tin sai lệch, hay không chấp hành cách ly. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp ở những khu công nghiệp, Bắc Giang đã tiến hành quản lý toàn bộ công nhân liên quan đến ổ dịch, và thực hiện công tác phòng chống dịch trong cộng đồng. Bắc Ninh đang tiến hành xét nghiệm cho người lao động, tăng cường truy vết, và cách ly y tế những địa phương có nguy cơ cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Thực hành tốt thông điệp 5K chính là “Lá chắn thép” để bảo vệ chúng ta trước đại dịch COVID-19. Đã đến lúc chúng ta cần phải xác định Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêm vaccine phòng COVID-19 không phải là miễn nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO