Tiềm năng phát triển du lịch ở huyện vùng cao Pác Nặm

T.Anh | 12/01/2021 19:20

BVCL - Huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã xây dựng Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Nhận thấy phát triển du lịch trên địa bàn huyện Pác Nặm những năm gần đây đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội huyện, tạo việc làm và giảm nghèo cho người dân.

Huyện Pác Nặm có tổng diện tích đất tự nhiên gần 48.000ha. Nhiều năm trước đây, để có đất sản xuất nông nghiệp, người dân nhiều nơi trên địa bàn huyện đã khai hoang, cải tạo những triền dốc lớn, đồi cao tạo thành những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trải dài trên các sườn đồi đan xen với hệ thống sông ngòi với làn nước trong vắt chảy về từ những khe suối nhỏ. Ngoài việc cung cấp nguồn lương thực chính để ổn định cuộc sống thì nay những thửa ruộng này còn có lợi thế, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm.

Mùa vàng từ những cánh đồng lúa chín rất đẹp ở nhiều xã trên địa bàn huyện Pác Nặm
Những cánh đồng lúa chín rất đẹp ở nhiều xã trên địa bàn huyện Pác Nặm.

Trên địa bàn huyện hiện có 7 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng. Hiện nay, Pác Nặm đang chú trọng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc, xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì tổ chức lễ hội truyền thống để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như: Hát lượn, hát sli, hát then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; múa khèn của người Mông; lễ cấp sắc của người Dao; dệt thổ cẩm truyền thống của người Sán Chỉ, dân tộc Tày cùng các trò chơi dân gian và những món ăn dân tộc truyền thống…Ngoài ra, huyện đang hướng đến một số mô hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững dựa vào cộng đồng. Phát huy điểm di tích lịch sử Búp Nhùng, giáp ranh giữa hai xã Cao Tân và Cổ Linh, đây là nơi tổ chức lớp tập huấn Tự vệ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn vào tháng 10 năm 1943 đã được huyện quy hoạch trong hệ thống du lịch liên vùng của tỉnh. Đặc biệt, huyện vùng cao Pác Nặm sẽ trở thành vệ tinh quan trọng và tiềm năng cho hệ thống du lịch hồ Ba Bể.

Đề án Phát triển du lịch huyện Pác Nặm giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được huyện Pác Nặm xác định là nhiệm vụ quan trọng và thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay để triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn và Kế hoạch phát triển du lịch của huyện Pác Nặm trong giai đoạn mới, góp phần tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống sinh kế, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đới sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương. Đề án còn là cơ sở cho việc quản lý và khai thác hiệu quả mang tính bền vững các tiềm năng du lịch của huyện thu hút đầu tư phát triển du lịch của huyện và của tỉnh trong giai đoạn mới.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND huyện Pác Nặm đã có kế hoạch triển khai thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển du lịch, thu hút đầu tư; giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển thị trường, các sản phẩm du lịch để xúc tiến đầu tư và quảng bá; khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển du lịch; liên kết, hợp tác cùng phát triển; bảo vệ môi trường…

"Lễ Hội Mù Là" được tổ chức dịp đầu Xuân mới hàng năm thu hút đông đảo du khách đến du lịch và trải nghiệm.

Trong đó, huyện xác định để triển khai có hiệu quả, bước đầu cần ưu tiên nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối các khu, điểm du lịch chính trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm két nối các tour du lịch liên kết để tận dụng, khai thác khách quốc tế và trong nước khi đã đến hồ Ba Bể, Khu du lịch Na Hang (Tuyên Quang), Phia Đén, Bản Giốc (Cao Bằng)…từ đó có thể di chuyển đến các khu vực Đèo Yêu, xã Nghiên Loan và Xuân La; tham quan hang dơi, xã Nhạn Môn; thác Khuổi Khoang, xã Giáo Hiệu và đến đỉnh đèo “Mù Là” một địa danh của xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, giáp với các xã Đà Vị, Hồng Thái của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là nơi hằng năm thường được huyện tổ chức Lễ Hội Mù Là” với sự tham gia của đông đảo người dân, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Tổ chức khảo sát và lựa chọn các bản làng có sự nổi trội, hấp dẫn về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc và có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân cải tạo, nâng cấp nhà ở để cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà dân (hometay) cho khách du lịch trải nghiệm. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch và đề cao giá trị văn hóa truyền thống. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhất là các đơn vị lữ hành xây dựng các chương trình du lịch liên huyện, liên tỉnh hoặc liên vùng hấp dẫn, đa dạng nhằm thu hút khách du lịch…

Theo tính toán của huyện Pác Nặm, dựa trên cơ sở các phương án đã đặt ra, để đạt được mục tiêu đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, các khu vực tập trung đầu tư và các dự án ưu tiên thì tổng nhu cầu đầu tư du lịch từ nay đến năm 2030 cần đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư khoảng 80 tỷ đồng (tương ứng 10%) còn lại là các nguồn vốn khác, chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa và phân khúc theo từng giai đoạn. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón đạt 7.000 khách du lịch, trong đó có gần 1.000 khách quốc tế, dự ước tổng thu giai đoạn này ước đạt khoảng 25 tỷ đồng và tăng dần đến năm 2030 sẽ đón đạt gần 15.000 lượt khách, trong đó có trên 1.000 khách quốc tế, dự ước tổng thu từ du lịch giai đoạn này khoảng trên 60 tỷ đồng.../.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng phát triển du lịch ở huyện vùng cao Pác Nặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO