Thế giới Di động tiếp tục tồn kho khổng lồ!

Sông Hương| 03/05/2022 17:00

BVCL - Lượng hàng tồn kho của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE – MCK: MWG) lại tiếp tục tăng thêm 11,7% (từ 29.167 tỷ đồng lên thành 32.588 tỷ đồng), trong khi dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại có tỷ lệ rất thấp (chỉ khoảng 647 tỷ đồng), chiếm gần 2%.

the-gioi-di-dong-bctc-2022.png

Cuối tháng 3/2022, MWG vận hành 5.497 cửa hàng, bao gồm 985 cửa hàng TGDĐ, 2.077 cửa hàng ĐMX, 29 cửa hàng Topzone, 2.127 cửa hàng BHX, 211 nhà thuốc An Khang, 44 cửa hàng Bluetronics và 24 cửa hàng AVA độc lập. Trong quý 1/2022, TGDĐ, ĐMX và Topzone ghi nhận hơn 30.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó: ĐMX supermini (ĐMS) đóng góp hơn 2.700 tỷ đồng, gấp đôi doanh thu quý 1/2021. Với 874 điểm bán, ĐMS tiếp tục là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho chuỗi Điện Máy Xanh. Topzone đóng góp gần 470 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm, với 28 cửa hàng ủy quyền AAR và 1 cửa hàng cao cấp APR.

Doanh thu online đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng gần 150% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 19% tổng doanh số của các chuỗi. Đối với BHX, chuỗi ghi nhận doanh thu lũy kế 6.040 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 8% so với quý 4/2021.

Mục tiêu của MWG là đưa BHX trở thành lựa chọn đầu tiên khi khách hàng nghĩ tới thực phẩm tươi sống. Do đó, chuỗi đã triển khai nhiều chương trình hấp dẫn để khuyến khích khách hàng đến mua sắm và trải nghiệm những thay đổi tích cực gần đây. Điều này ảnh hưởng ngắn hạn tới doanh thu và biên lợi nhuận của chuỗi, nhưng là sự đầu tư cần thiết trong chiến lược tái định vị BHX.

Tính riêng tháng 3/2022, sản lượng hàng tươi sống bán ra tăng gấp đôi, lượt khách tới cửa hàng tăng gần 40% so với trung bình 2 tháng đầu năm. Mặc dù áp dụng nhiều khuyến mãi, doanh thu BHX trong tháng 3 đã quay lại mức trước đợt bùng phát dịch Covid-19 và tăng 10% so với cùng kỳ. Tháng 4/2022, BHX đã ký kết hợp tác cùng C.P. Việt Nam để cung cấp các sản phẩm thịt an toàn, có nguồn gốc, độ tươi ngon bảo đảm, giá bán cạnh tranh ngay cả so với chợ truyền thống. Trong quý 1/2022, doanh thu BHX online tăng 12% so với cùng kỳ và chiếm 3% tổng doanh thu của BHX. Hiện nay, khách hàng có thể mua thực phẩm tươi sống online dễ dàng, chọn chính xác hàng có trong ngày và hàng sẽ về trong ngày tiếp theo, với 6 khung giao hàng trong ngày (mỗi khung giao 2 giờ), điều chưa nhà bán lẻ thực phẩm nào khác trên thị trường có thể thực hiện.

Từ đầu tháng 4/2022, BHX triển khai diện rộng việc thay đổi layout cửa hàng, tiện lợi và thân thiện với khách hàng cũng như nhân viên. Đối với một số cửa hàng đã hoạt động ổn định 2 tháng với mô hình mới này, doanh thu đã tăng trưởng 15%-30% tùy nhóm hàng. BHX hướng tới tăng trưởng doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng tối thiểu 30% vào cuối năm từ mức hiện tại…

Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2022 của MWG cho thấy: Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 36.467 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 1.445 tỷ đồng. Doanh thu online đạt 5.935 tỷ đồng, tăng 138% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng doanh thu của MWG.

Như vậy, Công ty đã hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch LNST cả năm. MWG đạt kỷ lục doanh thu mới trong quý 1/2022, tăng 18% so với cùng kỳ và tăng 2% so với quý 4/2021.

Trong quý này, Công ty ghi nhận LNST cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động, tăng trưởng 8% từ nền so sánh rất cao của quý 1/2021. So với quý trước, LNST của MWG không chênh lệch nhiều trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành đã giảm 30-40%. Biên lợi nhuận ròng đạt xấp xỉ 4%, phản ánh đúng chiến lược của Công ty ưu tiên các hoạt động đẩy mạnh thu hút khách hàng và tăng sản lượng tiêu thụ cho BHX.

Tuy nhiên, khi đánh giá nhanh MWG về quy mô tài sản, thành phần tài sản và mức độ cân đối thì MWG vẫn không thể “đẹp long lanh” như nhiều NĐT vẫn nghĩ. Vì, trong thành phần tài sản ngắn hạn tăng hơn 39% (từ 37.317 tỷ đồng lên thành 55.955 tỷ đồng) của MWG trong năm 2021 so với năm 2020 có: Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 43,6%; Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng đến 76%; Các khoản phải thu ngắn hạn tăng khoảng 98% và tồn kho tăng hơn 50% (từ 19.422 tỷ đồng lên thành 29.167 tỷ đồng).

Mới nhất, tồn kho của MWG lại tiếp tục tăng thêm 11,7% (từ 29.167 tỷ đồng lên thành 32.588 tỷ đồng), trong khi dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại có tỷ lệ rất thấp (chỉ khoảng 647 tỷ đồng), chiếm gần 2%.

Ngoài ra, bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ (31/3/2022 – 31/12/2021), MWG có tài sản ngắn hạn giảm 1%, còn khoảng 51.394 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 21%; Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (không phải lĩnh vực kinh doanh cốt lõi) giảm 18%, nhưng vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 11.672 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn giảm hơn 15,5%; Nợ ngắn hạn đã giảm 4,77%, còn khoảng 40.561 tỷ đồng.

Với lượng hàng tồn kho khổng lồ và các khoản nợ ngắn hạn lớn như thế, liệu MWG có chiếm trọn niềm tin của các NĐT? Trên thị trường chứng khoán, thống kê 20 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu MWG có 10 phiên là tăng giá và 10 phiên giảm giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới Di động tiếp tục tồn kho khổng lồ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO