Tây Ninh: Gần 20 năm bám đất chờ …công lý!

Sơn Võ| 13/06/2022 14:30

BVCL - Dù có trong tay nhiều chứng cứ xác thực sở hữu nhưng gần 20 năm qua bà Huỳnh Thị Bâu (ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) vẫn phải gánh chịu nỗi oan mất nhà, mất đất, cùng nỗi đau mất chồng.

Năm 1972, ông Huỳnh Văn Mành - Cha ruột của bà Huỳnh Thị Bâu (ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) - qua đời, để lại cho chị em bà một phần đất có diện tích 1.265m2 đất. Năm 1976, trên phần đất này, bà Bâu đã làm nhà, trồng cây lâu năm trên đất, sinh sống ổn định. Việc làm nhà của bà Bâu được chính quyền địa phương xác nhận.

Theo đơn khiếu nại của bà Bâu, ông Huỳnh Văn Đông, cháu ruột của bà, vì lòng tham đã tìm cách chiếm đoạt đất đai của bà. Ông Đông là cán bộ xã nên nắm rõ hiện trạng sử dụng đất của dân, của bà Bâu. Từ đó, ông Đông lập khống Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên mẹ ông, rồi lấy cớ là người thừa kế, đứng tên quyền sử dụng đất. Có giấy tờ trong tay, ông Đông khởi kiện bà Bâu mượn đất của cha mẹ ông không chịu trả lại!?

1(1).jpg

Bà Bâu tiều tụy sau 17 năm theo kiện

Qua hai phiên tòa cấp sơ, phúc thẩm, bà Bâu bị tuyên buộc tháo dỡ nhà, giao đất cho ông Đông. Năm 2006, sau cưỡng chế, gia đình bà Bâu đang sống trong yên lành bỗng chốc gặp thảm cảnh. Người chồng vì buồn đau, lâm bệnh chết, mẹ con bà Bâu sống ly tán…

Theo bà Bâu, suốt gần 20 năm qua bà đội đơn kêu cứu khắp nơi. Vụ việc chưa được thông qua hòa giải tại xã nhưng TAND huyện Trảng Bàng vẫn đưa ra xét xử. Tại các phiên tòa, ý kiến phản tố, mọi chứng cứ như chứng thư của chế độ cũ, biên lai thực hiện nghĩa vụ tài chính… không được xem xét thấu đáo. Thậm chí, từ ngày toà tuyên án là 18/7/2005 đến tận tháng 5/2022 bà Bâu mới được cung cấp bản sao bản án, tức 17 năm sau. Điều đó đẩy bà Bâu lâm vào cảnh mất quyền phản tố tại tòa.

thiet-ke-chua-co-ten.jpg

Nhiều giấy tờ liên quan mảnh đất bà Bâu vẫn giữ sau 20 năm

Dù được thi hành án từ năm 2006, nhưng ông Đông không ra mặt, công khai sử dụng phần đất này. Ông âm thầm tìm người gạ bán nhưng không ai mua, vì trong vùng ai. 

Sau 13 năm rao bán đất bất thành, năm 2017 ông Đông được Phòng Đăng ký đất đai huyện Trảng Bàng “giúp” thay đổi tên, hiệu, số thửa, số tờ bản đồ của khu đất bằng cách xác nhận “biến động” trên Giấy chứng nhận QSDĐ với lý do sai số thửa, sai số tờ bản đồ, giảm diện tích.

Việc làm này của Phòng Đăng ký đất đai huyện Trảng Bảng không nằm trong các trường hợp được quy định như chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất, trường hợp đăng ký hoặc xóa đăng ký thế chấp, trường hợp sạt lở tự nhiên… Ông Đông được ưu ái diện tích tăng lên với lý do được xác nhận là đo đạc 2 lần, nhưng thiếu diện tích (cấp sai).

3-1-.jpg

Bà Bâu nhận bản sao bản án sau… 17 năm

Liên quan đến việc kháng cáo Bản án sơ thẩm, bà Bâu cho biết, sau khi xét xử vì không có bản án nên bà nhờ đến luật sư làm đơn kháng án. Và tại toà phúc thẩm Viện Kiểm sát tỉnh vẫn không có kháng nghị dù chứng lý bà đưa ra tất rõ ràng.

Bà Bâu kể lại trong nước mắt: “Thời đó, vùng quê này còn hẻo lánh, tôi không biết bám víu vào đâu, nhờ luật sư thì họ bảo đã hết đường kêu cứu. Từ đó, tôi đã bỏ qua cơ hội thảo đơn gửi đến TAND cấp cao. Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn nuôi hy vọng oan sai của mình sẽ được nhen nhóm lại, nên liên tục gửi đơn kêu oan đến các cấp thẩm quyền”.

Cảm thông với tình cảnh bà Bâu, bà con trong vùng đã động viên bà giữ vững niềm tin, chờ ngày nỗi oan khiên được soi sáng. Và rồi, gần 20 năm đeo đuổi công lý, bà Huỳnh Thị Bâu đã nhận được thông báo của TAND cấp cao hướng dẫn bà hoàn chỉnh đơn, hồ sơ để tòa xem xét.

Dư luận quan tâm đến vụ án đang trông chờ một phán quyết cuối cùng của cơ quan tố tụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Gần 20 năm bám đất chờ …công lý!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO