Tây Ninh: Bất thường tờ di chúc lập ở tuổi… 107!

Mỹ Phước| 02/08/2022 15:53

BVCL - Người lập tờ di chúc là bà Nguyễn Thị Thay (sinh 1900, ngụ xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), vào năm 2007, khi đã 107 tuổi. Một năm sau, bà Thay qua đời và tờ di chúc bất thường này đã trở thành “bửu bối” cho người đòi chia di sản thừa kế…

Theo đơn khiếu nại của ông Hồ Văn Hải, trú tại ấp Phước Hòa, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, diện tích 590,7m2 đất mà gia đình ông đang sử dụng được bà ngoại là bà Nguyễn Thị Thay tặng cho vào năm 1992. Trên phần đất này, ông đã làm nhà, canh tác ổn định cho đến năm 2008 thì bất ngờ xảy ra tranh chấp.

1(2).jpeg
Ông Hồ Văn Hải và con gái buồn rầu vì không biết làm gì để giữ lại mảnh đất đã ở 30 năm nay

Việc tranh chấp bắt nguồn từ tờ di chúc được lập vào năm 2007, mang tên bà Nguyễn Thị Thay. Kèm theo tờ di chúc, bà Trương Thị Phần (con của bà Thay – dì của ông Hải) gửi đơn khiếu nại đến cấp thẩm quyền, với lý do phần đất ông Hải đang sử dụng là phần đất được mẹ bà cho trước đây, nay bà đã qua đời, yêu cầu được giải quyết theo di nguyện ghi trong di chúc.

Ngày 24/12/2008, UBND huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) ban hành Quyết định 3394/QĐ-UBND, chấp nhận đơn khiếu nại của bà Phần, công nhận tờ di chúc có “di nguyên”, “đất này đã chia cho bà Phần”. Quyết định cũng buộc ông Hải di dời nhà cửa, cây trồng chuyển về phần đất chia ra từ diện tích chung rộng 152,9m2, phần còn lại 437,8m2, giao lại cho bà Phần.

Sau đơn khiếu nại lên cấp tỉnh, ngày 30/11/2009, UBND tỉnh Tây Ninh ra Quyết định số 2474/QĐ-UBND, công nhận Quyết định 3394/QĐ-UBND của huyện Trảng Bàng, đồng thời bác đơn khiếu nại của ông Hải. Ngày 15/7/2015, UBND thị xã Trảng Bàng ban hành Quyết định số 2354/QĐ- UBND về việc cưỡng chế thi hành Quyết định 2474/QĐ-UBND của UBND tỉnh đối với ông Hải.

Không đồng ý với việc thi hành cưỡng chế, ông Hải gởi đơn đơn khởi kiện lên TAND thị xã Trảng Bàng. Cả hai phiên tòa hành chính cấp sơ và phúc thẩm đều bác đơn của ông Hải.

Ông Hải cho biết: “Khi bị thua kiện, gia đình tôi sống rất bất an. Từ năm 2016 đến cuối năm 2021, thấy không ai đả động gì nên tôi cũng mừng thầm, nhưng bất ngờ đoàn cán bộ thị xã đến nhà tôi để đo đạc, đòi cưỡng chế”.

2.png
Tờ “di chúc” bất thường được cho là bà Thay lập khi đã 107 tuổi

Bà Nguyễn Thị Thay, người được cho là lập tờ di chúc khi đã 107 tuổi, rồi mất một năm sau đó. Quan sát tờ di chúc, có thể nhận thấy dấu điểm chỉ là hai ngón trỏ như cố tình bôi thật nhiều mực nhằm làm nhòe dấu vân tay. Cuối tờ di chúc, cũng không có người làm chứng. Tại phần xác nhận, ghi tên và chữ ký của ông Trần Văn Thân, Trưởng ấp Phước Hoà ký xác nhận nhưng vào… ba tháng sau! Tờ di chúc gồm ba trang, không đánh số, cũng không nói rõ lập bao nhiêu bản.

Hồ sơ cho thấy, tờ di chúc có quá nhiều bất thường lại được UBND xã tổ chức hòa giải nhiều lần. Ông Nguyễn Thành Lập, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ thời đó “kêu gọi” hai bên chia đôi đất. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng cất công đo đạc, lên giải thửa, tổ chức đối thoại, cán bộ Thanh tra tỉnh, ông Phạm Công Chớ cũng quả quyết: “Anh Hải không có thiện chí hòa giải nên không thể hòa giải được”.

Về nội dung, tờ di chúc giao quyền phân chia di sản thừa kế cho ông Nguyễn Văn Đổng (em cùng cha khác mẹ với bà Thay). Do đó, người khiếu nại phân chia tài sản phải là ông Đổng. Tại Biên bản đối thoại ngày 13/5/2009, bà Phần và con trai là ông Trừ xác nhận, phần đất tranh chấp (đất ông Hải đang sử dụng), ông Trừ làm nhà vào khoảng năm 1977, 1978. Sau khi ông Trừ dời đi, năm 1990, ông Hải đến ở và canh tác.

3.jpeg
Biên lai đóng thuế đất hàng năm ông Hải còn lưu giữ

Tờ di chúc của bà Thay lập năm 2007 có nội dung: “Phần đất tôi cho cháu ngoại Hồ Thị Cương và Hồ Văn Hải thì quy định cụ thể lại mỗi đứa được 6 thước bề ngang. Còn lại tôi giao lại cho em tôi là Nguyễn Văn Đổng được trọn quyền sử dụng gìn giữ canh tác và thờ cúng cha mẹ ông bà”.

Tuy nhiên, khi xác định mốc thời gian, thời điểm sử dụng đất của các bên liên quan thì tại hai quyết định của thị xã Trảng Bàng và tỉnh Tây Ninh đều cho rằng “Bà Phần cho con là ông Trừ cất nhà ở. Năm 1992 - 1993, ông Trừ dời nhà. Năm 1995, ông Hải về cất nhà ở trên nền đất cũ của ông Trừ”.

Điều khá ngạc nhiên là tờ di chúc có hình thức lẫn nội dung chưa thể hiện đúng, đủ theo quy định của pháp luật thì lại được các cấp chính quyền công nhận, gây khiếu nại kéo dài. Cũng vì tờ di chúc này mà các cấp thẩm quyền đã “phớt lờ” nỗ lực chứng minh sự hợp pháp của người sử dụng là ông Hải, thông qua các biên lai đóng thuế khi ở trên mảnh đất, từ trước năm 1993.

Hiện tại, bà Trương Thị Phần (người đứng đơn khiếu nại) và ông Nguyễn Văn Đổng (người thừa hưởng di sản thừa kế) đều qua đời. Vậy việc tổ chức cưỡng chế, thi hành các quyết định nêu trên sẽ dừng hay tiếp tục? Và ai sẽ là người được giao quyền sử dụng mảnh đất mà 30 năm qua ông Hồ Văn Hải sinh sống và gìn giữ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Bất thường tờ di chúc lập ở tuổi… 107!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO