TAND tỉnh Bình Thuận: Quyết tâm xây dựng Tòa án độc lập

Huy Tâm| 25/03/2022 09:47

BVCL - Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Thuận vẫn chủ động xây dựng tòa án độc lập, theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp, nâng cao uy tín và bảo vệ quyền tư pháp…

Đẩy mạnh công tác hòa giải

Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận – Nguyễn Văn Thanh bước ra khỏi phòng tiếp dân lúc chiều muộn. Dù vậy, ông Thanh vẫn tươi cười, chào đón khách phương xa, rồi chia sẻ: “Ngoài TAND tỉnh ra, thì các TAND hai cấp trong tỉnh Bình Thuận đều bố trí phòng làm việc riêng để tiếp công dân. Hàng ngày, chúng tôi vẫn cử cán bộ tiếp công dân để tiếp nhận, xử lý đơn và ý kiến phản ánh của công dân”.

1-chanh-an-nguyen-van-thanh.jpg
Chánh án Nguyễn Văn Thanh

Theo ông Thanh, lãnh đạo TAND hai cấp tỉnh sẽ trực tiếp tiếp công dân thường xuyên và định kỳ hàng tháng. Từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021 bộ phận trực tiếp công dân thường xuyên đã tiếp trên 7.500 lượt công dân. Riêng lãnh đạo TAND tỉnh đã tiếp, trả lời trực tiếp 15 lượt công dân và được mở sổ sách theo dõi, ghi chép đầy đủ ý kiến phản ánh của công dân và kết quả giải quyết. Ngoài hình thức trực tiếp tiếp công dân, các đơn vị còn đặt hòm thư góp ý tại trụ sở để người dân thuận tiện tham gia phản ảnh ý kiến góp ý với cán bộ công chức và cơ quan tòa án.

Ngoài ra, trong các nhiệm vụ trọng tâm, TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận luôn chú trọng đến công tác hòa giải, qua đó đảm bảo việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, tỷ lệ hòa giải thành, công nhận thỏa thuận đạt 66,1% (3.984 vụ việc/5.893 vụ việc) tăng so với cùng kỳ 6,6%...

Trong năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, khó lường tại nhiều địa phương trong tỉnh. Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ hầu hết các đơn vị phải thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, tạm dừng, tạm hoãn hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ việc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án…

Vẫn đạt chỉ tiêu đề ra

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của TANDTC, các cấp ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh và huyện, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ công chức, người lao động TAND hai cấp nên các nhiệm vụ trọng tâm công tác tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/9/2021 TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận đã thụ lý 10.108 vụ việc, giải quyết 7.686 vụ việc, đạt tỷ lệ 76,4%. Bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 6,6 vụ việc/tháng. So với cùng kỳ năm 2020 thụ lý giảm 108 vụ, việc; Giải quyết giảm 1.013 vụ, việc (thụ lý 10.288 vụ việc, giải quyết 8.699 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,55%).

2-mot-phien-toa-so-tham.jpg
Một phiên tòa Sơ thẩm
3-nguoi-dan-theo-doi-phien-toa.jpg
Người dân theo dõi phiên tòa

Về xét xử án hình sự, TAND tỉnh Bình Thuận đã thụ lý 1.454 vụ - 2.163 bị cáo, giải quyết 1.307 vụ -1.876 bị cáo đạt tỷ lệ 89,9%. So với cùng kỳ năm 2020 thụ lý tăng 231 vụ, giải quyết tăng 131 vụ, tỷ lệ giải quyết giảm 6,3% (thụ lý 1.223 vụ, giải quyết 1.176 vụ, đạt tỷ lệ 96,2%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan 9,5 vụ, chiếm tỷ lệ 0,36%...

Năm 2021, công tác xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. TAND hai cấp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, nên hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng hạn định.

Chẳng hạn như các vụ án: Nguyễn Duy Hiển (6 bị cáo) - “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Nguyễn Thanh Tùng - “Giết người”, Mai Quốc Nam - “Giết người”, Hồ Hải Đăng - “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, Hồ Tấn Ý - “Mua bán trái phép chất ma túy”, Lê Thị Diệu Huyền - “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Lê Kim Luân - “Chống người thi hành công vụ”, Đào Minh Châu - “Chống người thi hành công vụ”, Trần Thị Ngọc Nữ - “Gây rối trật tự công cộng”.

Về giải quyết các án dân sự chung (Dân sự, Hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động), TAND hai cấp tỉnh Bình Thuận đã thụ lý 7.913 vụ, việc; Giải quyết 5.893 vụ, việc; Đạt tỷ lệ 74,5%. So với cùng kỳ năm 2020 thụ lý tăng 957 vụ, việc; Giải quyết giảm 191 vụ, việc; tỷ lệ giảm 8% (thụ lý 7.376 vụ, việc; Giải quyết 6.084 vụ, việc; Đạt tỷ lệ 82,5%). Các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan 42 vụ chiếm tỷ lệ 0,36%. Các vụ án về tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp về quyền sử dụng tài sản, vay mượn tài sản, đất đai, tài sản gắn liền với đất đai liên quan đến các giao dịch đặt cọc, chuyển nhượng tài sản, thừa kế di sản; Đòi lại tài sản.

Công tác giải quyết án hành chính; Công tác giải quyết yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản; Xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án; Thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Thi hành án hình sự… cơ bản vẫn đạt chỉ tiêu đề ra.

4-hoi-nghi-cong-chuc-nguoi-lao-dong.jpg
Hội nghị công chức, người lao động

Tuy vậy, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết án hành chính và án dân sự chưa đáp ứng chỉ tiêu Quốc hội và TANDTC đề ra; Tiến độ giải quyết yêu cầu phá sản còn chậm. Một số vi phạm trong việc giải quyết các vụ việc vẫn chưa được khắc phục triệt để tại một số đơn vị như: Chưa khắc phục vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; Chậm chuyển hồ sơ vụ việc và văn bản tố tụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Đội ngũ công chức TAND hai cấp còn thiếu một số chức danh tư pháp, nhất là Thẩm phán và thư ký; Số lượng biên chế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu; Cơ sở vật chất còn yếu và thiếu…

Chánh án Nguyễn Văn Thanh khẳng định, dù điều kiện còn khó khăn, nhưng TAND tỉnh Bình Thuận sẽ chủ động thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Ban cán sự đảng và Chỉ thị của Chánh án TANDTC về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; Đồng thời xây dựng tòa án độc lập, theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp, nâng cao uy tín và bảo vệ quyền tư pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Bình Thuận: Quyết tâm xây dựng Tòa án độc lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO