Rao bán vaccine Covid-19 giả có thể bị xử phạt tù chung thân hoặc tử hình

Thu Trang| 26/06/2021 10:48

BVCL - Lợi dụng lúc người dân lo lắng vì dịch Covid-19 lây lan ngoài cộng đồng với số ca nhiễm tăng cao, nhiều kẻ đã chào bán vaccine phòng Covid-19 giả nhằm trục lợi. Đây là hành vi đáng bị lên án và cần xử lý nghiêm.

Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng ngoài cộng đồng với chủng virus mới khiến người dân thấp thỏm lo âu. Nỗ lực dập dịch của cả hệ thống chính trị cũng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Trước tình hình này, tâm lý chung của tất cả người dân là sớm được tiêm phòng vaccine Covid-19 để phòng, chống dịch và giảm bớt rủi ro cho bản thân, gia đình cũng như xã hội.

anh-1.jpg
Dự kiến Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân

Hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo liên tục, sâu sát, quyết liệt, yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất, tiêm phòng cho người dân.

  Theo mục tiêu đề ra, Việt Nam cần đảm bảo vaccine tiêm chủng trong năm 2021 và cho những năm tiếp theo. Bộ Y tế đã tính toán và đưa ra số lượng dự kiến cần khoảng 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu dân.

Ngày 7/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2022. Thành phố phấn đấu có 95% đối tượng nguy cơ và người dân trên địa bàn Thủ đô được tiêm chủng đủ mũi vaccine phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ vaccine. Để triển khai kế hoạch này, Hà Nội huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các cơ sở y tế trên toàn thành phố, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Còn tại TP.HCM, Sở Y tế đã triển khai đợt tiêm vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 1.000 điểm tiêm trên địa bàn.

anh-2.jpeg
Để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh bị “tiền mất tật mang” người dân nên tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành khác trên cả nước như Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng… cũng đang trong quá trình tiến hành tiêm phòng vaccine Covid-19. Tính đến ngày 18/6, Việt Nam đã tiêm hơn 1.991.059 liều vaccine phòng Covid-19.

Thế nhưng, do nguồn cung vaccine khan hiếm, cùng với việc tiêm chủng diện rộng, toàn dân cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng nên số lượng người dân chưa được tiêm vaccine còn rất lớn. Lợi dụng thời điểm "nhạy cảm" này, một số tổ chức, cá nhân tự nhận đã tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất hoặc mua lại từ một số nơi có nguồn dư để mưu đồ trục lợi.

Các đối tượng này tiếp cận và mời người dân đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 qua những hình thức quảng bá khác nhau như trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác.

Trao đổi với Báo Công lý, luật sư Nguyễn Thị Phương Lan – Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay, các loại vaccine phòng Covid-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ có Bộ Y tế mới được phép giao dịch, nhập khẩu vaccine về nước để phân phối và tiêm chủng cho người dân. Ngay cả các cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine như Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cũng khẳng định không bán cho các tổ chức và cá nhân.

anh-3.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Phương Lan – Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Theo Luật sư Lan, vaccine là thuốc chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch được dùng với mục đích phòng bệnh, chữa bệnh (định nghĩa về vaccine theo khoản 13 Điều 2 Luật Dược năm 2016).

Hành vi sản xuất hay buôn bán vaccine tùy theo mức độ gây thiệt hại có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế gấp hai lần so với mức xử phạt tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này là từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi sản xuất, buôn bán vaccine với mục đích thu lợi bất chính, xâm phạm tới trật tự quản lý kinh tế có thể cấu thành "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", mức phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 194 BLHS 2015).

Luật sư Lan giải thích, việc tạo ra vaccine giả phòng dịch Covid-19 là tình tiết tăng nặng tội danh trách nhiệm hình sự do lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (Điểm l Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015).

Ngoài ra, các cá nhân hay tổ chức biết vaccine giả mà vẫn lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để lừa dối, chào bán cho người mua... với mục đích chiếm đoạt tài sản, xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản của người mua thì hành vi này có thể cấu thành "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo Điểm c Khoản 3 Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

"Đồng thời, những người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, trong đó phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 5 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017)" – Luật sư Lan nói thêm.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 thông qua các hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi... và chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép.

Người dân tuyệt đối không được tự ý tiêm chủng những loại vaccine phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rao bán vaccine Covid-19 giả có thể bị xử phạt tù chung thân hoặc tử hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO