Phú Quốc: Khu bảo tồn biển tại ấp Cây Sao bị xâm hại nghiêm trọng

Tâm Phúc| 13/08/2022 16:14

Khu lưu trú nghỉ dưỡng ngang nhiên hình thành trên khu vực bảo tồn biển, thậm chí chủ đầu tư còn đổ bê tông lấn biển, từ đó xây dựng các công trình nhà nghỉ, nhà ăn… làm cầu bắc ra các mỏm đá được cải tạo như những hòn đảo nhân tạo để du khách đi qua.

Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh về tình trạng một số nhà hàng xây dựng các khu lưu trú nghỉ dưỡng (bungalow) trên khu vực bảo tồn biển tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã có mặt tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, để ghi nhận tình trạng này.

Tại tuyến đường Tỉnh lộ 48 thuộc địa phận ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, có khoảng 4-5 nhà hàng, khu lưu trú nghỉ dưỡng xây dựng các bungalow trên khu vực bảo tồn biển. Các bungalow được xây dựng khá kiên cố, để đi ra các bungalow này, khách hàng sẽ phải đi trên các cây cầu dài hàng trăm mét nối từ khu lưu trú nghỉ dưỡng ra biển. Nhìn vào các bungalow này có thể thấy đây thực sự là những “khách sạn” thu nhỏ trên biển, điều đáng nói là chúng được xây dựng và đi vào hoạt động trên khu vực bảo tồn biển.

khu-bao-ton-bien-tai-ap-cay-sao-a1.jpg
Các bungalow hình thành trên khu vực bảo tồn biển tại ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc

Một người dân địa phương cho biết, chủ các khu lưu trú nghỉ dưỡng đã cho xây dựng các bungalow để kinh doanh dịch vụ du lịch, tất cả đều được xây dựng trên khu vực bảo tồn biển, nơi có nhiều loài động vật, sinh vật quý hiếm và ở đây vi phạm nhiều nhất là quán nhà bè cây sao.

Không chỉ là xây dựng các bungalow trên khu vực bảo tồn biển, một số chủ khu lưu trú nghỉ dưỡng, nhà hàng còn đổ bê tông lấn biển, từ đó xây dựng các công trình nhà nghỉ, nhà ăn… làm cầu bắc ra các mỏm đá được cải tạo như những hòn đảo nhân tạo. Tất cả đã và đang vi phạm nghiêm trọng khu vực bảo tồn biển.

khu-bao-ton-bien-tai-ap-cay-sao-a2.jpg
Ngang nhiên lấn biển, xây dựng công trình ngay trên khu vực bảo tồn biển

Theo quyết định của UBND tỉnh Kiên Giang, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc có tổng diện tích 40.909,47 ha thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc, gồm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái; Phân khu dịch vụ – hành chính; Phân khu vùng đệm.

Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.087,37 ha gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thảm cỏ biển 6.658,5 ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc, giới hạn từ phía Nam cảng Đá Chồng đến mũi Cây Sao, cách bờ 0,5 km trở ra phía biển 7 km; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô 428,87 ha ở phía Nam đảo Phú Quốc, giới hạn bởi các mốc tọa độ quanh các đảo Hòn Vang, Hòn Xưởng, Hòn Móng Tay, Hòn Gầm Ghì, Hòn Vông, phía Nam Hòn Mây Rút trong, Hòn Trang được giới hạn từ bờ đảo ra phía biển từ 100 – 500 m, riêng phía Tây Hòn Vang ra phía biển khoảng 800 m.

khu-bao-ton-bien-tai-ap-cay-sao-a3.jpg
Bungalow của quán Nhà Bè Cây Sao hình thành trên khu bảo tồn biển như những “khách sạn”

Phân khu phục hồi sinh thái 11.537,51 ha gồm: phân khu phục hồi sinh thái thảm cỏ biển 11.362,83 ha với 2 khu vực chính nằm ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc; phân khu phục hồi sinh thái rạn san hô 174.68 ha nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, gồm khu vực qua các mốc tọa độ nằm phía Tây – Tây Nam Hòn Rõi, phía Bắc Hòn Thơm; các khu vực nằm xen kẽ với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Hòn Vang, Hòn Xưởng, Hòn Móng Tay, Hòn Gầm Ghì, Hòn Vông và phía Bắc Hòn Mây Rút trong từ bờ đảo ra phía ngoài 84 – 120 m tùy từng vị trí.

Phân khu dịch vụ – hành chính 9.817,02 ha gồm: phân khu dịch vụ – hành chính thảm cỏ biển 1.212 ha ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc, là khu vực từ bờ đảo ra phía biển 0,2 km qua các mốc tọa độ từ Mũi Dương (Bãi Thơm) đến phía Bắc cảng Đá Chồng và 0,5 km từ phía Nam cảng Đá Chồng xuống đến phía Bắc cầu Cảng vận tải hành khách Bãi Vòng; phân khu dịch vụ – hành chính rạn san hô 8.605,02 ha, ở phía Nam đảo Phú Quốc, gồm phạm vi diện tích mặt nước các luồng tàu từ ngoài vào trong bờ qua các mốc tọa độ tại Hòn Vang, Hòn Xưởng, Hòn Gầm Ghì, Hòn Vông và Hòn Mây Rút trong cùng với khu vực biển bao quanh bên ngoài phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của các đảo phía nam An Thới…

khu-bao-ton-bien-tai-ap-cay-sao-a4.jpg
Các công trình vi phạm có quy mô lớn, gây bức xúc dư luận

Khu bảo tồn biển Phú Quốc còn thiết lập vùng đệm 12.467,57 ha nhằm hạn chế các tác động trực tiếp của các hoạt động kinh tế – xã hội từ bên ngoài vào vùng bảo tồn san hô và thảm cỏ biển.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc là loại hình bảo tồn loài, sinh cảnh với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài động, thực vật quý hiếm với được các tổ chức quốc tế đưa vào sách đỏ như Dugong (bò biển), rùa biển và cá heo.

Mặc dù được quy định rõ ràng và được bảo tồn, bảo vệ, thế nhưng một thực tế đáng buồn là Khu bảo tồn biển Phú Quốc đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi một loạt các bungalow, nhà hàng… hàng ngày vẫn thường xuyên đón du khách ra tham quan, nghỉ dưỡng. Theo người dân địa phương, các vi phạm ở ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa bị xử lý, cưỡng chế.

vuon-quoc-gia.jpg
Trụ sở Vườn Quốc gia Phú Quốc

Trách nhiệm của chính quyền địa phương, Vườn Quốc gia Phú Quốc ở đâu trước việc khu bảo tồn biển bị xâm hại nghiêm trọng? Có hay không tình trạng buông lỏng quản lý? Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã liên hệ Vườn Quốc gia Phú Quốc đề nghị phối hợp cung cấp thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Quốc: Khu bảo tồn biển tại ấp Cây Sao bị xâm hại nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO