Những “tỷ phú”… cá ngừ!

Đức Hồ | 02/12/2020 18:46

BVCL - Để có được cơ ngơi nguy nga, tráng lệ cho vợ con nơi đất liền như hiện tại, nhiều ngư dân ở xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phải vất vả mưu sinh với nghề săn cá ngừ đại dương, thậm chí họ “đánh cược” số mạng với biển khơi.

Làng biển lên đời

Chúng tôi đặt chân đến các làng biển Thiện Chánh, Tân Thành 2… ở xã Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay ở vùng đất này.

Nếu cách đây chỉ hơn 10 năm, ở xã Tam Quan Bắc chỉ là làng chài nghèo ven biển, cuộc sống người dân thiếu thốn, xơ xác hàng quán, thì giờ đây đã trở nên giàu có, sung túc. Đáng kinh ngạc hơn, nhiều tỷ phú trẻ bất ngờ xuất hiện, các nhà lầu, “biệt phủ” tiền tỷ mọc chen chúc nhau, cửa hiệu lớn khắp nơi, cuộc sống thịnh vượng trải dài, tô điểm sự đổi thay ở vùng quê ven biển. Theo người dân địa phương, những nhà cao tầng đồ sộ đều là của thợ câu cá ngừ đại dương. Có những thợ câu cá ngừ bây giờ đã mở cửa hàng, công ty thủy sản, xưởng đóng tàu hoặc sở hữu cả đội tàu câu cá ngừ nhiều chiếc với hàng chục, hàng trăm lao động.

tp-ca-ngu-1-w1000-h509.JPG

Ngư dân neo đậu tàu thuyền ở xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Vùng đất Tam Quan Bắc được xem là 1 trong những cái nôi nuôi dưỡng các dòng tộc có truyền thống đi biển lâu đời ở tỉnh Bình Định, có gia đình đã 5-6 thế hệ nối tiếp nhau vươn khơi. Hiếm khi người trong làng chê biển nghèo nàn, vùng quê lạc hậu, mà phải đi tha phương cầu thực. Khẩu hiệu “bám biển, giữ vững ngư trường” đã trở thành khí chất truyền thống của dân làng, hành trình mưu sinh của họ khởi nguồn từ đất liền ra đại dương, cần mẫn đánh bắt rồi mang của cải, lộc biển về lại đất liền làm giàu.        

Theo lời kể của ông Nguyễn Huy Thọ - Trưởng thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, nổi tiếng trong thôn với nghề câu cá ngừ đại dương là các dòng tộc mang họ Kiệt, La, Nguyễn, Phan, đây là những dòng tộc có truyền thống nghề biển đã có 5-6 thế hệ nối tiếp nhau vươn khơi. Trước đây, toàn thôn chỉ có khoảng 30 tàu cá với công suất nhỏ, nhờ nghề câu cá nhám mà đông đảo người dân trong làng có của ăn của để, sắm sửa thêm tàu. Vi cá nhám thời đó thì có giá trị rất cao, được ước tính bằng bằng những lượng vàng. Tuy nhiên, vào khoảng đầu năm 1994, bỗng dưng cá nhám vắng bóng, ngư dân trong làng không mặn mà săn bắt nữa. Cùng lúc đó, cá ngừ đại dương lại được thị trường “ăn” mạnh bởi có hướng đi xuất khẩu. Vậy là họ chạy dọc các làng biển miền Trung để học nghề câu cá ngừ đại dương.

tp-ca-ngu-1-w1000-h509.JPG

Làng ven biển xã Tam Quan Bắc trở nên trù phú, nhà cao tầng san sát nhau nhờ nghề câu cá ngừ đại dương

Ông Thọ cho biết, nghề câu cá ngừ đại dương đã giúp nhiều gia đình trở nên giàu có, bộ mặt của thôn xóm thay đổi chóng mặt, lột xác nhanh như “vũ bão”. Thôn Tân Thành 2 có 563 hộ dân nhưng có gần 200 hộ là sở hữu tàu cá công suất lớn với 197 chiếc. Hàng loạt nhà cao tầng mọc lên, xe hơi được sắm sửa… cũng xuất phát từ nghề câu cá ngừ đại dương.

“Ban đầu, một số chiếc tàu cá có điều kiện đã đi tiên phong học nghề ở tận Nha Trang, Khánh Hòa và sau khi thành thạo được kỹ năng, họ chỉ dẫn cho các ngư dân còn lại trong thôn. Không ai giấu giếm bí kíp gì cả, nhờ vậy nghề câu cá ngừ đại dương ngày càng phổ biến trong làng. Cái tình cái nghĩa đã sinh ra sự giàu có phồn thịnh, và tình làng nghĩa xóm vẫn cứ đậm đà qua năm tháng”, ông Thọ cho hay.

tp-ca-ngu-1-w1000-h509.JPG

Ông Nguyễn Văn Cước (66 tuổi, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc), ngư dân có tuổi nghề câu cá ngừ đại dương cứng cỏi trong vùng

Sinh nghề, tử nghiệp

Theo lời kể của ngư dân, tàu câu cá ngừ đại dương được trang bị không quá cầu kỳ, tuy nhiên nó lại đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ người săn loài cá đặc biệt này. Hành trang mang theo là chiếc cần câu làm bằng tre, dây cước và lưỡi câu phải lớn như chiếc đũa.

Thường thì tàu ra biển từ 5 đến hơn 10 ngư dân, mỗi chuyến kéo dài từ 20 - 24 ngày.  Các ngư dân trong làng cho biết, thợ câu đi săn quanh năm và chia ra làm 2 đợt từ tháng 4 đến tháng 8, câu ở vùng biển Trường Sa, tháng 8 đến tháng 4 năm sau (vụ chính), câu ở vùng biển Hoàng Sa.

Đứng cạnh căn nhà cao tầng được xây dựng cách đây vài năm, ông Nguyễn Văn Sang (55 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc) cho biết, đây là thành quả hàng chục năm ròng rã lênh đênh trên biển, xa vợ xa con để mưu sinh với nghề câu cá ngừ đại dương. Hiện tại, ông Sang đang sở hữu 2 con tàu tiền tỷ mang số hiệu BĐ 96266 TS 420CV và BĐ 96716TS 420CV, giải quyết lao động cho 10 người dân địa phương.

tp-ca-ngu-1-w1000-h509.JPG

Bà Ngô Thị Mỹ Đức (61 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc) chưa nguôi nỗi nhớ con trai mất tích trên biển trong chuyến câu cá ngừ đại dương cách đây 6 tháng

“Tôi đi biển từ năm 23 tuổi, thời điểm ấy ở vùng đất này thanh niên trai tráng không đi học hành xa thì chủ yếu là kiếm sống trên biển. Nghề câu cá ngừ đại dương không những làm thay đổi cuộc sống của người dân mà còn tạo điều kiện, kéo theo nhiều nghề khác cùng phát triển, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương”, ông Sang nói.

Theo ông Sang, để có được cơ ngơi như hôm nay, ông cùng nhiều ngư dân trong vùng phải trải qua rất nhiều khó khăn, thậm chí suýt mất mạng trên biển. Số lần gặp nạn không đếm hết, nhiều trường hợp gặp nạn bất ngờ, mất tích trên biển, nhiều năm vẫn không tìm thấy tung tích đã trở thành nỗi ám ảnh cho người đi biển.  “Việc mưu sinh trên biển giờ gặp quá nhiều khó khăn, phí tổn cao nhưng giá cá lại quá thấp, trong khi đó thời tiết thất thường, mưa bão liên tục. Ở ngư trường cá ít dần nên xuất hiện tình trạng các tàu cá gây hấn, tranh giành vùng biển”, ông Sang chia sẻ.

Chúng tôi đến căn nhà của ông Nguyễn Văn Cước (66 tuổi, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc), một ngư dân có tuổi nghề câu cá ngừ đại dương cứng cỏi trong vùng. Theo ông Cước, nghề câu cá ngừ đại dương đã giúp cuộc sống gia đình ông khấm khá, không còn cảnh lo chạy đói, chạy khát. Nhưng cũng chính nghề này, đã giữ đứa con trai Nguyễn Minh Đệ (39 tuổi), cũng là “đồng nghiệp” của ông mãi mãi ở lại biển khơi. Từ nhỏ, ngư dân Đệ đã theo cha đi biển, cách đây 6 tháng anh chẳng may gặp nạn mất tích trên biển, để lại vợ và 2 đứa con, đứa lớn đang học lớp 8, đứa nhỏ thì mới chỉ học lớp 4.

tp-ca-ngu-1-w1000-h509.JPG

Góc đổi thay ở làng biển xã Tam Quan Bắc

Căn nhà khang trang ông Cước giờ đây trở nên hiu hắt, những ánh mắt con chờ cha, vợ mong chồng, cha mẹ ngóng tin con…từ lâu đã chìm trong vô vọng. Vì họ biết, những khắc nghiệt mà tai nạn nghề biển mang lại. Bản thân ông Cước mắc bệnh tim lâu năm, đã trải qua nhiều đợt phẫu thuật tim kèm với việc uống thuốc liên tục, nhưng tuổi cao đã khiến sức khỏe ngư dân này thuyên giảm. Ông Cước đã nghỉ đi biển từ 5 năm nay để lo sức khỏe, thế nhưng giờ đây đứa con trai là Nguyễn Minh Đệ mất tích, nhà không có người đi biển, ông Cước đành bấm bụng, liều mình cầm tàu vươn khơi.

“Tôi chỉ cố đi vài năm nữa rồi nghỉ, chứ giờ sức khỏe không có. Cá thưa, tìm bạn khó nhưng không đi biển thì không biết lấy gì nuôi cháu ăn học. Thôi đành gắng sức thêm vài năm, để nuôi nấng cháu nên người”, ông Cước tâm sự. Vợ ông Cước, bà Ngô Thị Mỹ Đức (61 tuổi) cũng đau ốm liên miên, cùng với việc nội trợ bà cũng chạy đôn, chạy đáo làm thêm kiếm tiền phụ cháu ăn học. “Mất của cũng được, chứ mất con nỗi đau đến tột cùng. Đã nhiều tháng trôi qua, tung tích về con trai tôi vẫn là con số 0 tròn trĩnh, gia đình đã lập bàn thờ để hương khói, nghề biển mang lại giàu có, đổi thay cuộc sống nhưng những ai gặp nạn trên biển thì nó nghiệt ngã, đau xót lắm”, bà Đức nói trong nước mắt.

Ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: “Những túp lều lụp xụp, căn nhà hoang mốc ở xã Tam Quan Bắc, giờ đây chỉ là kí ức xa xưa của người dân trong làng. Cuộc sống người dân trở nên khấm khá, phồn thịnh hơn, nhiều tỷ phú trẻ nhờ vào nghề câu cá ngừ đại dương. Không hề ngoa khi nói rằng, xã Tam Quan Bắc là địa phương có đội tàu đông nhất Đông Nam Á. Chính quyền địa phương luôn luôn tạo mọi điều kiện, sát cánh cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt, giữ vững ngư trường”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “tỷ phú”… cá ngừ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO