Nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến đấu thầu, nguyên nhân do đâu?

Hồng Huê| 17/08/2021 12:26

BVCL - Thời gian gần đây, rất nhiều nhà thầu và chủ đầu tư bị cơ quan Công an khởi tố do có các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân được cho là Luật Đấu thầu hiện vẫn còn “kẽ hở”, để các đối tượng lợi dụng trong quá trình tổ chức hoạt động đấu thầu.

Hàng loạt các vụ sai phạm đấu thầu bị khởi tố

Ngày 16/7, Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá.

Các đối tượng bị khởi tố gồm Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở; Trịnh Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính; Nguyễn Văn Phụng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính kiêm Kế toán trưởng; Bùi Trí Thức, Chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tài chính; Lê Văn Cương, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính.

vi-pham-luat-dau-thau.jpg
Bị can Phạm Thị Hằng (trái) cùng các đồng phạm. Ảnh Bộ Công an cung cấp

Trước đó, ngày 13/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, đối với 7 bị can. Có 4 bị can của Bệnh viện Tim Hà Nội gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó Giám đốc; Nguyễn Thị Dung Hạnh, nguyên Kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư; Nghiêm Tuấn Linh, nguyên Phó Trưởng phòng Vật tư.

Cùng tội danh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố bị can đối với Trần Phú Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Thẩm định viên; Nguyễn Trung Dũng, Chuyên viên thẩm định Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam.

vi-pham-luat-dau-thau2.jpg
Nhiều nguyên lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố. Ảnh Bộ Công an

Gần đây nhất ngày 27/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố bị can Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

vi-pham-luat-dau-thau3.jpg
Bị can Nguyễn Đức Chung

Ngoài ra còn rất nhiều vụ án khác đã được cơ quan Công an khởi tố như: Ngày 2/7, Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố 10 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó có Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trang thiết bị y tế Hà Tĩnh và một số lãnh đạo của bệnh viện huyện ở Hà Tĩnh.

Trước đó, ngày 1/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ. Ngày 12/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 10 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội…

Những kẽ hở trong quy định của luật

Từ thực tiễn các vụ việc vi phạm, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, ở đây có 2 vấn đề mà các nhà làm luật phải quan tâm.

Thứ nhất là, hiện nay khâu thẩm định, trong đó có thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn rất nhiều bất cập, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định quá lớn, trong khi đó lại không có quy định nào về hậu kiểm kết quả thẩm định.

Để công tác thẩm định giá công khai, minh bạch, hệ thống dữ liệu về giá quốc gia phải được xây dựng đồng bộ và đầy đủ, đặc biệt là dữ liệu về giá nhập khẩu, ngoài ra cần có các quy định về tỷ lệ lợi nhuận cho phép đối với các công ty thương mại để các công ty thẩm định giá có cơ sở xác định giá theo phương pháp chi phí, không phải chỉ theo phương pháp so sánh.

Thứ hai, hình thức “chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 quy định rõ các trường hợp được chỉ định thầu như sau: Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách; chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn. Song vẫn có không ít chủ đầu tư tìm mọi cách cố tình vi phạm quy định này để nhằm mục đích trục lợi bất chính.

Trao đổi về các hành vi vi phạm trong đấu thầu, luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, các hành vi của nhà thầu và chủ đầu tư được xác định có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu sẽ là cơ sở để khởi tố vụ án. Tuy nhiên, với những vụ án như thế này, cơ quan điều tra còn có thể xem xét đến hành vi, sự liên quan của các cá nhân đã bị khởi tố với các chủ thể khác để xem ngoài hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có hành vi vi phạm nào khác hay không? Cụ thể như có chuyện đưa và nhận hối lộ hay không để làm sai lệch, làm trái trình tự đấu thầu, rồi có dấu hiệu tham ô tài sản? Khi đó, trên cơ sở các chứng cứ, vụ án có thể xem xét đến các hành vi khác nếu các hành vi vi phạm đó độc lập với hành vi đã khởi tố, do vậy ngoài tội danh đã khởi tố, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự đối với các hành vi khác thì có thể có những hoạt động điều tra mở rộng thêm.

“Để hạn chế những vi phạm trong hoạt động đấu thầu, theo tôi việc đầu tiên là cần xử lý nghiêm các sai phạm về đấu thầu, không để tình trạng chỉ xử lý hành chính hoặc kinh tế. Ngoài ra, cần siết lại các quy định về hệ thống cơ quan giám sát trực tiếp hoạt động đấu thầu và tăng trách nhiệm của việc giám sát này trong việc chi tiêu ngân sách cho đấu thầu. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng phó mặc cho các cơ quan chủ quản nguồn ngân sách trong các gói thầu mua sắm hàng hóa quan trọng mà không rà soát, giám sát một cách hiệu quả thì tiêu cực vẫn sẽ xảy ra. Luật Đấu thầu, Bộ luật Hình sự cũng cần bổ sung quy định để người chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động này nếu để xảy ra sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Cần chế tài như vậy thì mới đủ sức răn đe. Nếu có cơ chế kiếm soát ở khâu thực thi tốt, chúng ta không phải bị động đi xử lý những sai phạm đã xảy ra hậu quả rồi như hiện nay đang làm”, Luật sư Bình phân tích thêm.

Thời gian gần đây, các vụ việc vi phạm quy định trong đấu thầu liên quan đến thuốc, vật tư, thiết bị y tế nói riêng và hàng hóa nói chung đã khiến dư luận bức xúc, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Những vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn cản trở công tác phòng, chống dịch của các địa phương, gây ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Đã đến lúc cần cần mở rộng và “phục hồi” điều tra cả các vụ việc khác. Và cần siết lại các kẽ hở của Luật Đấu thầu 2013, tăng trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ, người đứng đầu các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vụ án nghiêm trọng liên quan đến đấu thầu, nguyên nhân do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO