Nét văn hóa độc đáo của người Thái trên đại ngàn Tây Nguyên

06/05/2022 11:46

BVCL - Không chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế, mà người dân tộc Thái từ tỉnh Thanh Hóa vào sinh sống tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) vẫn luôn lưu truyền, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của mình giữa đại ngàn Tây Nguyên. Họ luôn xem những nét văn hóa đó là“báu vật” giữa đại ngàn, cùng nhau gìn giữ.

anh-3-nguoi-thai.jpg
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, tổ chức chương trình, chính sách, hỗ trợ giúp bà con duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc

Tại thôn 9, xã Ia Tơi, huyện biên giới Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) có hơn 80% người dân tộc Thái đến từ tỉnh Thanh Hóa vào sinh sống, lập nghiệp.

Theo chia sẻ của người Thái nơi đây, vào năm 2009 vì điều kiện kinh tế tại quê hương Thanh Hóa quá khó khăn, người dân đã rời quê hương vào Kon Tum lập nghiệp, làm việc cho các Công ty cao su. Đến năm 2015, khi xã Ia Tơi được thành lập, bà con đã tập hợp nhau về xã để sinh sống và từ đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên được bà con duy trì.

Người Thái nơi đây vẫn luôn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của mình như: Múa xòe, múa sạp, biểu diễn văn nghệ, chơi các trò chơi tó lẹ, nén còn, cồng chiêng, khua luống… Họ coi những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình như “báu vật” được cha ông truyền lại và mỗi người phải có trách nhiệm gìn giữ, lưu truyền.

anh-1-nguoi-thai.jpg
Người Thái sinh sống trên địa bàn xã Ia Tơi thường xuyên tổ chức văn hóa, văn nghệ, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc

Đối với người dân tộc Thái thì “Kin chiêng boọc mạy” là lễ hội mang nhiều ý nghĩa tâm linh, thể hiện tấm lòng tôn kính tổ tiên, ông bà, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng được khỏe mạnh, bình an… Lễ “Kin Chiêng Boọc Mạy” là nét sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái sáng tạo từ lâu đời, được các thế hệ người Thái nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đến nay đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa khá hoàn chỉnh về nghệ thuật trình diễn.

Bên cạnh “Kin chiêng boọc mạy” thì người Thái còn có các điệu múa xòe, múa sạp từ lâu đã trở thành điểm riêng biệt, đặc sắc văn hóa truyền thống quý báu.

Chị Vi Thị Quyết (thôn 9, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) cho biết, bình thường ở thôn vào các dịp lễ, tết thường tổ chức các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ như trò chơi tó lẹ, nén còn, cồng chiêng, khua luống, múa xòe… đó là bản sắc của dân tộc Thái.

“Cách múa xòe khá đơn giản, người múa xòe sẽ nắm tay nhau đứng thành vòng tròn. Khi múa, nếu vòng đơn thì vòng xòe quay ngược chiều kim đồng hồ, nếu vòng xòe kép thì các vòng xòe quay ngược chiều nhau trông đẹp mắt. Nhạc cụ chính phục vụ múa xòe là trống”, chị Quyết cho biết.

Theo chị Quyết, vào các lễ hội như mừng lúa mới, dựng cây nêu hay một số lễ hội khác thì người Thái nơi đây đều tổ chức chu đáo, thể hiện đầy đủ, sinh động, đặc sắc từ khâu nghi thức cúng tế mang tính tâm linh, hình thức tổ chức vừa trang nghiêm vừa gần gũi đến nét đẹp trang phục, vốn quý âm nhạc truyền thống, các trò chơi dân gian...

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết, trong những năm gần đây, cộng đồng người Thái sinh sống trên địa bàn xã đã duy trì và phát huy rất tốt bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đối với trang phục truyền thống thì chỉ có vào lúc lễ hội, lễ cúng, công việc trọng đại của làng, của thôn thì người dân mới sử dụng đến.

Theo ông Quân, người Thái nơi đây thường xuyên tổ chức, duy trì các phong tục tập quán, lễ hội và các văn hóa truyền thống của dân tộc. Họ thường xuyên tham gia văn hóa văn nghệ, tổ chức các buổi giao lưu nhầm lưu truyền, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Những tiết mục như khua luống, cồng chiêng cũng được bà con khôi phục trở lại và duy trì thường xuyên.

anh-2-nguoi-thai.jpg
Những điệu múa của người Thái rất độc đáo, thu hút nhiều người dân đến chiêm ngưỡng

Để giúp bà con dân tộc Thái nói chung và các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, tổ chức chương trình, chính sách, hỗ trợ giúp bà con duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, góp phần làm phong phú và đa dạng thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét văn hóa độc đáo của người Thái trên đại ngàn Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO