Nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch: Xử phạt nghiêm người không đeo khẩu trang

Thu Trang | 17/06/2021 09:26

BVCL - Một trong những giải pháp phòng chống dịch lây nhiễm cộng đồng là thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn một số đối tượng lơ là chủ quan không thực hiện nghiêm khuyến cáo này cụ thể là không đeo khẩu trang nơi công cộng gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4 đến nay đã có hơn 8.260 ca mắc Covid-19 mới tại hơn 30 tỉnh thành, đây là một con số cho thấy tình hình phức tạp của dịch bệnh. Mặc dù vậy nhưng ở đâu đó, vẫn còn những trường hợp vô tư không đeo khẩu trang nơi công cộng, lơ là các quy định phòng chống dịch, gây bức xúc trong dư luận.

anh-1.jpg
Lực lượng chức năng tăng cường xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường, nhất là khi chủng virut mới có tốc độ lây lan chóng mặt với con số người mắc mới mỗi ngày hàng trăm ca và nhiều ổ dịch trong cộng đồng chưa được khoanh vùng, dập dịch. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã đồng loạt ra quân tuyên truyền, nhắc nhở và thậm chí xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhưng đâu đó vẫn còn có những đối tượng lơ là chủ quan, không chấp hành.

Mới đây nhất ngày 31/5, dư luận cả nước bức xúc với trường hợp của chị N.T.N (35 tuổi, tạm trú quận 4, TP HCM) dẫn theo bé gái vào cửa hàng tiện lợi trên đường Tôn Đản, phường 13, quận 4, TP.HCM để đóng tiền điện nhưng không đeo khẩu trang. Nhân viên cửa hàng tiện lợi đã nhắc nhở chị N. việc này. Tuy nhiên, chị N. không chấp hành và lớn tiếng, do đó nhân viên cửa hàng gọi báo Công an phường.

anh-2.jpg
Hình ảnh trong video chị N. không đeo khẩu trang khi bị nhắc nhở, còn lớn tiếng với lực lượng chức năng

Khi lực lượng chức năng có mặt để giải thích, vận động, nhắc nhở và yêu cầu chị N. xuất trình giấy tờ tùy thân, chị này không những không chấp hành, hợp tác mà còn to tiếng với công an và cán bộ phường. Lực lượng chức năng buộc phải đưa người này về phường để lập hồ sơ, xử lý.

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Trưởng Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân cần thực hiện tốt biện pháp 5K, trong đó đeo khẩu trang là một trong những biện pháp cần thiết.

"Do đó, khi đến nơi công cộng mà người dân không thực hiện việc đeo khẩu trang chính là hành vi vi phạm quy định của Bộ Y tế. Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng có thể bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP", luật sư Hoàng nhận định.

Luật sư Nguyễn Văn Hoàng thông tin thêm: "Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng tăng mức xử phạt đối với hành vi không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật. Hành vi này bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng"

Tuy nhiên, "Mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân", luật sư Hoàng nhấn mạnh.

anh-3.jpg
Luật sư Nguyễn Tiến Sơn, Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tiến Sơn, Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khuyến cáo: "Đeo khẩu trang nơi công cộng là bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đeo khẩu trang đạt hiệu quả nhất khi tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Khẩu trang phải che kín hoàn toàn mũi, miệng và vừa khít với hai bên mặt mà không có kẽ hở. Phải đeo khẩu trang bất cứ khi nào đi trên máy bay, xe buýt, tàu hỏa hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác".

"Tuy nhiên, khẩu trang không thay thế cho biện pháp cách ly giao tiếp xã hội. Do đó, bên cạnh đeo khẩu trang thì người dân ở địa phương có dịch cần phải tuân thủ quy định giãn cách. Đồng thời, rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng dung dịch sát trùng tay có ít nhất 60% cồn sau khi chạm vào hoặc tháo khẩu trang", luật sư Huy phân tích.

Liên quan hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt, luật sư Huy khuyến cáo: "Cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm soát, sớm phát hiện và xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Việc mua một chiếc khẩu trang khi đi ra đường sẽ rẻ hơn rất nhiều so với để bị xử phạt. Và quan trọng hơn là góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh".

Thiết nghĩ, cùng với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, người dân cũng cần phải nâng cao ý thức hơn nữa để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 đang đe dọa tới cuộc sống của tất cả chúng ta.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch: Xử phạt nghiêm người không đeo khẩu trang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO