Lương Sơn – Hòa Bình: Loạt sai phạm và những dấu hiệu tư lợi bất chính của lãnh đạo UBND xã Cao Sơn

Hà Linh | 15/04/2021 17:35

BVCL - Theo phản ánh của người dân, nhiều năm gần đây tại địa bàn xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng về quản lý trật tự xây dựng, đất đai. Tuy nhiên, chính quyền sở tại lại chưa quan tâm xử lý dứt điểm, thậm chí còn có dấu hiệu cố tình làm trái luật.

Vi phạm đất đai có tổ chức?

Xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cách trung tâm huyện không xa, hoạt động du lịch, công nghiệp, xây dựng khởi sắc nên thị trường đất đai cũng trở nên “nóng” hơn.

Phản ánh tới báo Công lý, người dân cho biết, vì nguyên nhân trên dẫn tới xuất hiện tình trạng nhiều cán bộ địa phương có dấu hiệu lấy đất công mang cấp hoặc cho thuê, chuyển đổi mục đích sai quy định, thậm chí là tư lợi cá nhân trái pháp luật.

lson4.jpg
Trụ sở UBND xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình

Cụ thể, theo đơn thư của một người dân, ông Đinh Công Hân - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cùng bố là ông Đinh Công Sỏn (nguyên cán bộ địa chính mới về hưu) đã lợi dụng chức vụ của mình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng tại đồi Hang Mái, xóm Đồng Lau, xã Cao Răm (nay là Cao Sơn) cho mình.

Theo đó, lãnh đạo xã này cấp 2 thửa đất gồm thửa số 595, tờ bản đồ 01, diện tích 32.615 m2 mang tên Đinh Công Hân; ngoài ra còn có thửa số 576, tờ bản đồ số 01 diện tích là 71.957m2 mang tên Hoàng Thị Xuân là mẹ đẻ ông Đinh Công Hân. Cả 2 thửa đất này đều thuộc Hang Mái, xóm Đồng Lau, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Trong khi, gia đình vị Chủ tịch UBND xã này ở xóm Hụi, trước đây chưa từng sử dụng các thửa đất trên và khi cấp bìa xong cũng không sử dụng mà bán sang tay, gây thất thoát tài nguyên, tiền của của nhà nước. Người dân cho rằng hành vi của Chủ tịch UBND xã Cao Sơn là lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân.

anh-5.jpg
Máy móc thiết bị vẫn được đưa vào khu Núi Nước Rút để san lấp mặt bằng, thi công công trình

Bên cạnh đó người dân cho biết, lãnh đạo xã Cao Sơn còn bán rẻ hàng nghìn m2 đất không qua đấu giá, không đúng quy định pháp luật. Cụ thể, Đinh Công Sỏn khi còn là địa chính xã đã liên kết với một số người dân bán đất tại khu vực ngã ba xóm Quê Sụ. Ông Sỏn đã làm thủ tục cấp đất cho 5 hộ, gồm thửa cho bà Sửu (bà Hiên), thửa cho bà Vân Niên, bà Tám Híp (nay đã chuyển cho hộ bà Hiệu) bà Hoa; bà Ngô Thị Bích. Tất cả các hộ này đều nộp số tiền cho UBND xã là trên 40 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền được chuyển về kho bạc chưa đến 15 triệu đồng. Số tiền còn lại vào túi ai không rõ.

Buông lỏng quản lý và hệ lụy

Hiện nay, vấn đề quản lý đất đai được tỉnh Hòa Bình và huyện Lương Sơn chỉ đạo triển khai đồng bộ đảm bảo đúng quy định pháp luật. Thế nhưng khi đi thực tế trên địa bàn xã Cao Sơn, PV nhận thấy tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng làm khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi gắn mác trang trại diễn ra tràn lan mà chính quyền xã không xử lý dứt điểm, gây bức xúc cho nhân dân.

lson3.jpg
Khu đất 4 hộ tự ý san lấp đất 2 lúa, đến nay vẫn chưa trả lại mặt bằng như lúc ban đầu

Như tại khu vực đồng suối Bối, xóm Cột Bài, xã Cao Sơn, có 4 hộ dân đã tự ý chuyển đổi đất hai vụ lúa sang đất ở, đất kinh doanh, đất trang trại, (điều này thể hiện ở một số biên bản xử phạt hành chính do UBND xã lập vào tháng 4/2021). Việc san lấp đất lúa không chỉ làm thu hẹp diện tích cây lương thực mà còn làm ô nhiễm môi trường, khiến hệ thông kênh mương thủy lợi bị phá vỡ, gây ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích sản xuất lúa xung quanh.

Tương tự tại khu vực Núi Nước Rút, Cao Răm, gần UBND xã Cao Sơn, một gia đình (trồng lúa, hoa màu) đã tự ý cho một số cá nhân san lấp, đổ bê tông xây dựng nhà ở, trang trại, phá hàng nghìn m2 đất chân núi mở đường để đi vào khu vực này.

lson2.jpg
Khu vực Núi Nước Rút, cách UBND xã 1km xuất hiện thành trạng đổ bê tông lên đất trồng lúc, phá núi làm đường đi vào

Tại thời điểm PV ghi nhận (ngày 13/4) máy múc, ô tô chở vật liệu rầm rộ ra vào khu vực này mà không có sự can thiệp của chính quyền. Một người dân tên L. ở đây cho biết: “Họ lấy danh nghĩa nuôi dê nhưng san lấp hàng nghìn m2 đất lúa, đất trồng màu để làm lán trại. Khu vực đất ven núi bị đào sới, khoét sâu vào chân núi, phá vỡ kết cấu địa hình. Chưa thấy dê đâu nhưng việc này đã hủy hoại môi trường, gây ra nguy cơ sạt lở cao, đe dọa tính mạng người dân”.

Qua tìm hiểu được biết, thời gian gần đây người dân ở khắp nơi đổ về mua đất trên địa bàn xã. Nhiều hộ có đất ruộng nhưng lại sang nhượng, cho thuê, ký hợp đồng… thậm chí là bán đứt để cho người khác xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Việc này nếu chính quyền xã không có giải pháp sẽ gây hệ lụy lớn, các sai phạm sẽ tạo ra tiền lệ xấu, người dân đua nhau vi phạm.

Nhằm làm rõ những thông tin phản ánh trên, PV đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc với ông Đinh Công Hân - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn nhưng vị này luôn cáo bận vì phải đi chữa bệnh.

PV đã tìm đến phòng địa chính của xã, nhưng một cán bộ địa chính xã tên Dũng luôn trả lời là mới nhận công tác không nắm được. Ông Dũng cũng xác nhận một số sai phạm đất đai ở xã là có và có lập biên bản, nhưng việc xử lý, chỉ đạo như thế nào chỉ có lãnh đạo xã mới biết.

lson1.jpg
Một số cá nhân san lấp, đổ bê tông xây dựng nhà ở, trang trại, phá hàng nghìn m2 đất chân núi

Theo tìm hiểu của PV, tại nhiều văn bản của tỉnh Hòa Bình và huyện Lương Sơn có yêu cầu chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm, tồn tại về đất đai, đặc biệt xử lý trật tự xây dựng, vi phạm môi trường, khoảng sát… tuy nhiên thực tế những gì ở xã Cao Sơn lại hoàn toàn khác.

Sự trốn tránh của lãnh đạo UBND xã khiến dư luận đang đặt câu hỏi, có hay không lãnh đạo xã Cao Sơn lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản nhà nước? Những cán bộ Đảng viên này có đang tư lợi cá nhân, thiếu minh bạch trong công tác quản lý tài sản công, đất đai?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương Sơn – Hòa Bình: Loạt sai phạm và những dấu hiệu tư lợi bất chính của lãnh đạo UBND xã Cao Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO