Lợi dụng dịch bệnh để buôn bán khẩu trang giả, có thể bị phạt tù lên đến 15 năm, phạt tiền 9 tỷ đồng

Thu Trang | 28/05/2021 16:40

BVCL - Nhiều đường dây sản xuất, buôn bán khẩu trang giả khẩu trang y tế bị triệt phá thời gian qua là những con sâu đang làm rầu nồi canh, trục lợi trên nỗi hoang mang của người dân và nỗ lực chống dịch của cộng đồng. Đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt lên đến 15 năm tù và phạt tiền đến 9 tỷ đồng.

Lợi dụng dịch bệnh “thừa nước đục thả câu”

Bắt đầu từ thời điểm dịch bùng phát cho đến thời điểm hiện tại, khẩu trang y tế là một trong các mặt hàng được tiêu thụ mạnh tại hầu hết các quốc gia trên thế giới không chỉ ở Việt Nam. Vì vậy, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng tình hình này để trục lợi bằng cách sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế giả.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở có hành vi làm giả, buôn bán khẩu trang y tế giả. Việc lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 để sản xuất và buôn bán khẩu trang y tế giả trục lợi là một hành vi đáng bị lên án. Bởi, ngoài việc xâm phạm quyền và lợi ích của người tiêu dùng thì việc sản xuất khẩu trang y tế giả, không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm đối với người dùng và làm cho nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh sẽ trở lên khó khăn hơn.

anh-1.jpg
Cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý nhiều xưởng sản xuất, buôn bán khẩu trang giả

Theo khuyến cáo của Bộ y tế, khẩu trang giả thường sử dụng những vật liệu vải kém chất lượng và không có lớp vải lọc kháng khuẩn. Do đó, sẽ không có tác dụng lọc bụi mịn và các giọt bắn chứa vi khuẩn, vi rút. Sử dụng khẩu trang giả sẽ dễ viêm phổi và đặc biệt là tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh về hô hấp, trong đó bao gồm cả dịch Covid-19.

Dù chưa có thống kê chính xác nhưng tính từ đợt dịch bùng phát đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý cả chục ngàn vụ liên quan tới sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không đảm bảo quy định trên toàn quốc.

Tiêu biểu nhất có thể kể đến vụ sản xuất khẩu trang giả bằng giấy vệ sinh gắn mác Tulip mà Đội quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện tại Công ty TNHH Việt Hàn (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong khu nhà xưởng rộng cả nghìn m2, hàng chục cuộn giấy vệ sinh khổ lớn được đặt vào dây chuyền sản xuất để cho ra những chiếc khẩu trang 4 lớp màu xanh.

Nhiều hộp bìa, thùng các tông, bao bì nhãn mác khẩu trang của các đơn vị sản xuất trong nước được tìm thấy tại đây. Trên tầng 2, hàng trăm cuộn giấy vệ sinh để trong những bao tải bụi bẩn, thậm chí có nhiều phân chuột.

anh-2-.jpg
Dây chuyền sản xuất khẩu trang kháng khuẩn bằng giấy vệ sinh của Công ty TNHH Việt Hàn

Mặc dù Công ty Việt Hàn không đăng ký ngành nghề thiết bị y tế, khẩu trang y tế. Doanh nghiệp này chỉ đăng ký hoạt động kinh doanh in, dịch vụ liên quan đến in, sản xuất, kinh doanh khăn giấy, giấy vệ sinh, chế biến thực phẩm... nhưng vì hám lợi nên lợi dụng tình hình dịch bệnh cơ sở này đã sản xuất khẩu trang y tế giả từ giấy vệ sinh để trục lợi.

Hay tại Nghệ An, lực lượng chức năng phát hiện trên 30.000 chiếc khẩu trang nhái mẫu mã của khẩu trang y tế 4 lớp nhưng không có lớp kháng khuẩn. Vì lợi nhuận, ông Bùi Văn Đại chủ nhân của 30.000 chiếc khẩu trang y tế giả đã biến lò mổ heo thành cơ sở sản xuất khẩu trang.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều cơ sở sản xuất hám lợi, quay lưng với sự nỗ lực của cộng đồng trong phòng, chống Covid-19 để trục lợi cho bản thân. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện hàng triệu khẩu trang y tế giả được nhập lậu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ, gây nhiễu loạn thị trường và làm ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch.

Có thể bị phạt tù 15 năm phạt tiền 9 tỷ đồng

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế cho rằng: Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều đối tượng đã cố tình sản xuất, buôn bán các loại khẩu trang giả, được gắn mác khẩu trang y tế nhưng lại không có lớp kháng khuẩn, không qua kiểm định chất lượng của Bộ Y tế. Hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế giả ngoài xâm phạm đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng thì việc không đáp ứng đủ tiêu chuẩn y tế sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh đối với người sử dụng. Những hành vi vi phạm này phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.

anh-3.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Hoàng – Văn phòng luật sư Minh Bạch Quốc Tế

Luật sư Hoàng phân tích, theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP của Chính Phủ, việc sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế (trong ngành y tế gọi là “khẩu trang phẫu thuật”) không tuân theo các điều kiện về sản xuất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với hành vi này, tùy theo tính chất mức độ, động cơ và giá trị trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Luật sư Nguyễn Văn Hoàng nêu quan điểm, mặc dù phát hiện nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang không đủ tiêu chuẩn với số lượng thu giữ lớn nhưng hầu hết các vụ việc mới chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa bị khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 192 BLHS năm 2015, sửa đổi 2017. Vì vậy nhiều người không biết, ngoài hình thức xử phạt hành chính thì tùy vào mức độ, tính chất hành vi các đối tượng này có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm hình sự tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo đó, người phạm tội buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 15 năm. Pháp nhân phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 09 tỷ đồng hoặc đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, khi cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân đang căng mình chống chọi với dịch bệnh thì đâu đó vẫn còn nhiều người thiếu ý thức vì trục lợi cho bản thân mà quay lưng lại với sự nỗ lực của cả cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch Cobid-19. Hành vi lợi dụng dịch bệnh để sản xuất, buôn bán khẩu trang giả khẩu trang y tế đáng bị lên án và cần trừng trị nghiêm khắc để góp phần răn đe tội phạm, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi dụng dịch bệnh để buôn bán khẩu trang giả, có thể bị phạt tù lên đến 15 năm, phạt tiền 9 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO