Liên quan đến Tòa nhà Citilight: Nhà đầu tư yêu cầu hợp tác bình đẳng trước pháp luật

Thái Đoàn| 25/10/2020 17:01

Theo dự kiến ngày 27/10, Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex sẽ gặp các nhà đầu tư để thông báo kết quả kiểm tra rà soát, hoạt động góp vốn đầu tư xây dựng và phân chia lợi nhuận liên quan tới tòa nhà Citilight số 45 Võ Thị Sáu, Quận 1, TPHCM.

1-vimedimex-w500-h666.jpg

Tòa nhà Citilight, 45 Võ Thị Sáu, Q.1, TP.HCM

Tòa nhà Citilight do Công ty Xuất nhập khẩu Y tế 2 tiền thân của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) làm chủ đầu tư, có quy mô 12 tầng nổi và 1 tầng hầm, tiêu chuẩn công trình cấp 2. Thế nhưng khi đi vào sử dụng, công trình xây dựng thêm tầng 14 không phép và vthuộc trường hợp phải bị tháo dỡ do sai quy hoạch xây dựng, vi phạm điểm d, Khoản 1, Điều 80 Luật xXây dựng năm 2003.

Các nhà đầu tư đã gửi đơn đến Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM về việc cấp GCN QSDĐ, QSHNƠ và các tài sản gắn liền với đất cho Vimedimex.  Theo đó, nguồn vốn để xây dựng tòa nhà có được từ việc vay tín dụng, vốn tự huy động. Tòa nhà này được khởi công xây dựng từ ngày 01/1/2004 và đưa vào sử dụng ngày 15/6/2007.

Tại buổi tiếp công dân diễn ra ngày 08/10/2020, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM cho biết, năm 2003, Sở Tài nguyên & Môi trường ký hợp đồng thuê đất với Công ty Xuất nhập khẩu Y tế 2 theo quy định Luật Đất Đai năm 2003 và Chỉ thị 245 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Tài nguyên & Môi trường đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành Quyết định 1488/QĐ-UBND cho Công ty Xuất nhập khẩu Y tế 2 thuê đất.

Đến năm 2006, Sở Tài nguyên & Môi trường cấp GCN QSDĐ cho Vimedimex theo hồ sơ cổ phần hóa, giấy chứng nhận cổ phần và căn cứ vào Quyết định 35/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.

Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM lại cho rằng, các công dân biết được Vimedimex thế chấp và có thỏa thuận cho phép công ty này thế chấp 30% nhưng không có thông tin đến cơ quan đăng ký thế chấp. Chính vì vậy nên chưa đủ căn cứ để cho rằng việc đăng ký thế chấp của Vimedimex là không đúng quy định.

2c-w500-h292.jpg

Các nhà đầu tư căng băng rôn đòi quyền lợi của mình

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh một nhà đầu tư bức xúc nói: “Hôm nay, chúng tôi đã trình bày về quyền sở hữu tài sản của mình, vậy Sở Tài nguyên & Môi trường sẽ giúp chúng tôi có biện pháp gì ngăn chặn để bào vệ quyền lợi chính đáng của chúng tôi bị thiệt hại. Người dân chúng tôi chỉ biết cầu cứu đến cơ quan chức năng nhưng không được hỗ trợ. Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục có hành động để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Tòa nhà Citilight có 68 nhà đầu tư góp vốn 70% và Vimedimex chỉ có 30%. Thế nhưng Sở Tài nguyên & Môi trường lại cấp GCN QSDĐ, QSDNƠ và tài sản gắn liền với đất cho Vimedimex. Từ tháng 12/2019 đến nay, Vimedimex ra thông báo dừng chi trả tiền cho các nhà đầu tư với lý do rà soát lại việc góp vốn đầu tư xây dựng Tòa nhà Citilight.

Thực tế này, Vimedimex đã gây thiệt hai cho các nhà đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Còn số tiền 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của tòa nhà (còn gọi là kết dư- PV) đã bị Vimedimex chiếm dụng, chuyển khỏi tài khoản của tòa nhà mà không hỏi ý kiến của cổ đông. 

Bà Lý Thị Thùy Trang một nhà đầu tư cho hay, trong cuộc gặp với chủ đầu tư sắp tới sẽ yêu cầu Vimedimex và các nhà đầu tư đều bình đẳng theo quy định pháp luật. Mọi quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh, sử dụng tài sản tòa nhà phải được sự đồng ý của hai bên mới được thực hiện. Tuyệt đối không bên nào được quyền có hành động đơn phương xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia. Tất cả những văn bản giao dịch như hợp đồng, phụ lục hợp đồng, quy chế, thông báo, công văn...có liên quan đến tài sản và hoạt đông của Tòa nhà Citilight  do các vị lãnh đạo tiền nhiệm ký đều có giá trị thực hiện đối với Vimedimex và các nhà đầu tư theo quy định pháp luật.

3-citilight-w449-h232.jpg

Căng băng rôn “tố” Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM cấp QSDĐ cho Vimedimex là trái quy định của pháp luật

Còn bà Lâm Thị Minh Hằng – nhà đầu tư cho rằng, trong quá trình quản lý hoạt động kinh doanh tòa nhà, Tổng Giám đốc cũng là Chủ tịch HĐQT của Vimedimex ban hành Quyết định số 910/QĐ-VM ngày 23/7/2012 về việc phê chuẩn quy chế hoạt động của Ban quản trị Citilight, do các nhà đầu tư thông qua ngày 27/6/2012. Quyết định số 1000/QĐ-VM ngày 20/9/2012 về việc phê chuẩn bổ sung Quy chế hoạt động của Ban quản trị Citilight. Cả 2 văn bản này được ban hành hợp pháp, chưa có văn bản nào thay thế theo quy định pháp luật, cần được tôn trọng thực hiện.

Ngoài ra, Ban Quản trị tòa nhà Citilight nhiệm kỳ 2018- 2021 gồm ông Nguyễn Minh Tính - Trưởng ban và 2 thành viên là ông Nguyễn Thành Đồng và ông Trần Quang Huy là những người đại diện cho các nhà đầu tư (bao gồm Vimedimex) thực hiện đúng quy chế, đến nay chưa có gì thay đổi. Do vậy, các thành viên hoặc đại diện Ban Quản trị tòa nhà, đương nhiên phải được mời dự cuộc họp ngày 27/10/2020 theo quy định pháp luật.

Cũng theo các nhà đầu tư, do tính chất quan trọng của cuộc họp, họ cầu người đại diện theo pháp luật của Vimedimex là người có thẩm quyền thay mặt tham dự. Bởi thời gian qua, khi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, quyền Tổng Giám đốc Phạm Thị Sen luôn tuyên bố không có thẩm quyền quyết định bất cứ vấn đề gì liên quan đến nhà đầu tư tòa nhà Citilightr. Mặt khác, bà Sen cũng là người ký ban hành văn bản tuyên bố truất quyền về tài sản tòa nhà Citilight của các nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên quan đến Tòa nhà Citilight: Nhà đầu tư yêu cầu hợp tác bình đẳng trước pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO