Leo thác khám phá núi rừng Ba Vì

T. Trang - T/h | 01/07/2021 10:41

BVCL - Khám phá các sinh vật trong rừng và trải nghiệm leo thác ở Thiên Sơn - Suối Ngà là gợi ý cho những người "cuồng chân" mùa hè này.

Đầu tháng 6/2021, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải (thường gọi là Hai Le Cao), 37 tuổi, có chuyến khám phá khu du lịch sinh thái Thiên Sơn - Suối Ngà, nằm trong khu rừng tự nhiên rộng 450 ha, thuộc xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội hơn 50 km về phía tây.

Khi Covid-19 diễn biến phức tạp thì Thiên Sơn - Suối Ngà với ba điểm khám phá là Hạ Sơn, Trung Sơn và Ngoạn Sơn là lựa chọn thích hợp vì gần mà vẫn được hòa mình với thiên nhiên.

Trên ảnh là "Vọng Lâu", nơi du khách ra ngắm cảnh và hồ nước xanh biếc ở Hạ Sơn. Khu này có phong cảnh non nước hữu tình và các con suối nhỏ, xung quanh là cỏ hoa khoe sắc.

Từ khu Hạ Sơn lên Trung Sơn là tuyến sinh thái rừng trải dài 1,5 km, du khách lắng nghe được tiếng chim hót và tiếng suối róc rách. Sau đó, Ngoạn Sơn gây ấn tượng với hồ nước xanh biếc và cầu dẫn ra hồ có hình cánh tay được thiết kế từ tre đan. Từ vị trí này, du khách phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh khu Thiên Sơn và dãy núi Ba Vì hùng vỹ.

Con bọ que (Phasmatodea) được tác giả ghi lại trong khu Thiên Sơn - Suối Ngà. Đây là một loài côn trùng thuộc nhóm động vật chân đốt hình dáng giống que, cành cây...

Do đi vào ngay lúc Covid-19, nên vắng khách, các hàng quán, dịch vụ vui chơi trong khu sinh thái đóng cửa, bù lại cả hai vợ chồng hưởng trọn vẹn không khí trong lành và sự hoang dã của thiên nhiên.

“Mọi thứ trong khu sinh thái còn hoang sơ, đặc biệt nhiều cây cối, suối, thác và đa dạng động vật hoang dã. Trong lúc đi vòng quanh chụp hình, tôi gặp nhiều loài chim, sóc và các loại côn trùng. Ngoài ra, còn bắt gặp mèo rừng và kỳ nhông ra tắm nắng”.

Một con rắn nhỏ thuộc họ rắn nước (Chironius exoletus) bò ngang lọt vào ống kính của tác giả.

Anh Lê Cao Hải kể: "Tôi rất thích thú và bị cuốn vào thế giới sinh vật, đi hết cả vòng rừng tầm 7 km mà vẫn háo hức. Đúng là chỉ khi chậm lại ta mới thấy được những sự thú vị nhỏ bé và đáng yêu xung quanh”.

Toàn cảnh thác chảy qua rừng nguyên sinh bạt ngàn. Sau khi khám phá các sinh vật, nhiếp ảnh gia cùng chuyên gia hang động Việt Nam, anh Toàn Lãnh dành một ngày trekking leo và đu dây xuống trở lại tại một con thác cao 80 m trong rừng Thiên Sơn - Suối Ngà. Hôm trekking leo thác có độ ẩm cao và trời sắp mưa càng làm trải nghiệm thú vị hơn.

Khu vực chân thác, nơi có các cây to với bộ rễ bám vào tảng đá lớn. Quá trình leo người leo thường phải cột dây vào cây ven đường làm dấu mốc để tránh lạc đường.

Môn leo thác này không dành cho người sợ độ cao và người có tiền sử bệnh tim mạch. Anh Toàn Lãnh, người có kinh nghiệm khám phá hang động, leo thác cho biết nguyên tắc buộc dây là buộc hình tai thỏ, có hai điểm bám chia đều, đề phòng trường hợp không may đứt một bên thì còn bên kia giữ lại. Với địa hình có cây cối xung quanh thì buộc dây vào thân cây chắc chắn.

Sau khi các điểm chốt an toàn, được cố định thì thả dây dọc theo con thác để leo xuống. Theo anh Toàn Lãnh, người chơi môn đu dây này cần lưu ý luôn đi cùng người có kinh nghiệm hoặc chuyên gia. Tuyệt đối không chơi tự phát, thiếu sự hướng dẫn và không có đầy đủ thiết bị bảo hộ an toàn.

“Khi xuống thác, cảm xúc phấn khích và đầy kịch tính, tôi dùng tay bung dây kết hợp nhún người bật nhẹ chân để trọng lực kéo xuống, tư thế trượt tốt nhất là đạp vách, mặt quay vào vách lưng quay ra ngoài và chân thẳng”, anh Lê Cao Hải nói.

Một đoạn thác giữa núi rừng hoang sơ Ba Vì được ghi lại trên đường leo xuống. Các chuyên gia chú ý quá trình leo chỉ quay ngang để phán đoán hướng đi, tuyệt đối hạn chế quay người ra ngoài gây nguy hiểm vì không có tư thế bám.

Anh Lê Cao Hải và nhóm bạn kết thúc một chuyến trải nghiệm khám phá rừng xanh, các sinh vật và leo thác tuyệt vời. Với những người mới chơi leo thác chưa quen kiểm soát ở trên cao thì dễ bị hồi hộp và có hơi sợ nhưng làm quen một lúc thì thấy bình thường.

Theo vnexpress.net
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Leo thác khám phá núi rừng Ba Vì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO