Lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu, động lực của quá trình chuyển đổi số

Q. Chữ| 12/12/2021 09:48

BVCL - Chiều 11/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III với chủ đề “Chuyển đổi số-động lực phục hồi và phát triển kinh tế”.

Tham dự diễn đàn có  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư; hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Diễn đàn là sự kiện lớn của ngành nhằm tổng quan, đánh giá kết quả sau hơn một năm cộng đồng công nghệ số đồng lòng, chung sức thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đồng thời định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn tới, đặc biệt là năm 2022. Chương trình Diễn đàn bao gồm 2 phiên. Trong đó, phiên chính bàn về các bài toán chuyển đổi số mà Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện vào năm 2022 để làm nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số. Tại diễn đàn, các diễn giả và đại biểu đã trình bày, trao đổi, thảo luận về vai trò và phương thức các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đây là những bài toán, nhiệm vụ trọng tâm cần được các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đảm nhận và triển khai.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu,  động lực của quá trình chuyển đổi số -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày sản phẩm công nghệ số của các doanh nghiệp tham dự diễn đàn. Ảnh:TTXVN.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên của chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và hướng tới trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây cũng là năm mở đầu cho thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch, với biến đổi khí hậu để tồn tại-phát triển. Những chiến lược trên đặt ra những trọng trách và sứ mệnh mới cho doanh nghiệp công nghệ số, đó là sứ mệnh chuyển đổi số. Cũng theo Bộ trưởng, công nghệ số là công cụ tốt nhất để giải quyết bài toán thích ứng an toàn, linh hoạt trong đại dịch, là chìa khóa để giải quyết bài toán phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ của doanh nghiệp đóng vai trò là động lực dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. “Trong quá trình chuyển đổi số, dữ liệu giống như đất đai, một loại đất đai mới. Có người gọi là tài nguyên, có người gọi là dầu mỏ. Chính phủ sẽ có chiến lược tạo ra dữ liệu lớn, bảo vệ dữ liệu cá nhân; cung cấp các bộ chỉ số để đo lường giúp quá trình chuyển đổi số đi nhanh và đúng hướng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng khẳng định: COVID-19 đã đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện ý chí tự lực, tự cường, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế giúp chuyển đổi số thành công.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, chúng ta không thể làm một mình, chạy một mình. Điều này đòi hỏi cần phải có sự hợp tác, học hỏi. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là câu chuyện của toàn dân, phải tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, mục tiêu, động lực của quá trình chuyển đổi số. Mọi chính sách cần phải hướng đến người dân và doanh nghiệp, hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Chuyển đổi số phải tham gia phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, là yếu tố cốt lõi giúp phát triển kinh tế xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; phòng, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh; góp phần khắc phục vấn nạn cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong quá trình chuyển đổi số, cần tránh hai xu hướng chủ quan, nóng vội hoặc quá cầu toàn. Cùng với đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, lấy thực tiễn làm thước đo; hoàn thiện thể chế tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số đi đúng hướng, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý nhà nước và quan tâm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực số, tài chính số; tăng cường đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số, ưu tiên xây dựng dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ phải đóng vai trò quan trọng, là lực lượng tiên phong thực hiện hoá khát vọng vươn lên, chuyển mình vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 và diễn đàn này phải là diễn đàn của hành động, của triển khai thực tế.

Cũng tại diễn đàn, Bộ TT&TT đã công bố 35 nền tảng số quốc gia được ưu tiên phát triển và giao cho doanh nghiệp công nghệ số triển khai trong năm 2022. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đồng hành với Bộ, ngành để phát triển và phổ biến rộng rãi các nền tảng số này, tạo ra hệ sinh thái số mạnh mẽ của Việt Nam. Bộ TT&TT cũng công bố và trao thưởng cho các sản phẩm, nền tảng công nghệ số Make in Vietnam xuất sắc nhất năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu, động lực của quá trình chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO