Lãnh đạo TANDTC làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông

Thu Trang | 24/06/2021 18:33

BVCL - Ngày 24/6, tại trụ sở TANDTC, lãnh đạo TANDTC đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) để bàn về kế hoạch tổ chức hội nghị “chuyển đổi số trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.

3.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ TT&TT đồng chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đồng chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc còn đồng chí Nguyễn Văn Du, Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC và một số đại diện lãnh đạo các vụ, viện, cơ quan thuộc TANDTC và Bộ TT&TT.

Buổi làm việc của lãnh đạo TANDTC và Bộ TT&TT bàn về kịch bản chi tiết tổ chức hội nghị chuyển đổi số trong lĩnh vực tòa án dự kiến được tổ chức ngày 1/7 tới đây.

Các nội dung chính hội nghị hướng đến bao gồm xây dựng tòa án điện tử; giới thiệu phần mềm trợ lý ảo cho cán bộ tòa án các cấp và thực hiện việc ký kết chương trình phối hợp với Bộ TT&TT và TANDTC.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng đề cập rất rõ chủ trương chuyển đổi số quốc gia. Theo lộ trình đưa ra, từ nay đến năm 2025 phải hoàn tất xây dựng tòa án điện tử. "Hiện nay, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... đã có bước tiến dài về tòa án điện tử. Với ngành tòa án đã có một số bước đi ban đầu như các tòa án địa phương đã công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án cho người dân truy cập, giám sát. Gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và đăng ký nhận văn bản, thông báo tố tụng bằng phương thức trực tuyến. Việc quản lý cán bộ, quản lý hồ sơ vụ án đã được xây dựng nhưng kết quả còn khiêm tốn".

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, qua tham khảo mô hình một số nước phát triển, có nhiều nước ứng dụng khoa học công nghệ và tạo nên hiệu quả thiết thực. "Có những phiên tòa trên thế giới hiện nay không cần thư ký, thay vào đó họ có máy móc làm thay, khi nói sẽ ra văn bản ngay lập tức. Hoặc có một số nước xây dựng được phần mềm mà trong đó có các tình huống cụ thể để người truy cập biết rõ tình trạng pháp lý của mình, khi các tình huống được đưa ra người dân có thể biết mình thắng hay thua kiện. Việc làm này sẽ giảm tải cho tòa án rất nhiều khi có những vụ việc người dân hiểu rõ bản chất vụ việc và sẽ không khởi kiện ra tòa".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, hiện nay có một số nước đã thực hiện xét xử qua mạng, làm việc qua mạng, thu thập chứng cứ, trả lời qua không gian mạng. Đây là điều mà ngành tòa án đang hướng đến và mục tiêu tổ chức hội nghị để làm được điều này.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tại hội nghị toàn quốc, tòa án sẽ có báo cáo về việc đã và sẽ làm trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. "Đây là hội nghị khai phá tri thức cho đội ngũ thẩm phán toàn quốc trên 800 điểm cầu. Tất cả các thẩm phán ngồi nghe giới thiệu, tiện ích. Yêu cầu đặt ra của hội nghị nhằm để cán bộ toàn hệ thống thấy lợi ích của công nghệ thông tin, thấy trách nhiệm tham gia và từ nay về sau chúng ta có tòa án điện tử", Chánh án nhấn mạnh.  

2.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đối với việc chuyển đổi số, chúng ta không nên áp dụng theo cách "đuổi kịp, sánh cùng và vượt lên" mà tiếp cận theo hướng đi đầu.

Lý do đang xảy ra cách mạng về công nghệ số, cuộc cách mạng này sẽ phá hủy cái cũ để làm cái mới. Những quốc gia phát triển và đầu tư hạ tầng hiện đại rất khó phá bỏ vì tốn kém. Bản thân Việt Nam chưa đầu tư nhiều nên phải nhanh chân hơn, từ người đi sau trở thành những người đi đầu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số là số hóa mang lại lợi ích căn bản, nhìn thấy ngay cho cán bộ và người dân. Ví dụ, cán bộ tòa án hoặc người dân không cần đọc sách mà sẽ có thiết bị trợ lý ảo để nhận được phản hồi nhanh chóng về các kiến thức liên quan.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi số sẽ chuẩn hóa các quy trình, trình tự làm việc sẵn để cán bộ tòa án thực hiện theo các bước, từ đó giúp ích trong việc không cần phải chú tâm quá nhiều vào quy trình mà thay vào đó tập trung nhiều vào nội dung các vụ án.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, chuyển đổi số hiện nay có thuận lợi khi các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đang rất mạnh, có tinh thần phụng sự Tổ quốc, hoàn toàn có thể làm tốt và đảm bảo các yếu tố bảo mật. Việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành tòa án phụ thuộc chính vào sự đóng góp tri thức, nội dung của tòa án. Bộ TT&TT tham gia chính vào các khâu kĩ thuật và tạo ra các nền tảng để áp dụng.

"Khi chuyển đổi số thành công, ngành tòa án sẽ có kho dữ liệu đầy đủ. Khi có lệnh thực hiện các báo cáo thì chỉ trong vài phút sẽ có báo cáo chi tiết, chuẩn xác đến từng số liệu. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và mang lại hiệu quả thiết thực", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nói về hội nghị sắp tổ chức liên quan đến chuyển đổi số trong hoạt động tòa án, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết các bài trao đổi tại hội nghị cần dễ hiểu, dễ tiếp cận và thiết thực.

"Quan trọng chúng ta phải làm rõ, tòa án điện tử là gì, vận hành như thế nào. Tòa án đang gặp khó việc gì thì chúng ta phải đáp ứng điều đó. Việc xây dựng tòa án điện tử và trợ lý ảo phải thực hiện xong trong ba tháng tới", đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho cán bộ của Bộ TT&TT tại buổi làm việc.

Trên cơ sở nhất trí với các ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã yêu cầu các cơ quan liên quan của TANDTC cùng phối hợp với các cơ quan của Bộ TT&TT để tổ chức thành công hội nghị theo kế hoạch đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo TANDTC làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO