Lạng Sơn: Cần xem xét lại Dự án xây dựng Trụ sở làm việc Chi cục Thuế huyện Cao Lộc

Trang Việt| 06/05/2022 10:13

BVCL - UBND tỉnh Lạng Sơn đã có đề án sáp nhập một phần địa giới hành chính huyện Cao Lộc vào TP Lạng Sơn. Trong khi đó, Cục thuế tỉnh Lạng Sơn lại tiến hành đầu tư, xây dựng Trụ sở làm việc Chi cục Thuế huyện Cao Lộc hơn 41 tỷ, liệu có thực sự hợp lý?

anh-khu-dat-duoc-phe-duyet-xay-dung-chi-cuc-thue-huyen-cao-loc-1-.jpg
Khu vực sẽ tiến hành xây dựng trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc, tại thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

Theo hồ sơ, Kết luận số 379 – KL/TU thể hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn đồng ý phương án điều chỉnh phạm vi mở rộng TP Lạng Sơn như đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tại Báo cáo số 177-BC/BCSĐ ngày 24/6/2021. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các bước theo quy định pháp luật.

Đến ngày 28/8/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Lạng Sơn đến năm 2045. Diện tích nghiên cứu quy hoạch của đồ án này là 17.554 ha, bao gồm toàn bộ diện tích TP Lạng Sơn (khoảng 7.794 ha) và phần mở rộng 9.760 ha gồm các xã Gia Cát, Tân Liên, Hợp Thành, Yên Trạch và và thị trấn Cao Lộc thuộc huyện Cao Lộc.

Khi tiến hành sát nhập thì sẽ chuyển trung tâm hành chính của huyện Cao Lộc từ thị trấn Cao Lộc về thị trấn Đồng Đăng. Đồng thời, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thị trấn Đồng Đăng trên cơ sở sáp nhập một phần diện tích tự nhiên và dân số của các đơn vị hành chính liền kề.

Tiếp đến, trong Báo Cáo số 90 - BC/BCSĐ (9/4/2022) của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ ra rất rõ về sự cần thiết phải điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng TP Lạng Sơn: "Đây là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cảu Lạng Sơn, là cửa ngõ giao thưa giữa Việt Nam - Trung Quốc, là cầu nối khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN nên có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân, động lực phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung".

Hiện tỉnh Lạng Sơn đã bước đầu triển khai các bước để thực hiện quy hoạch mở rộng TP Lạng Sơn về phía Đông và phía Nam. Như vậy, phần diện tích đất xã Hợp Thành (huyện Cao Lộc) chắc chắn nằm trong quy hoạch sát nhập vào TP Lạng Sơn.

Ở một diễn biến khác, trước đó vào ngày 31/10/2019, Tổng Cục Thuế ban hành Quyết định số 1467/QĐ-TCT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc Chi cục Thuế huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) với mục đích: "Đáp ứng hoạt động nghiệp vụ của Chi cục Thuế huyện Cao Lộc, đảm bảo thực hiện chương trình chiến lược cải cách hệ thống Thuế lâu dài và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".

Dự án này có tổng diện tích 4.200m2 và tổng mức đầu tư dự án 41.488.147.000 đồng. Vốn đầu tư được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước gồm: Nguồn vốn cơ chế quản lý tài chính (phần Bộ Tài chính quản lý của Tổng cục Thuế).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thu hồi đất, UBND huyện Cao Lộc đã gặp phải sự phản đối của gia đình chủ sở hữu khu đất bị ảnh hưởng gồm các ông, bà: Ông Lộc Văn Tháo, ông Lộc Văn Thế, ông Chu Nhật Thành, ông Hà Văn Trang, bà Hoàng Thị Đào, ông Hoàng Viết Hùng, bà Hoàng Thị Huế, ông Nông Văn Long; đều trú tại tôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc.

Nguyên nhân là do, những người dân này cho rằng việc thu hồi và bồi thường thu hồi đất được thực hiện không công bằng, thiếu khách quan. Họ đã làm đơn gửi tới cơ quan chức năng có thẩm quyền và các cơ quan ngôn luận.

Trong đơn đề nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cùng các cơ quan Báo chí Trung ương và địa phương, gia đình ông Tháo cho biết: UBND huyện Cao Lộc đã thu hồi 4,893,0m2 đất để phục vụ xây dựng dự án, nhiều hơn 693m2 so với kế hoạch được duyệt ban đầu từ UBND tỉnh.

Ngoài ra, theo gia đình ông Tháo, diện tích xây dựng Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc (4.200m2) là quá lớn so với diện tích của Chi cục Thuế các huyện khác như: Chi Lăng (3,408,5m2), Lộc Bình (2,049,0m2). Chưa hết, gia đình ông Tháo còn cho rằng việc giải phóng mặt bằng, bồi thường chưa phù hợp với giá cả thị trường…

Lý giải cho việc này, ngày 4/5/2022 UBND huyện Cao Lộc có công văn số 1016 /UBND-VP về việc trả lời đơn của các công dân thôn Đại Sơn bị ảnh hưởng Dự án xây dựng trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc. Văn bản nêu: Dự án đầu tư xây dựng Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận địa điêm đầu tư xây dựng tại Công văn số 1043/ UBND-KTN ngày 03/10/2014.

Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 62 của Luật đất đai năm 2013: Dự án xây dựng Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước).

Bên cạnh đó UBND huyện còn dựa vào những Quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành như: Quyết định số 1743 /QĐ-UBND ngày 10/9/2019 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Cao Lộc, trong đó có dự án xây dựng Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc.

Quyết định số 1741 /QĐ-UBND ngày 30/8/2021 và Quyết định số 2595 /QĐ-UBND ngày 31/12/2021 về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Cao Lộc. Trên những cơ sở pháp lý đó, UBND huyện Cao Lộc cho rằng về cơ sở pháp lý để thực hiện đầu tư dự án được thực hiện đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, nếu đem ra "mổ xẻ" về dự án xây dựng Trụ sở làm việc Chi cục Thuế huyện Cao Lộc thì sẽ xuất hiện một số vấn đề: Thứ nhất, về vị trí địa lý: Khi trung tâm hành chính huyện Cao Lộc chuyển từ thị trấn Cao Lộc về thị trấn Đồng Đăng thì thấy rằng, bộ máy hành chính của huyện nằm quá xa so với Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc (nếu xây dựng ở xã Hợp Thành, cách nhau hơn 11km).

Thứ hai, về nguồn vốn đầu tư: Khi phần diện tích đất xã Hợp Thành sáp nhập thì đương nhiên, Trụ sở Chi cục Thuế huyện Cao Lộc sẽ nằm trên đất của TP Lạng Sơn, không thuộc quyền quản lý của huyện Cao Lộc. Vậy khi đó, trụ sở sẽ ra sao?

Thứ ba, theo nguyện vọng bức thiết của người dân: Nếu triển khai dự án này sẽ ảnh hưởng đến nguồn đất sản xuất, kinh doanh, nguồn thu nhập. Vì hiện bà con sống bằng việc trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh trên khu đất này.

Vậy, xây dựng một trụ sở của huyện với mức đầu tư lên đến hơn 41 tỷ đồng, sau khi sáp nhập thì sẽ như thế nào? Có lãng phí tiền ngân sách hay không?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Cần xem xét lại Dự án xây dựng Trụ sở làm việc Chi cục Thuế huyện Cao Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO