Khu đô thị dưới lòng đất sắp xuất hiện tại TP HCM

Sao Mai (T/h)| 23/10/2021 09:44

BVCL - Khu đô thị ngầm dưới lòng đất với diện tích hàng trăm nghìn mét vuông tại TP. HCM đang được triển khai sau gần 1 thập kỷ nằm trong quy hoạch.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân về “Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM”, trong đó có vấn đề quy hoạch không gian ngầm của TP.

Theo đó, về cơ bản, công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… ở Q.1 sẽ được xây dựng thành các không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí của người dân.

Cụ thể, tại khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng. Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát TP, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và ki ốt diện tích tối đa 60 m2, các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm. Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini... phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba sẽ làm bãi giữ xe.

tang-ham-metro-5749.jpeg
Tầng hầm metro trạm Ba Son

Cách đó khoảng 1 km, khu vực công trường Mê Linh sẽ được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ... Vườn trũng kết nối bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng sức chứa hơn 300 ô tô ở hai tầng hầm. Đây cũng là nơi kết nối các công trình ngầm tòa nhà xung quanh trong tương lai. Khu vực giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có 3 trạm xe buýt kết nối người đi bộ giữa các trạm với vườn trũng.

Đại diện Sở QH-KT TP.HCM cho biết từ năm 2012, khi UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu TP có diện tích 930 ha đã bàn tới quy hoạch không gian ngầm chủ yếu ở Q.1. Năm 2020, Sở QH-KT có đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị TP.HCM. Do quy hoạch không gian ngầm là nội dung mới, nên trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt chỉ nghiên cứu sơ bộ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… để kêu gọi đầu tư theo định hướng giao thông công cộng.

Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng tuyến metro số 1 và chuẩn bị đầu tư các tuyến còn lại. Sự hình thành hệ thống metro và các công trình ngầm buộc TP đặt ra yêu cầu quản lý, khai thác hiệu quả không gian ngầm.

“Không gian ngầm không chỉ đơn thuần là đường kết nối metro, kết nối giao thông công cộng mà còn phục vụ đa dạng nhu cầu giải trí của người dân thông qua việc tổ chức, phát triển các dịch vụ thương mại, khu sinh hoạt cộng đồng… giống như một khu đô thị dưới lòng đất”, vị đại diện Sở QH-KT nói.

Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, đánh giá về cơ bản, dự thảo quy chế quy hoạch không gian ngầm của Sở QH-KT khá hoàn thiện, xác định được các không gian ngầm quan trọng và gắn kết các công trình xung quanh. Đó là những không gian TP đã nghiên cứu kỹ, là đất công, vấn đề kỹ thuật đều xử lý được. Những không gian ngầm đều có giá trị hữu dụng đối với các khu vực xung quanh, là động lực để phát triển kinh tế. Vấn đề là cần đẩy nhanh các bước triển khai chi tiết bởi nhu cầu xây dựng không gian ngầm của TP là cấp bách.

Theo ông Mười, dịch vụ thương mại, hoạt động giao thông hay tất cả dịch vụ khác trên diện tích khu đô thị cũ đến nay đã quá tải. Nếu cứ phát triển trên mặt bằng hiện nay thì tất cả vấn đề của đô thị từ nay đến 10 năm nữa vẫn chưa thể giải quyết được. Không gian ngầm sẽ thỏa mãn nhiều nhu cầu hoạt động của khu trung tâm TP. Ngoài hỗ trợ dịch vụ còn giải quyết nhiều nội dung khác như chỗ đậu xe, vấn đề đi lại cho người dân, tăng thêm giá trị gia tăng của tất cả dịch vụ khu trung tâm.

Bên cạnh đó, không gian ngầm nếu làm được sẽ giúp thay đổi không gian khai thác, kết nối lại các công trình công cộng quan trọng vì có những công trình đã hoạt động rồi nhưng hiện đang chỉ hoạt động đơn lẻ, cục bộ, không hiệu quả. Nếu được kết nối thành không gian chung thì sẽ đẩy giá trị gia tăng cao lên rất nhiều, đồng thời biến đổi cấu trúc trên mặt đất. Các công trình phía trên sẽ tự động thu hút được các nhà đầu tư, biến khu dân cư, nhà phố thành các tòa cao ốc, xã hội sẽ tự động dịch chuyển theo hướng tích cực mà không cần sự can thiệp của nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu đô thị dưới lòng đất sắp xuất hiện tại TP HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO