Không để nông sản Việt “chết ngạt” vì dịch bệnh

Trường Giang | 01/06/2021 16:54

BVCL - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới Bộ, ngành đã kịp thời đưa ra những chỉ đạo để hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt.

Chỉ đạo kịp thời

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin và truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng đã chỉ đạo tại văn bản ngày 24/2 của Văn phòng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bên liên quan tăng cường tổ chức hướng dẫn, truyền thông, kịp thời phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ cho các địa phương có khó khăn trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

levanthanh.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo gỡ khó cho nông sản

Theo văn bản này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương liên quan, các hiệp hội ngành hàng, thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, người nông dân kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Các địa phương có cửa khẩu xuất khẩu lượng lớn hàng nông sản như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh… phối hợp với các bộ, ngành chức năng thông tin, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang cũng như các địa phương khác tổ chức vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn và thuận lợi, nhất là đối với các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cũng đưa ra những giải pháp tiêu thụ nông sản trước mắt và lâu dài.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các đơn vị lựa chọn một vài điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một vài địa phương để ra mắt các mô hình điểm chuẩn hóa để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. Từ mô hình đó, Bộ cũng kêu gọi xã hội áp dụng, nhân rộng để vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản, vừa bảo vệ người dân trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh đang diễn biến khó lường.

Cùng với đó, Bộ cũng đề xuất với Chính phủ có một chương trình hỗ trợ cho những đơn vị vận chuyển nông sản trong nước và không làm khó các chủ phương tiện này vì nếu vận chuyển nông sản chậm sẽ bị hư hỏng.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, mỗi Sở NN&PTNT địa phương cũng phải xác định được trách nhiệm không chỉ giúp bà con sản xuất sản lượng nhiều mà phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, làm sao kết nối được tư duy kinh tế, tư duy thị trường vì nếu không kết nối được thị trường thì sẽ bị động trong việc tiêu thụ nông sản.

Ưu tiên hỗ trợ nông sản

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công thương và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang diễn ra sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định: Bộ Công thương cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người nông dân, doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ nông sản, kết nối cung ứng hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, mặc dù tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp; song tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chủ động xây dựng: Kịch bản dự trữ, tiêu thụ hàng hóa ứng phó dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; phương án bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân; kế hoạch hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống COVID-19.

muavai.jpg

Hiện nay, công tác điều tiết, lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân, nhất là người dân, công nhân lao động trong khu vực phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đối với việc vận chuyển hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đến các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế ban hành quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch.

“Không chỉ riêng Bắc Giang mà bất cứ bất kỳ tỉnh, thành phố nào có dịch đều phải tuân thủ đúng quy định. Đề nghị Bắc Giang và các tỉnh có dịch thực hiện theo đúng hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Công Thương về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản của vùng có dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bắc Giang và các địa phương có sản phẩm nông sản nổi trội không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm 2021 hiện nay mà còn trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua, do đó Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương và các doanh nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh và cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ các sản phẩm đầu ra.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi và các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo Bộ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ban ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản sản xuất, kinh doanh thực hiện hình thức thu mua, tiêu thụ online và sẽ nhận hàng tại các cửa khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các Vụ thị trường nước ngoài làm việc với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương hướng hỗ trợ duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc.

Các Vụ thị trường nước ngoài khẩn trương cùng các thương vụ thực hiện hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trên cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng, đặc biệt quả vải thiều niên vụ 2021. Ngoài các thị trường truyền thống, cần mở rộng thêm các thị trường khác như thị trường có các loại nông sản ôn đới.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên môi trường số, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khẩn trương xây dựng kịch bản, đề xuất số lượng, danh mục hàng hóa cụ thể, dịch vụ cần thiết khi tình huống có thể diễn biến xấu hơn. Từ đó, Bộ sẽ có căn cứ để cân đối và kết nối với các địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ kịp thời.


(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để nông sản Việt “chết ngạt” vì dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO