Không chấp hành quy định về cách ly phòng, chống dịch có thể bị xử phạt lên đến 12 năm tù

Quách Chữ| 01/06/2021 09:27

BVCL - Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng đã nỗ lực khoanh vùng, dập dịch, tăng cường phát hiện các ca nghi nhiễm Covid-19, thực hiện cách ly nghiêm ngặt với các đối tượng trong diện nghi ngờ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp đã không chấp hành, điều này đã gây không ít khó cho các lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Điều 2, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, cách ly y tế được hiểu là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh. Cách ly y tế là biện pháp đầu tiên nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly y tế là hết sức cần thiết. Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch nhóm A và một số bệnh nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Song thực tế những ngày qua, đã xuất hiện khá nhiều trường hợp trốn tránh cách ly y tế. Thông tin về một cá nhân thuộc diện cách ly bắt buộc nhưng lại “nhờ” người khác đi cách ly thay mình đã khiến dư luận phẫn nộ.

anh-1.jpg
Dịch Covid-19 vẫn còn đang trong giai đoạn diễn biến hết sức phức tạp, cần xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ phòng, chống dịch

Trường hợp Trần Mạnh H (1990, xóm Bành, Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ) là một ví dụ, ngày 24/4/2021, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ Trần Mạnh H vì có hành vi nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Sau khi bị bắt giữ, Hùng được đưa vào khu vực cách ly tập trung của tỉnh. Tuy nhiên, lợi dụng sơ hở, khoảng 20h ngày 25/4/2021, H đã bỏ trốn khỏi khu vực cách ly tập trung. Ngày 29/4/2021, lực lượng chức năng đã bắt giữ và đưa đối tượng quay trở lại khu vực cách ly tập trung, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay nguy hiểm hơn là trường hợp của H.T.T (SN 1993, ở Văn Chấn, Yên Bái) làm công dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái làm việc tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang đã trốn khỏi khu cách ly tại tỉnh Bắc Giang khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Còn mới đây nhất là trường hợp của bà Phạm Thị Q. (44 tuổi, ở tổ 6, phường Trần Nguyên Hãn, TP. Bắc Giang), ngày 25-5, UBND phường Trần Nguyên Hãn nhận được thông báo về việc trên địa bàn có 2 trường hợp là Phạm Văn T. (69 tuổi) và bà Phạm Thị Q. (con ông T., có tiếp xúc với F0. Sau đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã đến thông báo và yêu cầu ông T. và bà Q. đến trạm y tế khai báo và thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.

anh-2.png
Lực lượng chức năng TP Bắc Giang điều xe thang, phá cửa cưỡng chế F1 đưa đi cách ly tập trung

Sáng 26/5, ông T. đã đi khai báo y tế, nhưng bà Q. không tự giác khai báo. Khi cơ quan chức năng đến làm việc, bà Q. cũng không thành khẩn khai báo. Sau đó, tổ công tác của phường và tổ dân phố số 6 đã đến làm việc và lấy mẫu xét nghiệm nhanh đối với ông T. và bà Q., kết quả đều âm tính.

Tổ công tác đã vận động, tuyên truyền ông T. và bà Q. chuẩn bị tư trang đi cách ly tập trung. Lúc này bà Q. nói không chấp hành và yêu cầu tổ công tác phải đưa ra các chứng cứ. Khi tổ công tác đưa ra các chứng cứ thì bà Q. xin ở nhà để cầu Chúa xong mới đi, rồi bỏ lên tầng 3 chốt cửa lại và không chấp hành quyết định đưa đi cách ly tập trung.

Sau nhiều giờ thuyết phục bất thành, khoảng 20h30 ngày 26/5 lực hượng chức năng đã quyết định cưỡng chế, triển khai 2 mũi, một mũi đi từ cầu thang lên tầng 3, còn một mũi được xe thang đưa lên ban công ngoài tầng 3. Sau đó, lực lượng chức năng phá cửa cưỡng chế bà Q. đi cách ly tập trung.

Quá trình áp giải xuống tầng 1, bà Q. liên tục lấy lý do như phải cầu nguyện, đau chân, lấy quần áo... để lấy cớ "hoãn binh", nhưng tổ công tác quyết tâm đưa bà Q. ra xe y tế để đưa đi cách ly tập trung.

Sau đó, ngày 27-5, phường Trần Nguyễn Hãn đề xuất lãnh đạo TP Bắc Giang xử phạt hành chính về hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế với mức phạt cao nhất.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ những trường hợp trốn cách ly, cho người khác đi cách ly thay mình và cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Nếu không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 5.000.000-10.000.000 đồng và tiếp tục bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi trốn tránh cách ly y tế mà cá nhân thực hiện hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự, theo hướng dẫn số số 45/TANDTC-PC Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, trường hợp người nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh phải cách ly mà không tự nguyện chấp hành hoặc bỏ trốn khỏi nơi cách ly dẫn đến lây nhiễm bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự và bị phạt tiền 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

anh-3.jpg
Trường hợp nữ công nhân dương tính với SARS-CoV-2 trốn khỏi khu cách ly tập trung tỉnh Bắc Giang.

Đặc biệt, người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị phạt tù 5 năm đến 10 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết người; bị phạt tù 10 năm đến 12 năm nếu phạm tội dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.

Như vậy, việc trốn tránh cách ly y tế là việc làm hết sức nguy hiểm, trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng xã hội. Đối với những cá nhân cố tình vi phạm các quy định về cách ly y tế, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các chế tài pháp lý ở mức nghiêm khắc nhất để làm gương, tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong cộng đồng.

Trong tình hình cơn đại dịch Covid-19 vẫn còn đang trong giai đoạn diễn biến hết sức phức tạp, thì việc mọi người cùng chung tay nâng cao ý thức phòng, chống có hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này là hành động hết sức nhân văn, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Việc tự nguyện khai báo y tế theo mẫu khuyến cáo của Bộ Y tế; chủ động và tự giác cách ly (thậm chí là cách ly bắt buộc vào khu tập trung), nếu thấy có những triệu chứng bất thường hoặc nghi ngờ về tình trạng sức khỏa của bản thân và người thân, khi đã được ngành chức năng yêu cầu; thực hiện đúng những khuyến cáo của ngành y tế để đề phòng dịch bệnh… Hành động đó, không những là trách nhiệm đối với cộng đồng, mà còn là để tránh cho bản thân phải vi phạm pháp luật.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chấp hành quy định về cách ly phòng, chống dịch có thể bị xử phạt lên đến 12 năm tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO