Khó khăn, nguy hiểm vẫn giữ vững phẩm chất của người Thẩm phán

Quốc Hải - Ý Thơ| 02/11/2020 08:42

BVCL - Tại Đại hội thi đua yêu nước với chủ đề “Công lý, lẽ phải, niềm tin”, các đại biểu đã có dịp gặp gỡ một số Thẩm phán tiêu biểu, lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, tình cảm của những người cầm cân nảy mực.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” - chủ đề xuyên suốt trong phong trào thi đua yêu nước của TAND, trong những năm gần đây, TAND các cấp đã đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, đảm bảo tính khách quan, đúng pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và được Đảng, Nhà nước đánh giá cao...

4-1-.jpg
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ

Tại chương trình Đại hội thi đua yêu nước với chủ đề “Công lý, lẽ phải, niềm tin”, các đại biểu đã có dịp gặp gỡ một số Thẩm phán tiêu biểu, lắng nghe những chia sẻ, tâm tư, tình cảm của những người cầm cân nảy mực, như: Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Văn Chung - Phó Chánh án Tòa án tỉnh Đắk Lắk; Thẩm phán Nguyễn Hoàng Lan, Thẩm phán Võ Văn Vân - Tòa án tỉnh Long An, Thẩm phán Trần Quang Thắng Chánh Tòa Hành chính TAND Long An…; và đặc biệt là bà Nguyễn Thị Kim Loan - nguyên Thẩm phán TAND quận Đống Đa.

Chia sẻ về vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Thùy Hương cho biết: Đây là vụ án có số lượng bị cáo rất lớn, thời gian xét xử ngắn; các bị cáo sử dụng công nghệ cao, trong đó có các bị cáo rất giỏi về công nghệ. Bên cạnh đó, một điều đáng buồn là có 2 bị cáo trong vụ án này thực là những người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình điều tra, đồng thời cũng là người từng điều tra, khám phá rất nhiều vụ án lớn.

Khi tiếp cận hồ sơ, các bị cáo gần như không thừa nhận hành vi phạm tội. Theo quy định, phải thực hiện nguyên tắc suy đoán vộ tội, nên phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ án để bảo đảm bị cáo có tội hay không có tội.

“Hồ sơ trong vụ án này rất nhiều. Khi hồ sơ chuyển từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh sang, phải dùng 2 xe bán tải, chở 8 chiếc tủ loại 4 cánh đầy hồ sơ. Để đưa lên phòng làm việc, nghiên cứu của hội đồng phải dùng xe cầu để cẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải tìm hiểu cơ chế vận hành của cổng game, cách chơi của người chơi, việc các bị cáo làm sao để đổi tượng tiền ảo ra tiền thật để thực hiện hành vi phạm tội ”, bà Nguyễn Thị Thùy Hương chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Hương: “Đối với những vụ án, chúng tôi coi đó là một bài toán xã hội mà Đảng và Nhà nước giao cho. Với quá trình giải quyết, các Thẩm phán phải tuân thủ quy định của pháp luật, tuy nhiên mỗi người sẽ có một kỹ năng khác nhau, làm sao kết quả cuối cùng thấu tình đạt lý. Đó là những điều tất cả Thẩm phán chúng tôi thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án”.

Cũng tại chương trình, Thẩm phán Nguyễn Văn Chung - Phó Chánh án Tòa án tỉnh Đắk Lắk rất bất ngờ khi gặp lại anh Đoàn Văn Chuẩn (bị cáo trong vụ án Giết người năm xưa). Trong vụ án này, nhờ sự công tâm, khách quan của HĐXX mà anh Chuẩn từ mức án bị truy tố 7 năm tù về tội giết người sang tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với mức án 2 năm 8 tháng tù.

1.jpg
Thẩm phán Nguyễn Văn Chung - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Đây là một vụ án tiêu biểu đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC đưa vào để trở thành án lệ (Án lệ số 28) công khai trên Cổng thông tin điện tử để người dân có thể theo dõi, áp dụng. Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Chung, “Để vụ án được lựa chọn trở thành án lệ là một điều hết sức vinh dự và chúng tôi thấy rằng qua xét xử vụ án này đã thể hiện được tinh thần cải cách tư pháp với nguyên tắc suy đoán vô tội, đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Chúng tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là làm sao để thoát khỏi thành kiến cũng như xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng những chứng cứ, tài liệu thu thập được”.

Tại chương trình, các đại biểu cũng có cơ hội được giao lưu với Thẩm phán Nguyễn Hoàng Lan, Thẩm phán Võ Văn Vân - Tòa án nhân dân tỉnh Long An, và ông Trần Quang Thắng - Chánh Tòa Hành chính TAND tỉnh Long An.

Các Thẩm phán đã giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm xét xử các vụ án hành chính, những tâm tư, tình cảm của Thẩm phán đối với người dân. Một bên là đại diện cơ quan Nhà nước, một bên là người dân, cần đảm bảo xét xử bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng, đặc biệt quan tâm giải thích pháp luật để cho người dân hiểu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, chương trình còn có sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên Thẩm phán TAND quận Đống Đa, là nhân vật nguyên mẫu trong bộ phim truyền hình dài tập “Lựa chọn số phận” được đông đảo công chúng đón nhận cũng như giới chuyên môn đánh giá cao thời gian qua. 

Sau khi xét xử một vụ án dân sự về tranh chấp đất đai, dù xử đúng pháp luật, bà Loan đã  bị đối tượng thua kiện tạt axít. Sau 43 lần phẫu thuật ở trong nước và nước ngoài, với nỗ lực phi thường bà tiếp tục hoàn thiện chương trình Sau đại học trong quá trình chữa bệnh, lấy bằng Thạc sĩ Luật học và trở lại công tác trong ngành Tòa án.

Chia sẻ tại chương trình, cựu Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan cho biết, khi xảy ra sự cố, bà đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên không những của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong toàn hệ thống TAND, mà còn cả chia sẻ của nhiều người dân, thậm chí còn có người còn đến tận bệnh viện xin điều trị cho bà. “Đó là những điều giúp tôi vượt qua khó khăn”, bà Loan xúc động nói.

Qua Đại hội, Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan đã gửi lời cảm ơn tới những người đã, đang công tác trong hệ thống TAND. Trong suốt quá trình bà điều trị cho tới khi quay lại làm việc các đồng nghiệp,  các cán bộ, lãnh đạo đã thường xuyên động viên, chia sẻ. 

dsc_0141.jpg
Bà Nguyễn Thị Kim Loan giao lưu với chương trình

“Một trăm người, một nghìn người nhìn thấy tôi đều nghĩ tất cả sẽ dừng lại ở đó. Cố gắng giữ lại 2 con mắt nhìn thấy con là tốt rồi. Được sự tiếp sức của đồng nghiệp, sự quan tâm của lãnh đạo tôi đã quay trở lại. Khi tôi làm việc ở Viện Khoa học xét xử, tới năm 2014, được sự quan tâm của đồng chí Nguyễn Hoà Bình. Tôi vô cùng xúc động khi đồng chí Nguyễn Hoà Bình về nhận công tác tại Tòa án nhân dân tối cao đã tới tận nơi tôi làm việc thăm hỏi động viên. Sau đó đã quan tâm, bổ nhiệm tôi giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tòa án, tạo điều kiện cho tôi phát huy những năng lực, sở trưởng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mong ước của tôi”, bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết thêm.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Kim Loan dù được kể lại nhiều lần, song chưa khi nào vơi đi cảm xúc. Đó là ý chí, nghị lực phi thường của người Thẩm phán đã cống hiến cho sự nghiệp của Tòa án.

Những câu chuyện ngày hôm nay đã phần nào truyền tải thông điệp về sứ mệnh thiêng liêng của những người hoạt động trong hệ thống TAND qua các thời kỳ, như lời Bác Hồ căn dặn: "Phụng công thủ pháp, chí công vô tư".

Những bài học quý báu, giá trị sống có thể trao truyền, hun đúc cho các thế hệ Thẩm phán tương lai sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm bảo vệ công lý, niềm tự hào nghề nghiệp, nỗ lực giữ gìn phẩm chất thanh liêm, tinh thần tận tụy vì công việc; bản lĩnh đấu tranh cho lẽ phải; tấm lòng nhân ái trước những thân phận bị tổn thương và những kiến thức chuyên môn sâu sắc. Tất cả đều chung một mục tiêu xây dựng TAND xứng đáng trở thành biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn, nguy hiểm vẫn giữ vững phẩm chất của người Thẩm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO