Huyện Bình Chánh có thể trở thành “bệ phóng” kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh

Huỳnh Sang| 04/08/2022 15:18

BVCL - Nhiều chuyên gia cho rằng, huyện Bình Chánh, TP.HCM với vị trí của mình, cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cơ sở thì tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 20%/năm đã phản ánh đúng tiềm lực của địa phương. Nếu được thành phố tạo điều kiện, Bình Chánh còn có thể phát triển hơn nữa...

Tạo đà phát triển thành Thành phố trực thuộc

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km, huyện Bình Chánh có diện tích 253km2, dân số gần 800.000 người. Quá trình đô thị hóa tại địa phương diễn ra nhanh chóng, dân số tăng cơ học ở mức cao, trung bình khoảng 30.000 người/năm.

Thống kê cho thấy, kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 20,53%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, tăng bình quân 20,97%/năm; Ngành thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá, bình quân đạt 20,63%/năm; Ngành nông nghiệp bình quân đạt 5,12%/năm… Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt gần 70 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 4 lần năm 2010. Trên địa bàn huyện không có hộ nghèo thu nhập từ 21 triệu đồng/năm trở xuống.

ban-chi-dao-va-to-giup-viec-ban-chi-dao-cong-tac-boi-thuong-giai-phong-mat-bang-va-tai-dinh-cu-doi-voi-du-an-duong-vanh-dai-3-du-an-quan-trong-gop-phan-phat-trien-kinh-te-tp.hcm-1-(1).jpg
Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với Dự án đường Vành đai 3 - Dự án quan trọng góp phần phát triển kinh tế TP.HCM

Bình luận về kết quả ấn tượng trên của Bình Chánh, nhiều chuyên gia cho rằng với vị trí của mình, cộng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cơ sở thì kết quả trên đã phản ánh đúng tiềm lực phát triển của Bình Chánh. Bởi với đường bộ, Bình Chánh nằm trên các trục đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 10 nối liền với Khu Công nghiệp Đức Hòa thuộc tỉnh Long An. Đường Nguyễn Văn Linh nối Quốc lộ 1 đến các khu công nghiệp Nhà Bè và Khu Chế xuất Tân Thuận ở Quận 7. Quốc lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước của tỉnh Long An…

Bên cạnh đó, Bình Chánh cũng sở hữu một hệ thống sông ngòi, kênh rạch thuận lợi cho giao thông đường thủy nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL như sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm, kênh Ngang, kênh cầu An Hạ, rạch Tân Kiên, rạch Bà Hom… nối với sông Bến Lức và kênh Đôi, kênh Tẻ. Rõ ràng huyện Bình Chánh đang đóng vai trò trung tâm kết nối TP.HCM với ĐBSCL về cả đường bộ lẫn đường thủy nên điều kiện phát triển kinh tế là vô cùng thuận lợi.

Không chỉ có vậy, trước đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM và Sở GTVT tỉnh Long An đã thống nhất nâng cấp, kết nối 23 tuyến đường liên kết giữa 2 địa phương. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc thống nhất nối dài đường Võ Văn Kiệt, huyện Bình Chánh, TP.HCM tới Khu Công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Đây là tuyến kết nối được đánh giá đặc biệt quan trọng bởi đường Võ Văn Kiệt hiện là một trong 4 trục đường chính tại TP.HCM. Tuyến đường đang đảm nhận vai trò lớn trong đáp ứng nhu cầu lưu thông từ nhiều cụm cảng tại TP theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, không phải lưu thông qua khu trung tâm. Do đó, việc kéo dài kết nối với Long An, ngoài việc giảm tải áp lực cửa ngõ phía Tây TP.HCM còn tăng hiệu quả khai thác trên con đường huyết mạch này, tạo liên kết chặt giữa hai địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo các chuyên gia, với nhiều lợi thế như hiện nay, mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã đã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hóa của huyện Bình Chánh. Do đó, việc lập đề án chuyển huyện Bình Chánh lên thành phố trực thuộc, thay vì thành quận được đánh giá là chương trình đổi mới phát triển đột phá.

2-1-.png
Huyện Bình Chánh định hướng phát triển thành Thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025

Lợi thế nhiều và khó khăn cũng không ít

Cùng với giao thông thuận lợi, để có được con số tăng trưởng ấn tượng qua từng năm, huyện Bình Chánh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế đúng định hướng, tăng dần giá trị sản lượng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và giảm dần cơ cấu giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Ngành công nghiệp - xây dựng huyện chiếm tỉ trọng 80% cao nhất trong các ngành kinh tế, hiện giữ vai trò động lực tăng trưởng chính, kế đến là ngành thương mại - dịch vụ chiếm tỉ trọng 17,6% và ngành nông nghiệp ước giảm dần tỉ trọng 2,4% vào cuối năm 2020.

Với vị trí cửa ngõ trong liên kết vùng, tiếp cận các tỉnh ĐBSCL, trước hết là Long An có nhiều sự bứt phá thời gian qua, để trở thành địa phương có kinh tế mạnh, lớn nhất trong số các tỉnh ĐBSCL. Huyện Bình Chánh đang có lợi thế về thu hút lượng lớn lao động có chất lượng. Nhiều người tìm đến Bình Chánh vì có hạ tầng đồng bộ, dân cư đông đúc, quỹ đất rộng, giá cả hợp lý…

Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức, khi dân số tăng cơ học hơn 30.000 người/năm. Trong khi đó, công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của huyện. Dân số ngày một tăng, công việc ngày càng nhiều, nhân sự thì bị cắt giảm hơn một nửa; Công chức phải làm thêm giờ, ngày cuối tuần cũng phải vào cơ quan làm việc…

Điển hình, xã Vĩnh Lộc A có 164.000 dân, xã Vĩnh Lộc B có hơn 140.000 dân. Bình quân mỗi nhân sự cấp xã tại huyện phục vụ 2.274 người dân. Trong khi bình quân chung tại TP.HCM là một nhân sự cấp xã phục vụ khoảng 1.264 người dân. Cường độ phục vụ của mỗi nhân sự cấp xã tại Bình Chánh cao hơn so với bình quân chung của thành phố khoảng 44% khiến công tác quản lý hành chính, chăm sóc, phục vụ người dân gặp nhiều hạn chế.

3-1-.jpeg
Huyện Bình Chánh đề ra các chương trình đột phá đáp ứng các tiêu chí trong tình hình mới gồm: Chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, thành phố đang xây dựng Đề án biên chế ở các xã phường đông dân, bên cạnh việc đề xuất thêm nhân sự cho các xã, phường thì TP.HCM trước tiên chú trọng đến ứng dụng công nghệ để giải quyết công việc, giúp công chức cấp xã giải quyết công việc hiệu quả hơn. Ngoài “biên chế cứng” giao cho các địa phương thì UBND thành phố sẽ đề xuất Trung ương cũng nên có quy định cụ thể để địa phương được tăng thêm “biên chế mềm” phù hợp với thực tế địa phương.

Ngoài ra, Bình Chánh còn “điểm nghẽn” khác là quy hoạch đô thị, dự án chậm triển khai khiến người dân bức xúc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm về đất đai, xây dựng, làm cản trở sự phát triển của huyện. Để khắc phục, ngoài đề án chuyển huyện Bình Chánh thành Thành phố trực thuộc, huyện cũng đề ra nhiều giải pháp căn cơ, chương trình đột phá để phát triển.

Điển hình, UBND huyện Bình Chánh vừa có yêu cầu đôn đốc, triển khai đến 90 dự án hết hiệu lực. Việc rà soát các dự án “treo” là chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy với mục tiêu làm “sáng” các trục đường chính của huyện, xứng đáng với bộ mặt đô thị, hướng đến tiêu chí xây dựng thành phố thông minh, hiện đại trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Bình Chánh có thể trở thành “bệ phóng” kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO