Huyện Ba Vì (Hà Nội): Người dân vùng kinh tế mới thấp thỏm sống trên đất không sổ

Bình Minh| 26/12/2021 17:21

BVCL - Hàng trăm hộ gia đình, cá nhân đi làm kinh tế mới tại Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ ở thôn Quảng Phúc và thôn Phú Yên, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, (Hà Nội) đã sinh cơ, lập nghiệp từ những năm 1989 đến nay, nhưng cuộc sống chưa thể ổn định. Họ làm nhà ở, sản xuất ổn định trên những mảnh đất được Nông trường chia cho suốt vài chục năm mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

anh-yb1.jpg
Thôn Phú Yên đã hình thành ổn định gồm những người dân đi xây dựng kinh tế mới từ khoảng 30 năm trước.

Phản ánh đến Báo Công lý, 83 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại thôn Phú Yên, Quảng Phúc, xã Yên Bài cho biết, họ đi xây dựng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước rồi lập nghiệp, sinh sống ổn định tại đó suốt hơn 30 năm qua. Thế nhưng, do những bất cập từ việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Nông trường Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ (Nông trường) và những khúc mắc khó hiểu trong công tác quản lý đất đai, cho đến nay các hộ dân này vẫn chưa được thừa nhận sở hữu đất đai hợp pháp.

Từ nguồn tài liệu và qua tìm hiểu thực tế, PV được biết, ngày 15/6/1989, UBND huyện Ba Vì ban hành thông báo số 28/TB-UB về chế độ trợ cấp đối với nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới nội tỉnh, trong đó nêu rõ:“Vùng kinh tế mới của huyện tại Nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ sẽ giao cho mỗi hộ từ 1,2-1,5ha (trong đó có 500m2 đất thổ cư), số còn lại là vườn sản xuất theo quy hoạch chung của nông trường (trồng chè, nuôi bò, trồng rừng).

Phần đất giao cho các hộ được quản lý và sử dụng trong thời gian 30 năm và tiếp tục quyền sở hữu để sản xuất kinh doanh theo chu kỳ kinh tế của cây trồng”. Từ chính sách rõ ràng như vậy, nhiều hộ gia đình từ các xã khác thuộc huyện Ba Vì, Phúc Thọ yên tâm về khu vực thuộc thôn Quảng Phúc, thôn Phú Yên thuộc xã Yên Bài hiện nay để làm kinh tế mới, đóng góp công sức xây dựng Nông trường bằng nghề nuôi bò, trồng chè, trồng rừng…

Qua bao nhiêu vất vả, khó khăn, bà con nhân dân nơi đây đã xây dựng được một vùng nguyên liệu chè rộng lớn, kết hợp với trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh và nhiều loại cây trồng khác để nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều đáng trăn trở là sau hơn 30 năm đổ mồ hôi công sức, gắn bó với mảnh đất này, nhưng tất cả các hộ dân nhận khoán đất của Nông trường Việt Nam – Mông Cổ ở thôn Phú Yên đều chưa được cấp sổ đỏ.

Gia đình ông Trần Văn Minh đến xây dựng kinh tế mới từ năm 1991 và được giao quản lý, sử dụng khoảng 5.700 m2 đất. Đến năm 1996 ông Minh tích cóp được đủ tiền và cho xây dựng ngôi nhà khá khang trang trên mảnh đất ông được sở hữu chính đáng. Gia đình ông Doãn Văn Tuấn cũng đi xây dựng kinh tế mới từ năm 1991 ở vùng đất Nông trường trước kia.

anh-yb2.jpg
Ông Doãn Văn Tuấn chăm sóc vườn bưởi của gia đình tại khu đất được Nông trường cấp.

Theo ông Minh và ông Tuấn, Công ty CP Việt Mông đã xây dựng dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” và mặc dù dự án này được phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay hầu như chưa triển khai gì. Họ cùng với hơn 80 hộ dân khác đã sinh cơ, lập nghiệp vững chắc ở đó đến đời con, đời cháu và đều có chung một nỗi phiền muộn là đến nay chưa ai có sổ đỏ cho dù họ xứng đáng có được điều đó.

Câu chuyện đáng nói về đất đai bắt đầu từ việc cổ phần hóa Nông trường, khởi nguồn cho những rắc rối về quyền sử dụng đất của người dân vùng kinh tế mới này.

Ngày 16/3/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước Nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ thành công ty cổ phẩn. Nông trường đã tiến hành cổ phần hóa nội bộ theo phương án được duyệt, trong đó cổ phần nhà nước chiếm 20%; cổ phần người lao động chiếm 80%.

Ngày 03/7/2007, sau cổ phần hóa, Nông trường tiến hành bàn giao cho Công ty CP giống gia súc Việt Mông do bà Đặng Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT làm người đại diện theo pháp luật, tiếp nhận tài sản, đất đai của Nông trường quản lý trước đó. Đáng nói là toàn bộ diện tích đất hàng trăm ha do Nông trường quản lý trước kia được sang tên toàn bộ cho Công ty CP giống gia súc Việt Mông.

Đến ngày 12/10/2007, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Nông nghiệp PTNT có công văn số 2822/BNN-ĐMDN yêu cầu Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam liên hệ với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tây, Khánh Hòa chỉ đạo, đôn đốc các các nông trường đã chuyển thành công ty cổ phần khẩn trương thực hiện việc chuyển giao đất đai về cho địa phương quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 05/11/2007, Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam có văn bản số 710 CV/CN-ĐMDN yêu cầu các doanh nghiệp trong đó có Công ty cổ phần giống gia súc Việt Mông chủ động liên hệ với UBND tỉnh Hà Tây để làm thủ tục và thực hiện việc chuyển giao đất đai về địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ chủ quản, Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam đã có và rất rõ ràng. Thế nhưng, việc bàn giao đất cho địa phương quản lý không được thực hiện và vì thế đất đã giao cho dân có nguy cơ bị thu hồi.

Ngày 12/9/2008, Công ty CP Việt Mông ban hành thông báo về việc quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có nội dung:“Nghiêm cấm các hoạt động san ủi, đào đắp làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất hoặc chuyển nhượng đất, tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nhận khoán”. Như vậy, Công ty CP Việt Mông đã tự cho mình toàn quyền quản lý, sử dụng đất của Nông trường trước kia, trong đó có đất của 83 hộ gia đình, cá nhân đã được giao và sử dụng nhiều năm qua.

anh-yb3.jpg
Ông Trần Văn Minh đã xây dựng ngôi nhà cho đại gia đình ở tại thôn Phú Yên từ năm 1996.

Ngày 05/7/2011, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản số 5558/UBND-TNMT về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Công ty CP Việt Mông bàn giao đất cho chính quyền địa phương quản lý. Lúc này người dân khấp khởi hy vọng nếu địa phương quản lý họ sẽ có cơ hội được cấp quyền sử dụng đất.

Tiếp đó, Chỉ thị số 09/CT-UBND được UBND thành phố ban hành ngày 25/4/2013 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty đã thực hiện cổ phần hóa và các nông lâm trường, trạm trại trên địa bàn thành phố Hà Nội, nêu rõ:“Đối với các khu dân cư đã hình thành, đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch đất ở thì chuyển về cho chính quyền địa phương quản lý và xét duyệt cấp giấy chứng nhận theo quy định. Vậy là thêm một lần nữa các hộ dân thôn Phú Yên, Quảng Phúc lại tràn trề hy vọng có được cuốn sổ đỏ trong tay.

Tuy nhiên, chỉ đạo của thành phố không được thực hiện. Hơn thế, ngày 12/12/2017, Công ty CP Việt Mông tiếp tục có văn bản gửi UBND huyện Ba Vì báo cáo việc xây dựng nhà kiên cố của một số hộ dân ở thôn Quảng Phúc, Phú Yên.

Sau đó, UBND huyện Ba Vì có công văn số 2106/UBND-QLĐT ngày 21/12/2017 yêu cầu chủ tịch UBND xã Yên Bài nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn xã; phát hiện, xử lý kịp thời những công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã nói chung. Huyện chỉ đạo lập lại trật tự xây dựng chứ không đề cập đến việc triển khai thu hồi đất và xét cấp sổ đỏ cho người dân kinh tế mới Yên Bài. Hy vọng của họ về việc được thừa nhận sở hữu hợp pháp đất đai lại bị “dập tắt”.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì (Hà Nội): Người dân vùng kinh tế mới thấp thỏm sống trên đất không sổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO