Huyện Ba Vì (Hà Nội): Dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” bộc lộ nhiều bất ổn

Bình Minh| 30/12/2021 07:53

BVCL - Hơn 15 năm sau khi cổ phần hóa (CPH), doanh nghiệp vẫn chưa giao đất cho địa phương quản lý dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Người dân chưa được cấp sổ đỏ sau hơn 30 năm xây dựng vùng kinh tế mới, không được xây dựng nhà cửa và sử dụng đất để phát triển kinh tế một cách chính đáng. Nguyên nhân do những bất ổn trong quá trình CPH hay do đất đang nằm trong khu vực quy hoạch dự án?

Như Báo Công lý đã thông tin (Huyện Ba vì (Hà Nội): Người dân vùng kinh tế mới Yên Bài thấp thỏm sống trên đất không sổ đỏ, đăng ngày 26/12), các hộ dân thôn Phú Yên, xã Yên Bài sau hơn 30 năm đi xây dựng vùng kinh tế mới vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất. Hơn nữa, tài nguyên đất ở đây có nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng do doanh nghiệp không chịu bàn giao đất cho chính quyền quản lý.

Chỉ đạo nhiều nhưng không được thực hiện - Lỗi tại ai?

Được biết, Nông trường hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ (Nông trường) là đơn vị thuộc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (TCty chăn nuôi) được tách ra từ Nông trường Ba Vì. Ngày 16/3/2006, Bộ Nông nghiệp PTNT ban hành Quyết định số 739/QĐ-BNN-ĐMDN ngày 16/3/2006 về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước là Nông trường thành CTCP.

Theo phương án CPH được Bộ Nông nghiệp PTNT phê duyệt, tổng diện tích sử dụng đất của Nông trường là 1.117 ha, trong đó 29,8 ha được để lại cho Công ty CP Việt Mông quản lý, sử dụng (Nông trường trực tiếp sử dụng diện tích 26.275m2 đất); diện tích còn lại, hơn 1.000 ha giao về địa phương.

Do làm ăn kém hiệu quả, Nông trường đã bán cho Công ty CP giống gia súc Việt Mông, trong đó có toàn bộ cổ phần nhà nước. Ngày 03/7/2007, Nông trường tiến hành bàn giao cho Công ty CP giống gia súc Việt Mông (đại diện là bà Đặng Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT - Người đại diện theo pháp luật), doanh nghiệp vốn tư nhân 100%, năm 2008 đổi thành Cty CP Việt Mông.

Ngày 12/10/2007, Bộ Nông nghiệp PTNT có công văn số 2822/BNN-ĐMDN (theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng) yêu cầu TCty chăn nuôi liên hệ với UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tây, Khánh Hòa để chỉ đạo, đôn đốc các nông trường đã chuyển thành CTCP khẩn trương thực hiện việc chuyển giao đất đai về địa phương quản lý.

Ngày 05/11/2007, TCty chăn nuôi có văn bản số 710 CV/CN-ĐMDN yêu cầu các doanh nghiệp trong đó có Công ty CP giống gia súc Việt Mông chủ động liên hệ với UBND tỉnh Hà Tây để làm thủ tục và thực hiện việc chuyển giao đất đai về địa phương quản lý.

Tiếp đó, ngày 05/7/2011, UBND Tp. Hà Nội ra văn bản số 5558/UBND-TNMT về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Công ty CP Việt Mông bàn giao đất cho chính quyền địa phương quản lý. Trong văn bản này chỉ rõ:“Yêu cầu Công ty CP Việt Mông bàn giao ngay diện tích đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5545/VPCP-NN ngày 02/10/2007”.

Hàng loạt văn bản chỉ đạo rõ ràng là thế nhưng Công ty CP Việt Mông không thực hiện và cũng không có giải trình vì sao không thực hiện việc bàn giao đất cho địa phương.

Như vậy, sự bất ổn trong quá trình CPH là căn nguyên dẫn đến việc quản lý đất đai ở đây còn lộn xộn. Khi CPH không xác định rõ tài sản của Nông trường thế nào? Không rõ diện tích đất Nông trường trên thực địa là bao nhiêu, ranh giới ra sao? Hồ sơ quản lý đất đai của Nông trường hiện do đơn vị nào quản lý? Ai phải đứng ra bàn giao đất cho địa phương? Rõ ràng đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp PTNT và TCty chăn nuôi.

Từ sự bất ổn đó, việc mong mỏi sở hữu cuốn sổ đỏ của các hộ dân thôn Phú Yên dường như càng xa vời. Vì thế, họ khó có thể an cư, lạc nghiệp, khó trong cả phát triển kinh tế do những quy định về việc cấm thay đổi hiện trạng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Theo dư luận nhân dân, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp sổ đỏ cho dân rất có thể bắt nguồn từ một dự án 13 năm chưa được triển khai - dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông”.

anh-yb1.jpg
Diện tích trồng chè của người dân tại khu vực dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” đang bị thu hẹp dần

Bất cập của dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông”

Được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 ngày 03/7/2008, dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” có quy mô khoảng 941 ha đất và Công ty CP Việt Mông được UBND tỉnh Hà Tây giao chủ đầu tư tại Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 11/7/2008. Khi tỉnh giao đất không rõ ranh giới và diện tích đất trong dự án chủ yếu nằm tại thôn Phú Yên.

Bên cạnh đó, trước khi lập quy hoạch, chính quyền địa phương và Công ty CP Việt Mông đã không khảo sát hay xin ý kiến của nhân dân trên địa bàn. Đã có nhiều lần, nhiều đơn khiếu nại, kiến nghị của người dân trong vùng quy hoạch dự án này gửi tới các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sau 13 năm, điều kiện kinh tế, xã hội, tình hình dân cư tại khu vực đã có nhiều thay đổi. Năm 2010, UBND Tp. Hà Nội có quyết định thành lập 2 thôn mới Phú Yên và Quảng Phúc. Tại địa bàn, không chỉ có những người dân đi làm kinh tế mới trước đây mà đã có thế hệ thứ 2, thứ 3, thậm chí thế hệ thứ 4 sinh sống, xây dựng nhà cửa và lập nghiệp trên cùng một thửa đất được giao khoán. Nhiều hộ gia đình, cá nhân từ nơi khác đến mua đất, xây dựng trang trại, điểm du lịch tại các thôn.

Sau nhiều năm gắn bó với cây chè, các hộ vẫn nghèo do thu nhập từ trồng chè thấp, cộng thêm số lượng thành viên trong gia đình tăng lên, diện tích đất canh tác giảm đi, bà con bán bớt đất lấy tiền xây nhà. Hiện hơn 90% các hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách trồng thêm bưởi Diễn, bưởi da xanh, mít… xen lẫn để tăng thu nhập. Nhiều hộ phá bỏ cây chè để xây dựng nhà ở hoặc bỏ mặc không ai chăm sóc. Vậy dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” liệu có khả thi?

Cái tên “Làng sinh thái chè Việt Mông” đã vấp phải sự phản đối rất mạnh mẽ của bà con thôn Phú Yên vì năm 2015 UBND Tp. Hà Nội đã công nhận Phú Yên là “Làng nghề truyền thống chế biến chè”. Nhân dân thôn Phú Yên rất phấn khởi với danh hiệu đó và mong muốn giữ vững danh hiệu này.

anh-yb2.jpg
Dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” chưa thấy manh nha hình thành, nhưng một số quả đồi và nhiều diện tích đất ở Yên Bài bị san gạt trái phép

Công ty CP Việt Mông sử dụng đất không nghiêm túc

Sau khi được bàn giao từ Nông trường, Công ty CP Việt Mông sử dụng toàn bộ diện tích 29,8 ha từ 2007 đến nay chưa làm thủ tục đăng ký, thuê đất.

Để thực hiện dự án, ngày 12/9/2008, Công ty CP Việt Mông ban hành thông báo có nội dung:“Nghiêm cấm các hoạt động san ủi, đào đắp làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất hoặc chuyển nhượng đất, tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất nhận khoán”.

Ngày 12/12/2017, Công ty CP Việt Mông tiếp tục có văn bản gửi UBND huyện Ba Vì báo cáo việc xây dựng nhà kiên cố của một số hộ dân ở thôn Quảng Phúc, Phú Yên. Sau đó, UBND huyện Ba Vì có công văn số 2106/UBND-QLĐT ngày 21/12/2017 yêu cầu chủ tịch UBND xã Yên Bài nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn xã; phát hiện, xử lý kịp thời những công trình vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã nói chung.

Trong khi đó, tại những khu đất khác không do các hộ kinh tế mới quản lý, tình trạng chuyển nhượng, san gạt để lấy đất, lấy mặt bằng đang diễn ra khá rầm rộ. Một số khu vực tại đảo Thuyền (thôn Phú Yên) rộng hàng chục nghìn mét vuông đang được san lấp công khai. Các quả đồi tạo ra địa thế đặc trưng của thôn Phú Yên đã bị san phẳng không thương tiếc. Việc này chắc chắn không để phục vụ phát triển dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông”.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ba Vì (Hà Nội): Dự án “Làng sinh thái chè Việt Mông” bộc lộ nhiều bất ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO