“Hỏi để khỏe hơn” số 9: Tuân thủ điều trị triệu chứng đường tiểu dưới do bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến

PV| 29/06/2022 16:25

BVCL - Tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục nam, đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện chức năng sinh sản. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt là sự tăng sinh của các tế bào mô, cơ liên kết làm tuyến tiền liệt to lên. Nếu không khắc phục kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm.

anh-3.jpg
Chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 9

Những thắc mắc liên quan đến vấn đề này đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 9 với chủ đề “Tuân thủ điều trị triệu chứng đường tiểu dưới do bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến” do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

Theo ThS.BSNT Trần Xuân Quang, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Tại nước ta, 63,8% nam giới trên 60 tuổi mắc tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Con số lên tới 90% với nam giới từ 80-90 tuổi. Những biểu hiện chính của bệnh lý này đó là:

Trong bệnh lý tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thì có 2 hội chứng là hội chứng kích thích và hội chứng tắc nghẽn. Hội chứng kích thích có triệu chứng là tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu không kiểm soát. Triệu chứng tắc nghẽn gồm tiểu phải rặn, tiểu chậm, tia tiểu nhỏ. Trường hợp nặng là tiểu nhỏ giọt, bí tiểu, tiểu không hết bãi, tức là khi đi tiểu xong chúng ta vẫn chưa thỏa mãn, vẫn cảm thấy buồn tiểu.

Bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến gây ra tình trạng rối loạn đi tiểu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong trường hợp nặng có thể gây bí tiểu mãn tính dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu hay thậm chí là suy thận. Theo ThS.BSNT Trần Xuân Quang, cần phân biệt rõ các mức độ tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến để có phương pháp điều trị phù hợp. Theo đó, trong điều trị tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến thì có 3 biện pháp. Một là theo dõi, thay đổi lối sống, hai là điều trị nội khoa và ba là phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp can thiệp với bệnh nhân tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến tùy thuộc vào các mức độ, triệu chứng đường tiểu dưới. Đầu tiên là phương pháp theo dõi, thay đổi thói quen sinh hoạt sẽ được chỉ định trong trường hợp triệu chứng đường tiểu dưới rối loạn mức độ nhẹ, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Duy trì thói quen tập thể dục với các bài tập thư giãn giúp giảm tiểu đêm cho người bệnh. Hai là không được nhịn tiểu quá lâu. Ba là hạn chế chất kích thích và đồ uống có cồn. Bốn là hạn chế uống nước từ buổi chiều sẽ hạn chế số lần đi tiểu trong ban đêm.

anh-4.jpg
ThS.BS Trần Xuân Quang giải đáp trong chương trình

ThS.BS Trần Xuân Quang cũng nhấn mạnh, với các trường hợp tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến nặng hơn thì các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân. Trong điều trị nội khoa có 2 nhóm thuốc thường sử dụng là nhóm thuốc làm giãn các cơ trơn của tuyến tiền liệt, giúp bệnh nhân tiểu dễ hơn. Hai là nhóm thuốc làm ức chế sự phát triển của tuyến tiền liệt. Còn điều trị ngoại khoa sẽ được chỉ định trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại. Trong đó, phương pháp mới hiện nay là nút mạch tiền liệt tuyến. Trong quá trình điều trị tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến thì người bệnh cũng cần tuân thủ một số lưu ý:

Thứ nhất là phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ là uống thuốc đúng giờ và thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt. Hai là chúng ta phải theo dõi định kì, đi khám lại định kì 3-6 tháng 1 lần. Khi đi khám lại định kì thì các bệnh nhân sẽ được theo dõi về các triệu chứng đường tiểu dưới, được siêu âm, đánh giá lại thể tích tuyến tiền liệt cũng như đo nước tiểu tồn dư. Và chúng ta sẽ được đánh giá lại tác dụng phụ của thuốc và từ đó các bác sĩ sẽ quyết định các biện pháp điều trị tiếp theo, tiếp tục điều trị thuốc hay phải thay đổi thuốc hay cần phải can thiệp phẫu thuật. Nếu người bệnh không tuân thủ điều trị thì có thể dẫn tới các triệu chứng đường tiểu dưới không được cải thiện, tuyến tiền liệt tăng sinh và to nhanh hơn, sớm xuất hiện nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu máu tái diễn, ứ nước thận gây suy thận và có thể phải can thiệp phẫu thuật.

Trong chương trình, một người dân đưa ra câu hỏi liên quan đến quá trình thăm khám bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến, các xét nghiệm cần thực hiện và chỉ số xét nghiệm mà bệnh nhân cần lưu tâm. ThS.BS Trần Xuân Quang đã giải đáp thắc mắc này như sau:

Khi bạn có vấn đề về triệu chứng đường tiểu dưới thì nên đi thăm khám ở cơ sở có chuyên khoa Tiết niệu để xem triệu chứng tiểu dưới có đúng là do bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến gây ra hay không. Thứ hai là phải phân biệt bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến và ung thư tuyến tiền liệt vì hai bệnh lý này triệu chứng tương đối giống nhau. Ngoài ra có thể làm thêm một số xét nghiệm chụp chiếu, đặc biệt là siêu âm ổ bụng. Và các xét nghiệm chỉ số PSA, chỉ số này rất quan trọng trong tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến với ung thư tuyến tiền liệt.

Quý vị có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 9 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 10 với chủ đề “Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị thuốc kháng kết tập tiểu cầu trên bệnh nhân nhồi máu cơ tim”, với khách mời là Ths. BS Bùi Quang Thắng đến từ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ lên sóng lúc 15h00 chiều thứ sáu ngày 8/7. Mời quý vị quan tâm theo dõi. Chương trình do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi Việt Nam tổ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hỏi để khỏe hơn” số 9: Tuân thủ điều trị triệu chứng đường tiểu dưới do bệnh lý tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO