“Hỏi để khỏe hơn” số 4: Quản lý thuyên tắc khối tĩnh mạch trên bệnh nhân nội khoa nằm viện

PV| 26/02/2022 15:24

BVCL - Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra với bất kì ai hay bất cứ độ tuổi nào, nhưng thường xuất hiện nhiều ở các bệnh nhân phẫu thuật, đa chấn thương, ung thư, đặc biệt là bệnh nhân bị bệnh nội khoa phải nằm viện, có tình trạng hạn chế vận động.

anh-3.png
PGS.TS.Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải đáp thắc mắc trong chương trình

Những thắc mắc liên quan đến căn bệnh này đã được giải đáp trong chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số 4 với chủ đề “Quản lý thuyên tắc khối tĩnh mạch trên bệnh nhân nội khoa nằm viện” do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với Công ty Dược phẩm Sanofi tổ chức.

Bệnh được xem như “kẻ sát nhân thầm lặng”, bởi 80% bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt, với tỷ lệ tử vong cao và chi phí y tế lớn.

Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là sự tắc nghẽn tĩnh mạch do cục máu đông. Hậu quả thường thấy là gây đau chân, phù nề và loét da vùng dưới vị trí tĩnh mạch bị huyết khối. Tuy nhiên, biến chứng nguy hiểm nhất của thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là thuyên tắc phổi với nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện kịp thời.

Theo PGS.TS.Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có tới 60% trường hợp thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch xảy ra ở bệnh nhân nội viện và hậu phẫu: “Các bác sĩ lâm sàng sẽ phải đánh giá bệnh lý này có nguy cơ thuyên tắc khối tĩnh mạch hay không, dựa vào các dữ liệu về tiền sử bệnh nhân, bệnh đồng mắc, hoặc tình trạng đợt này có nặng hay không, hoặc bệnh nhân hiện đang điều trị phương pháp gì. Cùng một trường hợp ấy thì người trẻ vào thì nguy cơ sẽ ít hơn, người nhiều tuổi thì nguy cơ sẽ nhiều hơn, cùng là một bệnh đó thì giai đoạn này nguy cơ thấp, còn giai đoạn khác thì nguy cơ thuyên tắc khối tĩnh mạch sẽ cao hơn. Có người đã có tiền sử đã từng bị thuyên tắc khối tĩnh mạch rồi thì nguy cơ sẽ cao hơn người còn lại.”

anh-1.png
Bệnh thuyên tắc khối tĩnh mạch là một bệnh lý nguy hiểm

Cũng chính vì lý do đó, việc dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch để giúp bệnh nhân được bảo vệ khỏi các nguy cơ và biến chứng nguy hiểm của bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp giảm gánh nặng của ngành y tế. PGS.TS.Hoàng Bùi Hải chỉ ra một số biện pháp chăm sóc dự phòng: “Về phía người bệnh thì chủ động vận động sớm, nâng tay chân, thay đổi tư thế. Bệnh nhân phải là người chủ động và nghị lực ở chỗ này. Bệnh nhân càng vận động sớm thì nguy cơ thuyên tắc khối tĩnh mạch càng thấp. Chế độ ăn thì chúng ta cũng nên ăn nhiều rau, uống đủ nước. Tuân thủ chế độ điều trị theo bác sĩ yêu cầu. Người nhà bệnh nhân cũng có thể nâng chân, tập thụ động cho bệnh nhân, xoa từ cổ chân lên trên, lật trở, tránh tì đề và hỗ trợ cho bệnh nhân đi lại. Nếu làm được thế này thì bệnh nhân sẽ rất nhanh được ra viện và giảm biến chứng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian nằm viện.”

Giải đáp những thắc mắc liệu bệnh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có liên quan đến di truyền không, PGS.TS.Hoàng Bùi Hải cho biết: “Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một bệnh lý rất phong phú về nguyên nhân và về mặt di truyền là có. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch đều là bệnh lý di truyền mà đa số là mắc phải. Ví dụ bệnh nhân sau mổ thay khớp gối, khớp háng, bệnh nhân ung thư, nằm im một chỗ… thì có nguy cơ. Một phần nhỏ là bệnh nhân rất trẻ, không có yếu tố nguy cơ gì nhưng tự nhiên bị xuất hiện huyết khối. Nó mang tính chất gia đình, khi sự đột biến có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có gia đình có thể gặp từ ông, bố mẹ xong truyền đến con. Trong nhà thường xuyên có người bị đột từ vì gây ra tắc mạch trên não, nhồi máu cơ tim, huyết khối tĩnh mạch chân, tắc động mạch phổi”.

Có thể thấy rằng, bệnh thuyên tắc khối tĩnh mạch là một bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, theo PGS.TS.Hoàng Bùi Hải, ngành y tế hiện nay đã có nhiều phương pháp đo lường/đánh giá mức độ bệnh khác nhau, từ đó đưa ra phác đồ điều trị cho từng trường hợp cụ thể: “Nếu huyết khối tĩnh mạch sâu ở giai đoạn cấp tính thì thông thường đa số vẫn là điều trị bằng thuốc. Nếu tắc động mạch phổi cấp mà nhỏ thôi, không ảnh hưởng đến huyết động, thậm chí ảnh hưởng đến huyết áp, sốc thì cũng chỉ cần dùng thuốc để tan cục huyết khối ấy và kèm thuốc chống đông. Tuy nhiên, có những trường hợp can thiệp hay dùng thuốc chống đông thất bại thì giải quyết tình trạng suy tim cấp, tụt huyết áp thì người ta có thể cho bệnh nhân phẫu thuật. Đặc biệt là trong những trường hợp có chống chỉ định với thuốc tiêu sợi huyết.”

anh-2.png
PGS.TS.Hoàng Bùi Hải đưa ra một số hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh sau xuất viện

Trong thực tế, nhiều bệnh nhân khi xuất viện trở về nhà một thời gian vẫn có nguy cơ bị thuyên tắc khối tĩnh mạch. Về điều này, PGS.TS.Hoàng Bùi Hải đưa ra một số hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh sau xuất viện để dự phòng tình trạng nguy hiểm này: “Nếu được đi lại thì nguy cơ tắc huyết khối giảm đi rất nhiều, nếu không đi lại được thì ít nhất anh phải có những biện pháp tự nâng chân, vận động chân. Bên cạnh đó, về việc ăn uống thì uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều rau. Một số trường hợp đang dùng thuốc chống đông thì người ta cũng khuyên giảm thức ăn chứa nhiều Vitamin K như họ Đậu, họ Cải, gan động vật… để không bị tương tác với thuốc chống đông. Một số trường hợp đi tàu, đi xe kéo dài hoặc nhân viên văn phòng thì làm động tác kiễng chân lên, dẫm xuống đất, chạm mũi chân, chạm gót để tránh việc hình thành huyết khối.”

Quý khán giả và quý đồng nghiệp quan tâm có thể xem lại chương trình “Hỏi để khỏe hơn” số thứ 4 trên kênh Youtube, Zalo và website của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Số thứ 5 với chủ đề “Làm thế nào nhận biết đột quỵ/thiếu máu não thoáng qua” với khách mời là PGS. Nguyễn Văn Hướng - Trưởng khoa thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ lên sóng vào 15h thứ 6 ngày 11/3 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hỏi để khỏe hơn” số 4: Quản lý thuyên tắc khối tĩnh mạch trên bệnh nhân nội khoa nằm viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO