Hoàn Kiếm (Hà Nội): Cần sớm xác minh, bảo đảm quyền lợi của người dân

Hồng Huê| 31/12/2021 18:40

BVCL - Theo phản ánh của người dân, công trình xây dựng tại số 40 Nguyễn Siêu, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã gây ra lún, nứt, hư hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người và tài sản của hộ gia đình bên cạnh. Điều đáng nói là người dân đã liên tục phản ánh, “kêu cứu” nhưng sự việc vẫn chưa được xác minh, xử lý dứt điểm…

Theo đó, việc thi công nhà số 40 Nguyễn Siêu, phường Hàng Buồm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề. Cụ thể, phần nhà mặt phố 40 Nguyễn Siêu đóng cọc móng to - sâu (đường kính 50 - 60cm, sâu 30m), vét đất xuống sâu dưới Cốt 00 để xây dựng tầng hầm và công trình mặt tiền phố cổ cao hơn 3 tầng. Quá trình thi công, chủ đầu tư còn cho xây, đổ bê tông đè lên tường và móng của công trình liền kề. Hậu quả là, phần nhà trong số nhà 42 Nguyễn Siêu do không chống đỡ găng tường của 2 nhà liền kề nên bị nứt góc nhà, nứt toác nhiều chỗ sát cổ trần xuống cửa sổ, cửa đi và nứt – trồi nền nhà (rộng 5 cm, cao 7cm) rất nghiêm trọng. Toàn bộ ngôi nhà cổ 2 tầng tại số 42 Nguyễn Siêu hiện trong tình trạng bị nứt - lún - gẫy kết cấu nghiêm trọng; Các cửa ra vào tầng 1, cửa ra Ban công tầng 2 và các cửa sổ đều không đóng được; Tường giáp ranh ranh thấm dột vô số chỗ...

Để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của gia đình, đến nay, ông Nguyễn Mạnh T, chủ công trình số 42 Nguyễn Siêu đã 07 lần gửi Đơn kiến nghị, Tố cáo đến UBND Phường Hàng Buồm, UBND quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều đáng nói, hiện nay, công trình số 42 Nguyễn Siêu đã xuống cấp nghiêm trọng, “có thể sập bất cứ lúc nào”. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến tính mạng của công dân.

Ghi nhận thực tế và phản ánh của người dân cho thấy, chủ đầu tư tại 40 Nguyễn Siêu đã đào sâu xuống nhiều mét và có dấu hiệu tầng hầm. Về vấn đề này, một cán bộ UBND phường Hàng Buồm cho rằng đó là bể nước, hệ thống đường ống dẫn nước của công trình (?). Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế của công trình tại 40 Nguyễn Siêu thì cán bộ này lại không đưa ra được.

Bên cạnh đó, người dân cũng đặt vấn đề về cách xử lý “khó hiểu” của UBND phường Hàng Buồm đối với những phản ánh, tố cáo của công dân. Mới đây nhất, tại Biên bản làm việc do UBND phường Hàng Buồm lập ngày 14/12/2021 (có chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Hoàng Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm) có xác định: “Công trình xây dựng tại 40 Nguyễn Siêu trong quá trình thi công xây dựng đã gây ảnh hưởng đến nhà 42 Nguyễn Siêu đã được lập biên bản vi phạm hành chính và được xử lý theo quy định của pháp luật”. Trước đó, Biên bản 03/12/2021, cũng xác nhận, phường Hàng Buồm đã yêu cầu: “Tạm dừng thi công phần Móng vị trí trên cho tới khi thống nhất phương giải quyết với gia đình ông T cũng như cơ quan chức năng”. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm cho biết đã yêu cầu dừng thi công tại 40 Nguyễn Siêu. Song, thực tế theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 30/12/2021, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên triển khai thi công rầm rộ bất chấp yêu cầu của UBND phường Hàng Buồm và bất chấp nguy cơ sập đổ của công trình liền kề. Dư luận nghi vấn, phải chăng UBND phường Hàng Buồm đang “bất lực” trước công trình có dấu hiệu vi phạm, hay còn nguyên nhân nào khác? Có hay không việc chủ đầu tư công trình xây dựng tại 40 Nguyễn Siêu lấn chiếm đất đai, xâm phạm tài sản của người khác nhưng lại được bao che, dung túng?

1.jpg
2.jpg
3.jpg
4.jpg
Một số hình ảnh tại công trường xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, thực tế thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp chủ đầu tư công trình vi phạm thiếu thiện chí, không hợp tác với bên bị thiệt hại; cố tình đưa tranh chấp ra tòa và nộp đủ tiền bảo lãnh để tiếp tục thi công, bất chấp thiệt hại của các hộ liền kề. Đây là vấn đề mà chính quyền các cấp cần lưu ý khi giải quyết những tranh chấp phát sinh trong thi công các công trình xây dựng.

Cũng theo Luật sư Long Tâm, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung bởi khoản 36 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017. Người có hành vi nói trên, tùy theo tính chất, mức độ có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; phạt tù từ 02 - 07 năm hoặc phạt tù từ 05 - 10 năm khi gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng. Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 - 20 năm khi gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên. Do đó, các cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý nghiêm minh.

Thiết nghĩ, chấp hành quy định phát luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân. Để ổn định tình hình, tránh tình trạng đơn thư kéo dài, UBND phường Hàng Buồm, UBND quận Hoàn Kiếm nên sớm có những biện pháp quyết liệt, giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên.

Ngoài ra, theo những tài liệu phóng viên có được, quá trình UBND quận Hoàn Kiếm tiếp nhận thụ lý, giải quyết đơn thư của ông Nguyễn Mạnh T đang có dấu hiệu chậm trễ, không bảo đảm quy định tại Luật Tố cáo 2018.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn Kiếm (Hà Nội): Cần sớm xác minh, bảo đảm quyền lợi của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO